02/01/1905: Hạm đội Nga đầu hàng tại Cảng Arthur

Nguồn: Russian fleet surrenders at Port Arthur, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1905, trong Chiến tranh Nga – Nhật, Cảng Arthur (Lữ Thuận), căn cứ hải quân Nga ở Trung Quốc, đã rơi vào tay lực lượng hải quân Nhật dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Heihachiro Togo. Đây là thất bại đầu tiên trong một loạt những thất bại mà cho đến tháng 6 đã khiến cuộc chiến tranh giữa hai đế quốc trở thành không thể cứu vãn đối với người Nga.

Tháng 02/1904, sau khi Nga bác bỏ kế hoạch chia cắt Mãn Châu và Triều Tiên thành các khu vực ảnh hưởng, Nhật Bản đã phát động một cuộc tấn công hải quân bất ngờ vào Cảng Arthur, làm suy yếu hạm đội của Nga. Trong cuộc chiến tiếp sau đó, người Nhật đã giành được một loạt các chiến thắng quyết định trước Nga, những người đánh giá thấp tiềm năng quân sự của đối phương vốn không phải là người phương Tây.

Tháng 01/1905, căn cứ hải quân chiến lược tại Cảng Arthur đã rơi vào tay Nhật; sang tháng 3, quân Nga bị đánh bại tại Thẩm Dương, Trung Quốc, bởi Nguyên soái Iwao Oyama; và tới tháng 5, hạm đội Baltic của Nga thuộc quyền Đô đốc Zinovi Rozhdestvenski đã bị tiêu diệt bởi hạm đội của Đô đốc Togo gần quần đảo Tsushima. Ba thất bại quyết định này đã thuyết phục người Nga rằng mọi sự kháng cự lại tham vọng đế quốc của Nhật Bản ở Đông Á chỉ là vô vọng, và đến tháng 08/1905, Tổng thống Theodore Roosevelt đã làm trung gian cho một hòa ước tại Portsmouth, New Hampshire.

Nhật Bản nổi lên sau cuộc xung đột như là cường quốc thế giới phi phương Tây đầu tiên trong thời hiện đại, cũng như bắt đầu bày tỏ ý định mở rộng hơn nữa đế quốc của mình. Ngược lại, đối với Nga, kết cục thảm họa trong chiến tranh là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Cách mạng Nga năm 1905.