Nguồn: Panama Canal turned over to Panama, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1999, theo các điều khoản trong Hiệp ước Torrijos-Carter, Mỹ đã chính thức trao quyền kiểm soát Kênh đào Panama lại cho Panama. Đám đông những người Panama đã tổ chức kỷ niệm việc chuyển giao con kênh 50 dặm này. Con kênh nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương và chính thức mở cửa khi tàu SS Arcon đi qua vào ngày 15/08/1914. Kể từ đó, có hơn 922.000 con tàu đã sử dụng kênh này.
Mong muốn tìm kiếm một lối tắt từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương đã bắt nguồn từ thời các nhà thám hiểm ở Trung Mỹ vào đầu những năm 1500. Năm 1523, Hoàng đế La mã Charles V đã cho tiến hành một cuộc khảo sát về Vành đai Panama và một số kế hoạch xây dựng một con kênh đã được thảo luận, nhưng nó chưa bao giờ được thực hiện.
Mối quan tâm của người Mỹ đối với việc xây dựng con kênh đã bắt đầu cùng với sự bành trướng của Mỹ sang phía Tây và cơn sốt vàng California năm 1848. (Ngày nay, một con tàu hướng từ New York đến San Francisco có thể đi ngắn hơn khoảng 7.800 dặm bằng cách đi qua kênh đào Panama chứ không phải đi vòng qua Nam Mỹ.)
Năm 1880, một công ty của Pháp điều hành bởi người xây dựng kênh đào Suez đã bắt đầu đào một con kênh qua eo biển Panama (khi đó còn là một phần của Colombia). Hơn 22.000 công nhân đã chết vì các bệnh nhiệt đới như sốt vàng (yellow fever) trong giai đoạn đầu của quá trình xây dựng. Công ty cuối cùng đã phá sản và phải bán quyền thực hiện dự án cho người Mỹ vào năm 1902 với giá 40 triệu USD.
Tổng thống Theodore Roosevelt đã ủng hộ con kênh này, coi nó là quan trọng đối với lợi ích kinh tế và quân sự của Mỹ. Năm 1903, Panama tuyên bố độc lập khỏi Colombia trong một cuộc cách mạng do Mỹ hậu thuẫn, sau đó Mỹ và Panama ký hiệp ước Hay-Bunau-Varilla, trong đó Mỹ đồng ý trả 10 triệu USD cho Panama theo một hợp đồng thuê con kênh vĩnh viễn, cộng với tiền thuê mỗi năm là 250.000 USD.
Hơn 56.000 người làm việc tại con kênh trong giai đoạn 1904 – 1913 và hơn 5.600 người đã bị mất mạng. Khi hoàn thành, con kênh có chi phí xây dựng 375 triệu USD được coi là một công trình tuyệt vời và đại diện cho sự nổi lên của nước Mỹ thành một cường quốc trên thế giới.
Năm 1977, sau gần 20 năm phản đối của người Panama, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Tổng thống Panama Omar Torrijos đã ký hai hiệp định mới thay thế bản hiệp ước 1903 ban đầu và kêu gọi chuyển giao quyền kiểm soát kênh vào năm 1999. Hiệp định, được Mỹ phê chuẩn với tỷ lệ bỏ phiếu sít sao tại Thượng viện, đã cho Mỹ quyền tiếp tục bảo vệ con kênh chống lại mọi mối đe dọa đến tính trung lập của nó. Tháng 10/2006, các cử tri Panama đã chấp thuận kế hoạch 5,25 tỷ USD nhằm tăng gấp đôi quy mô con kênh vào năm 2015 để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các con tàu hiện đại.
Các tàu trả phí để sử dụng kênh, dựa trên kích cỡ và khối lượng hàng của từng tàu. Tháng 05/2006, tàu Maersk Dellys đã phải trả một khoản phí kỷ lục là 249.165 USD. Khoản phí thấp nhất – 36 cent- đã được trả bởi Richard Halliburton, người bơi thuyền qua kênh vào năm 1928.