Nguồn: Record day for the Berlin Airlift, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1948, để ứng phó với áp lực đang gia tăng của Liên Xô đối với Tây Berlin, các máy bay của Mỹ và Anh đã không vận một lượng lớn hàng tiếp tế tới các khu vực của thành phố nằm dưới sự kiểm soát của mình. Nỗ lực tiếp tế khổng lồ này, được thực hiện trong thời tiết xấu đến mức mà một số phi công gọi nó là “Ngày thứ Sáu đen tối “, đưa ta thông điệp rằng Anh và Mỹ sẽ không đầu hàng trước sự phong tỏa của Liên Xô ở Tây Berlin.
Berlin, giống như toàn bộ nước Đức, bị chia thành các khu vực chiếm đóng sau Thế chiến II. Nga, Mỹ, và Anh đều nhận được một khu vực, với ý nghĩ rằng việc chiếm đóng sẽ chỉ là tạm thời và nước Đức cuối cùng sẽ được thống nhất. Tuy nhiên, vào năm 1948, tình trạng Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ, Anh đã gia tăng đến mức rõ ràng là sự thống nhất của nước Đức sẽ không thể xảy ra.
Trong một nỗ lực để đẩy Anh và Mỹ ra khỏi khu vực chiếm đóng ở Tây Berlin, Liên Xô bắt đầu can thiệp vào giao thông đường bộ và đường sắt đi vào những khu vực của thành phố này vào tháng 04 năm 1948. (Mặc dù được chia thành các khu vực chiếm đóng, về mặt địa lý thành phố Berlin nằm trọn trong khu vực chiếm đóng của Liên Xô ở Đức.) Vào tháng 06 năm 1948, Liên Xô đã chặn tất cả các tuyến đường bộ và đường thủy vào Tây Berlin.
Mỹ và Anh phản ứng bằng một cuộc không vận quy mô lớn để tiếp tế cho cư dân trong khu vực Berlin thuộc quyền kiểm soát của họ với thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Đó là một nỗ lực hậu cần khó khăn, và đồng nghĩa với các chuyến bay gần như suốt ngày đêm ra và vào Tây Berlin.
Ngày 13 tháng 08 năm 1948, là một ngày đặc biệt khó khăn, với thời tiết khủng khiếp làm tăng thêm sự chật chội của không phận và sự kiệt sức của các phi công và phi hành đoàn. Tuy nhiên, hơn 700 máy bay của Anh và Mỹ đã hạ cánh ở tây Berlin, chở vào gần 5.000 tấn đồ tiếp tế.
Nỗ lực chung của Anh-Mỹ trong “Ngày thứ Sáu đen tối ” là một chiến thắng quan trọng bởi hai lý do. Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là việc trấn an người dân Tây Berlin rằng Anh và Mỹ không rút lại cam kết của họ đối với việc bảo vệ thành phố này trước Liên Xô. Thứ hai, đó là một dấu hiệu khác cho thấy sự phong tỏa của Liên Xô không chỉ không thành công mà còn phản tác dụng trong một cơn ác mộng tuyên truyền. Trong khi Liên Xô trông giống như kẻ bắt nạt và chuyên quyền tàn nhẫn khi tìm cách bỏ đói, buộc Tây Berlin phải khuất phục, thì Anh và Mỹ – bằng cách phô trương ưu thế công nghệ của mình – được mô tả như những anh hùng bởi các nhà quan sát trên toàn thế giới.