Nguồn: Arafat elected leader of Palestine, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1996, Yasser Arafat được bầu làm chủ tịch Hội đồng Quốc gia Palestine (Palestinian National Council) với 88,1% phiếu bầu phổ thông, trở thành nhà lãnh đạo dân cử đầu tiên trong lịch sử Palestine.
Ban đầu, Arafat, nhà sáng lập Tổ chức Giải phóng Palestine (Palestine Liberation Organization – PLO), lựa chọn sử dụng chiến tranh du kích và khủng bố nhắm vào Israel trong cuộc đấu tranh cho một nhà nước Palestine độc lập. Tuy nhiên, vào cuối những năm 1980, ông làm choáng váng cả Israel và thế giới khi chuyển hướng sang các giải pháp ngoại giao trong hành trình tìm kiếm quê hương cho người Palestine. Arafat đã thuyết phục PLO chính thức thừa nhận quyền của Israel được cùng tồn tại với nhà nước độc lập Palestine, và năm 1993, ông đã ký Tuyên bố Nguyên tắc Israel và Palestine (Israel-Palestinian Declaration of Principles) lịch sử với Thủ tướng Israel, Yitzhak Rabin.
Một năm sau, Arafat và Rabin đã ký tiếp một thỏa thuận hòa bình quan trọng, trao quyền tự trị giới hạn cho Palestine ở các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng. Năm 1995, Arafat đã chia sẻ giải thưởng Nobel Hòa bình với Rabin và Ngoại trưởng Israel Shimon Peres vì những nỗ lực hòa bình của mình. Trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của người dân Palestine vào năm 1996, ông đã giành được số phiếu bầu áp đảo, củng cố quyền lực đối với các khu vực Bờ Tây và Dải Gaza vốn được trao quyền tự trị trong thỏa thuận năm 1995.
Tuy nhiên, vào năm 2000, hy vọng Hiệp định Oslo (Oslo Accords) cuối cùng có thể mang lại hòa bình cho khu vực đã tan vỡ, khi mà vì lòng ngờ vực bản thân, cũng như phải chịu làn sóng chỉ trích trong nước rằng ông đã thỏa hiệp quá nhiều, Arafat và Thủ tướng Israel Ehud Barak đã không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Sau khi đàm phán thất bại, hầu hết người Palestine vẫn sống trong nghèo đói và ngày càng tuyệt vọng, một làn sóng bạo lực mới nổ ra. Israel tiếp tục đổ lỗi cho Arafat vì tình trạng bạo lực này, ngay cả với những vụ tấn công gây ra bởi Hamas và Islamic Jihad, những nhóm thậm chí còn chưa bao giờ nằm dưới quyền của ông. Sự sụp đổ của đàm phán hòa bình và tuyên bố nổi dậy (intifada) của người Palestine đã dẫn đến việc thành lập chính phủ cánh hữu diều hâu ở Israel, khiến cho hòa bình ngày càng trở thành một viễn cảnh xa vời.
Mặc dù Arafat cam kết tham gia cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sau vụ tấn công ngày 11/09/2001, ông vẫn không thể giành được sự ưu ái của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush, người rất ủng hộ Israel. Tháng 12/2001, sau một loạt các cuộc tấn công tự sát của người Palestine nhắm vào Israel, Bush vẫn làm ngơ không ngăn chặn Israel khi họ tái chiếm các khu vực ở Bờ Tây và thậm chí còn phá hủy các trụ sở chính quyền Palestine bằng xe tăng, giam cầm Arafat trong văn phòng của mình. Sau khi Israel bác bỏ một đề nghị thỏa hiệp do Liên đoàn Ả Rập đưa ra, các cuộc tấn công của người Palestine ngày một gia tăng, khiến Israel một lần nữa chuyển sang can thiệp quân sự vào Bờ Tây. Arafat cuối cùng đã được thả ra khỏi khu phức hợp của mình vào tháng 05/2002, sau hai bên đạt được thỏa thuận buộc ông phải đưa ra một tuyên bố bằng tiếng Ả Rập kêu gọi những người ủng hộ ông ngừng các cuộc tấn công vào Israel. Tuyên bố nay đã bị bỏ qua và bạo lực tiếp tục.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2004, George W. Bush đã từ chối tư cách của Arafat là người phát ngôn hợp pháp cho người dân Palestine, chấm dứt hy vọng về một thỏa thuận hòa bình trong thời kỳ cầm quyền của Arafat. Cuối tháng 10 năm đó, các báo cáo nổi lên nói rằng Arafat bị ốm rất nặng. Ông đã bay đến Paris để điều trị và đầu tháng 11 rơi vào tình trạng hôn mê. Ông được tuyên bố là đã chết vào ngày 11/11. Nguyên nhân chính xác cho cái chết của ông vẫn chưa được công bố.
Tang lễ Arafat đã được tổ chức tại Cairo, thành phố nơi ông sinh ra và thi hài ông được chôn cất tại khu nhà cũ của mình ở Bờ Tây. Ông đã để lại một di sản hỗn hợp và đau đớn. Sau đó, Mahmoud Abbas trở thành chủ tịch mới của PLO và được bầu làm chủ tịch Chính quyền Dân tộc Palestine vào tháng 1/2005.