18/09/1918: Trận Epehy bắt đầu

Nguồn: Battle of Epehy, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, gần làng Epehy của Pháp, Tập đoàn quân số 4 của Anh, được chỉ huy bởi Sir Henry Rawlinson, đã tấn công các tiền đồn của Đức tại Phòng tuyến Hindenburg, tuyến phòng thủ cuối cùng của Đức trên Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I.

Được người Anh đặt tên theo vị Tổng Tư lệnh của Đức, Paul von Hindenburg – trong khi người Đức gọi nó là Phòng tuyến Siegfried – Phòng tuyến Hindenburg là một tuyến phòng thủ bán kiên cố mà Hindenburg ra lệnh dựng lên, chỉ vài dặm đằng sau chiến tuyến của Đức, vào cuối năm 1916.

Mùa xuân năm sau, quân Đức đã tiến hành một kế hoạch tỉ mỉ để rút quân về khu vực phòng thủ tăng cường này, thiêu rụi và cướp bóc bất cứ làng mạc và thôn quê nào mà họ đi qua, để kéo dài thời gian cho họ và gây nhầm lẫn cho kế hoạch tấn công của phe Đồng minh Hiệp ước. Tính đến đầu tháng 09/1918, lực lượng của phe Hiệp ước đã phản công hiệu quả đợt tấn công mùa xuân lớn của Đức trong năm đó và đã tiến tới điểm xa nhất của phòng tuyến Hindenburg, vốn được nhiều người ở cả hai bên coi là bất khả xâm phạm.

Chưa muốn phát động động một cuộc tấn công vào phòng tuyến này, Tổng Tư lệnh Anh, Sir Douglas Haig, lúc đầu đã bác bỏ kế hoạch tấn công của Tướng Rawlinson thuộc Tập đoàn quân số 4 nhắm vào các vị trí được củng cố vững chắc và được vũ trang hạng nặng của người Đức. Tuy nhiên, sau thành công của phe Hiệp ước tại Havrincourt và Saint-Mihiel – lần lượt được tiến hành bởi các lực lượng của Anh và Mỹ – Haig đã thay đổi ý định và cả ba quân đoàn của Rawlinson, được hỗ trợ bởi một quân đoàn của Tập đoàn quân số 3 vừa mới giành chiến thắng tại Havrincourt, được phép tấn công.

Cuộc tấn công do quân Anh dẫn đầu diễn ra vào sáng ngày 18/09/1918, với một loạt đạn từ khoảng 1.500 khẩu pháo và 300 khẩu súng máy. Mặc dù quân Đức ở hai bên sườn đã phòng vệ khá tốt, họ vẫn bị đánh bại ở vị trí trung tâm trước bước tiến của quân Hiệp ước, dẫn đầu bởi hai sư đoàn quân Úc dưới quyền Tướng John Monash. Đến cuối ngày, quân Hiệp ước đã tiến sâu hơn ba dặm, một kết quả khiêm tốn nhưng vẫn khuyến khích Haig và các đồng chỉ huy tiếp tục tấn công để tận dụng những điểm yếu của người Đức đang dần lộ diện. Đến cuối tháng, nhờ biết tận dụng lợi thế của mình và cố gắng duy trì cái gọi là “Đợt Tấn công 100 ngày” (Hundred Days Offensive), quân Hiệp ước đã làm được điều tưởng chừng không thể: phá vỡ phòng tuyến Hindenburg khét tiếng.