15/02/1942: Singapore rơi vào tay Nhật

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Singapore falls to Japan, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1942, Singapore, “vùng Gibraltar ở phía Đông” và một thành trì chiến lược của Anh, rơi vào tay các lực lượng Nhật Bản.

Là một thành phố trên đảo và là thủ đô của Khu định cư Eo biển thuộc Bán đảo Malay, Singapore là thuộc địa của Anh từ thế kỷ 19. Vào tháng 07/1941, khi quân Nhật chiếm đóng Đông Dương thuộc Pháp, Nhật đã báo hiệu ý định chiếm Singapore từ tay Anh. Vào đêm trước cuộc tấn công Trân Châu Cảng, 24.000 binh sĩ Nhật đã được chuyển từ Đông Dương đến Bán đảo Malay, và các máy bay Nhật Bản đã không kích Singapore, giết chết 61 dân thường .

Trận chiến giữa các lực lượng Nhật Bản và Anh trên Bán đảo Malay đã tiếp diễn trong suốt tháng 12 và tháng 1, khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng trong giai đoạn này. Anh đã buộc phải từ bỏ và sơ tán nhiều vị trí của họ, bao gồm cả Cảng Swettenham và Kuala Lumpur.

Vào ngày 08/02, 5.000 lính Nhật đã đổ bộ lên Đảo Singapore. Quân Anh bị áp đảo cả về nhân lực và hỏa lực. Tờ rơi tuyên truyền ủng hộ Nhật Bản được thả trên các hòn đảo để kêu gọi Anh đầu hàng. Vào ngày 13/02, các khẩu pháo phòng thủ bờ biển của Singapore đã bị phá hủy. Tính toán sai lầm về mặt chiến thuật của Tướng Anh Arthur Percival cùng với thông tin liên lạc kém hiệu quả giữa chính quyền quân sự và dân sự đã cản trở khả năng phòng thủ ngày càng xấu đi của Anh. Cuối cùng, Singapore, được đại diện bởi Tướng Percival và các sĩ quan cao cấp của lực lượng Đồng minh, đã đầu hàng Tướng Nhật Tomoyuki Yamashita trước các máy quay đưa tin thời sự của Nhật Bản. Sáu mươi hai ngàn lính Đồng minh bị bắt làm tù binh; hơn một nửa cuối cùng đã chết trong tù.

Với sự đầu hàng của Singapore, Anh đã mất đi chỗ đứng ở phía Đông. Thủ tướng Anh Winston Churchill đã cố gắng nâng cao tinh thần bằng cách thúc giục người Anh “thể hiện sự điềm tĩnh và cân bằng, kết hợp với quyết tâm sắt đá, điều cách đây không lâu đã đưa chúng ta ra khỏi nanh vuốt của tử thần.”

#127 – Lý Quang Diệu viết về Nhật Bản