13/05/1985: Mỹ tấn công trụ sở giáo phái MOVE

Nguồn: A raid is set for MOVE headquarters, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1985, tại Philadelphia, Pennsylvania, cảnh sát đã phát lệnh sơ tán dân thường khỏi nhà của họ tại Đại lộ Osage để chuẩn bị cho một cuộc đột kích chống lại MOVE, một giáo phái cực đoan vốn đã thu thập một kho vũ khí lớn. Cuộc đối đầu kết thúc với 11 người chết và 61 ngôi nhà bị đốt cháy.

Nguồn gốc của sự kiện 1985 là từ năm 1978 khi một cuộc đối đầu giữa MOVE và cảnh sát đã khiến sĩ quan James Ramp thiệt mạng. Một số thành viên của MOVE dù vô tội nhưng đã bị kết án giết người. Điều này kích động các thành viên còn lại. Thủ lãnh của MOVE, John Africa, đã bắt đầu cuộc phản công vào đêm Giáng sinh năm 1983. Tại trụ sở của MOVE ở số 6221 Đại lộ Osage, các thành viên đã lắp đặt một số loa phóng thanh và bắt đầu la hét những lời tục tĩu vào hàng xóm của họ. Nguy hiểm hơn, MOVE bắt đầu lắp ráp vũ khí và xây dựng các hầm chứa trong tòa nhà của họ.

Mọi chuyện bắt đầu vào tháng 05/1985 khi Thị trưởng W. Wilson Goode ra lệnh cho cảnh sát tấn công trụ sở MOVE. Các nhà chức trách sớm nhận ra rằng họ gần như chẳng thể làm gì để loại bỏ các thành viên của MOVE khỏi vị trí cố thủ của họ. Khoảng 5 giờ 30 phút chiều ngày 13/05, một quả bom nhỏ đã được thả xuống trên mái nhà của tòa nhà nhằm phá huỷ hầm chứa. Điều này hóa ra lại rất tai hại, vì phần mái nhà đã được phủ bằng hắc ín và có khí gas, và một vụ cháy nhanh chóng lan ra.

Bộ phận chữa cháy phải mất một giờ để bắt đầu dập lửa. Nhưng đến lúc ấy, tình hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Trong cảnh hỗn loạn sau đó, sáu người lớn và năm đứa trẻ bên trong tòa nhà MOVE đã bị giết. Đến lúc ngọn lửa được khống chế, gần như toàn bộ một khu phố ở Philadelphia đã bị thiêu rụi.

Giống như cuộc tấn công vào nhóm tôn giáo Branch Davidians tại Waco, Texas 8 năm sau đó, chính phủ đã bị chỉ trích nặng nề vì xử lý yếu kém trong vụ đối đầu. Năm 1986, một bồi thẩm đoàn đã quyết định trả 1,5 triệu USD cho ba người sống sót trong cuộc đột kích MOVE.