17/11/1965: Sư đoàn Kỵ binh số 1 bị phục kích ở Thung lũng Ia Đrăng

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: 1st Cavalry unit ambushed in the Ia Drang Valley, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1965, trong một phần của sự kiện gọi là Trận Thung lũng Ia Đrăng, một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 1 Kỵ binh của Mỹ đã bị Tiểu đoàn 8 của Trung đoàn 66 Bắc Việt phục kích. Trận đánh bắt đầu vài ngày trước đó khi Tiểu đoàn 1, Lữ Đoàn 7 Kỵ binh đối đầu một lực lượng lớn của Bắc Việt tại bãi đáp X-Ray thuộc căn cứ núi Chư Prông (Tây Nguyên).

Khi giao tranh lắng xuống, Tiểu đoàn 2, Lữ Đoàn 7 được lệnh hành quân đến bãi đáp Albany, nơi họ sẽ được đón bằng trực thăng và đưa đến một địa điểm mới. Các lính Mỹ đang di chuyển thành hàng dài trong rừng rậm thì bất ngờ bị quân Bắc Việt tấn công trong một cuộc phục kích lớn từ mọi phía. Đại đội C và D là hai đơn vị bị tổn thất nặng nề nhất bởi đòn đánh úp của Cộng sản – trong vòng vài phút, gần như toàn bộ binh sĩ trong hai đại đội đã bị đánh gục.

Quân Bắc Việt đã thành công trong việc lôi kéo lực lượng Mỹ vào những khu vực rất chật chội, nơi họ không thể sử dụng hỏa lực của mình mà không gây nguy hiểm đến tính mạng của lính Mỹ. Nhóm kỵ binh cố gắng bắn trả, nhưng lính Cộng sản lại đang chiến đấu từ các vị trí được chuẩn bị kiên cố, và rất nhiều chỉ huy Mỹ đã bị đốn ngã ngay từ giai đoạn đầu của cuộc phục kích. Khi màn đêm buông xuống, lính kỵ binh chờ đợi Bắc Việt tấn công, nhưng những ngọn đèn chiếu sáng từ máy bay yểm trợ của không quân đã khiến lính Bắc Việt phải thận trọng. Đến sáng thì họ rút lui.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Mỹ vẫn tuyên bố Trận Thung lũng Ia Đrăng là một chiến thắng của người Mỹ. Khẳng định này là đúng, trong trường hợp cuộc đối đầu ở X-Ray, nơi cuộc đụng độ kéo dài ba ngày khiến 834 lính Bắc Việt thiệt mạng và 1.000 người khác bị thương. Tuy nhiên, trận chiến ở bãi Albany là một câu chuyện khác. Mặc dù có hơn 400 lính Bắc Việt đã nằm lại trên chiến trường sau khi giao tranh kết thúc, nó vẫn là cái giá quá đắt cho Sư đoàn Kỵ binh số 1. Trong số 500 thành viên của đội hình ban đầu lên đường đến bãi Albany, 150 người đã thiệt mạng và chỉ 84 người là còn đủ khả năng trở lại làm nhiệm vụ ngay lập tức. 93% binh sĩ của Đại đội C phải gánh chịu thương vong – một nửa trong số họ đã chết.

Trận Thung lũng Ia Đrăng rất quan trọng vì đây là cuộc đối đấu đáng kể đầu tiên giữa Mỹ và Bắc Việt. Nó đã chứng minh rằng quân Bắc Việt đã chuẩn bị sẵn sàng để đứng lên chiến đấu trong những trận đánh lớn, trong khi các nhà lãnh đạo cấp cao của Mỹ kết luận rằng lực lượng của mình có thể gây thiệt hại đáng kể cho những người cộng sản trong những trận chiến như vậy. Phía Bắc Việt cũng học được một bài học quý giá từ lần đối đầu này: họ nhận ra rằng có thể vô hiệu hóa hỏa lực vượt trội của Mỹ bằng cách buộc người Mỹ phải chiến đấu ở cự ly gần, để họ không thể sử dụng pháo binh và hỏa lực mà không gây nguy hiểm đến chính tính mạng của người Mỹ. Chiến thuật này đã trở thành tiêu chuẩn mà Bắc Việt áp dụng suốt phần còn lại của cuộc chiến.