Nguồn: “How the killing of Jamal Khashoggi affects Turkish-Saudi relations“, The Economist, 01/11/2018.
Biên dịch: Phan Nguyên
Khi Muhammad bin Salman, thái tử Ảrập Xêút, cho biết vào ngày 24/10 rằng không ai có thể chia rẽ vương quốc của ông và Thổ Nhĩ Kỳ, đã có các đồn đoán cho rằng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đồng ý bảo vệ ông khỏi bất kỳ cáo buộc nào liên quan đến vụ ám sát Jamal Khashoggi, một nhà báo Ảrập Xêút. Những gì xảy ra sau đó cho thấy điều ngược lại. Vài ngày sau phát biểu của vị thái tử, một số hãng tin báo cáo rằng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã cho giám đốc CIA, Gina Haspel, nghe bản thu âm những khoảnh khắc cuối cùng của Khashoggi. Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu dẫn độ 18 người bị nghi ngờ tra tấn và giết hại Khashoggi bên trong lãnh sự quán của Ảrập Xêút vào ngày 02/10. Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 31/10, công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách vụ việc nói rằng Khashoggi đã bị giết ngay khi ông vào lãnh sự quán, và xác của ông đã bị cắt nhỏ và tiêu hủy. Ảrập Xêút muốn mọi việc chìm xuồng. Erdogan dường như muốn điều ngược lại. Điều này sẽ diễn ra ra sao và động cơ của các bên là gì?
Ảrập Xêút không thể xử lý vụ giết người tồi tệ hơn thế. Các quan chức của họ đã đi từ tuyên bố họ không biết gì về nơi ở của Khashoggi, tới việc nói rằng ông đã chết trong một cuộc cãi vã bên trong lãnh sự quán, rồi thừa nhận rằng vụ giết người có thể đã được lên kế hoạch trước, mặc dù là do một chiến dịch mà các thành viên cao cấp của cơ quan tình báo không hay biết. Thổ Nhĩ Kỳ thì không thể xử lý mọi thứ tốt hơn. Đất nước bỏ tù nhiều nhà báo hàng đầu thế giới này có thể kể công về việc phơi bày vụ sát hại một nhà báo, buộc quan chức Ảrập Xêút phải thú nhận vụ việc, và tránh được một cuộc đối đầu trực tiếp với các nhà cầm quyền của vương quốc này.
Trên hết, Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ vẫn còn một bảo bối khác, đó là các băng ghi âm và tài liệu gợi ý Thái tử Muhammad có dính líu tới vụ giết người. Nhắc tới sự rò rỉ tin của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và sự miễn cưỡng của Erdogan trong việc xác nhận chi tiết, các nhà phân tích đã cho rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn tìm kiếm các nhượng bộ từ Ảrập Xêút để đổi lấy việc cho phép vị thái tử giữ thể diện. Các nhượng bộ này có thể bao gồm việc Ảrập Xêút giúp bơm tiền vào nền kinh tế khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với một lời xin lỗi cá nhân (về việc một cơ quan đại diện ngoại giao được sử dụng như một phòng tra tấn). Nếu không, ông Erdogan có thể dùng hậu quả từ vụ giết người để kiềm chế Thái tử Muhammad, hoặc thậm chí chặn đường đi lên ngai vàng của ông ta. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã có mâu thuẫn với Arập Xêút trong gần cả chục năm nay. Vị thái tử đã làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Dưới sự lãnh đạo của ông ta, Ảrập Xêút đã đe dọa tấn công Iran, áp đặt lệnh cấm vận chống lại Qatar, hậu thuẫn lực lượng nổi dậy người Kurd ở Syria, và tiếp tục tán thành một cuộc đàn áp chống lại lực lượng Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, tất cả đều là những hành động mà Thổ Nhĩ Kỳ phản đối kịch liệt.
Không muốn khiêu khích Ảrập Xêút và các đồng minh vùng Vịnh của nước này, những người đã đầu tư hàng tỷ đô la vào Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ của ông Erdogan cho đến nay đã cố gắng hạ thấp những khác biệt đó. Nhưng Thái tử Muhammad đã không làm vậy. Đầu năm nay, ông được cho là đã gọi Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của một “tam giác ác quỷ” trong khu vực. “Erdogan không muốn ông ta lên làm vua,” Behlul Ozkan, một học giả tại Đại học Marmara ở Istanbul, nói. Một cuộc xung đột ý thức hệ rộng lớn hơn cũng đang diễn ra. Erdogan và Ảrập Xêút đại diện cho hai tầm nhìn đối lập về chính trị Islam. Bất chấp bản năng độc tài của ông và tình trạng đáng buồn của nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan vẫn có được tính chính danh thông qua các cuộc bầu cử và sự ủng hộ của người dân. Còn thái tử Muhammad có được điều đó nhờ dòng dõi hoàng gia và sự ủng hộ của vua cha. Ozkan nói: “Ví dụ của Thổ Nhĩ Kỳ làm cho MBS lo sợ”, đặc biệt là sau sự kiện Mùa xuân Ả Rập, khi các phong trào Islam đã giúp hạ bệ các chế độ độc tài ở Tunisia, Libya và Ai Cập, và củng cố các thắng lợi của mình thông qua các cuộc bầu cử. “Ảrập Xêút và UAE lo sợ người dân của họ cũng có thể muốn bầu cử một ngày nào đó.”
Nhưng ông Erdogan không muốn ra tay quá đà. Có một khả năng là việc tung ra bằng chứng (nếu bằng chứng tồn tại) liên hệ Thái tử Muhammad với vụ giết sát hại Khashoggi có thể buộc Vua Salman và người Mỹ phải rút lại sự ủng hộ dành cho vị thái tử. Nhưng có một khả năng cao hơn nhiều là điều đó sẽ không xảy ra. (Ông Trump đã nói rằng ông sẽ không cho phép cái chết của một phóng viên phá hủy quan hệ của chính phủ mình với Ảrập Xêút.) Erdogan sẽ không cố gắng tự mình hạ bệ vị thái tử nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ. Một vị vua trẻ, không thể đoán trước của Ảrập Xêút tìm cách trả thù ông là điều mà vị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ không hề mong muốn.
Muhammad bin Salman làm thay đổi chính trị Saudi Arabia ra sao?