Nguồn: Treaty of Brest-Litovsk concluded, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1918, tại thành phố Brest-Litovsk, ngày nay nằm ở Belarus giáp biên giới Ba Lan, Nga đã ký hiệp ước với các nước Liên minh Trung tâm, chấm dứt việc tham gia Thế chiến I.
Việc Nga bước chân vào chiến tranh thế giới cùng với các đồng minh, Pháp và Anh, đã khiến họ phải hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề trước người Đức, chỉ được bù đắp phần nào bằng những chiến thắng liên tiếp trước Áo-Hung. Thất bại trên chiến trường càng làm gia tăng bất mãn trong phần lớn dân số Nga, đặc biệt là những công nhân và nông dân nghèo khổ, dẫn tới sự phản đối chế độ Sa hoàng Nicholas II.
Sự bất mãn này đã củng cố động lực cho những người Bolshevik, một nhóm xã hội chủ nghĩa cực đoan do Vladimir Lenin lãnh đạo –người đang tìm mọi cách khai thác sự bất mãn với Sa hoàng và biến nó thành một cuộc cách mạng sâu rộng bắt đầu ở Nga và sau đó, ông hy vọng, lan sang phần còn lại của thế giới.
Cách mạng Tháng Hai nổ ra vào đầu tháng 03/1917 (hoặc tháng 02, theo lịch Julian, mà người Nga lúc ấy vẫn còn sử dụng); Nicholas thoái vị vào cuối tháng đó. Sau khi Lenin trở về sau thời kỳ lưu vong (được hỗ trợ bởi người Đức) vào giữa tháng 04, ông và những người Bolshevik đã nhanh chóng tìm cách giành lấy quyền lực từ chính phủ lâm thời của Alexander Kerensky, Bộ trưởng Chiến tranh Nga. Ngày 06/11, được hỗ trợ bởi quân đội Nga, họ đã thành công. Một trong những hành động đầu tiên của Lenin trên cương vị lãnh đạo đất nước là kêu gọi ngừng tham chiến.
Họ đã đạt được một thỏa thuận đình chiến vào đầu tháng 12/1917 và lệnh ngừng bắn chính thức được tuyên bố vào ngày 15/12, nhưng việc xác định các điều khoản hòa ước giữa Nga và Liên minh Trung tâm tỏ ra phức tạp hơn nhiều. Đàm phán bắt đầu tại Brest-Litovsk vào ngày 22/12. Dẫn đầu các phái đoàn lần lượt là Ngoại trưởng Leon Trotsky của Nga, Nam tước Richard von Kuhlmann của Đức và Bá tước Ottokar Czernin của Áo.
Giữa tháng Hai, các cuộc đàm phán đã bị đổ vỡ khi Trotsky trong cơn giận dữ đã lên án các đề xuất của Liên minh Trung tâm là quá khắc nghiệt và các yêu sách về lãnh thổ của họ là không thể chấp nhận được. Giao tranh sớm nổ ra sau đó, trên Mặt trận phía Đông, nhưng quân Đức đã nhanh chóng chiếm thế thượng phong; cả Lenin và Trotsky sớm nhận ra rằng nước Nga, trong tình trạng suy yếu, sẽ buộc phải nhượng bộ trước các yêu cầu của kẻ thù. Các cuộc đàm phán được nối lại vào cuối tháng đó và hiệp ước cuối cùng đã được ký vào ngày 03/03.
Theo các điều khoản của Hiệp ước Brest-Litovsk, Nga công nhận nền độc lập của Ukraine, Gruzia và Phần Lan; từ bỏ Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic gồm Litva, Latvia và Estonia cho Đức và Áo-Hung; và nhượng Kars, Ardahan và Batum cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thiệt hại là khoảng 1 triệu dặm vuông lãnh thổ cũ của Nga; một phần ba dân số, tương đương 55 triệu người; phần lớn nguồn tài nguyên than, dầu và sắt; và phần lớn ngành công nghiệp của đất nước. Lenin, người cay đắng gọi hiệp ước là vực thẳm của thất bại, chia cắt, của sự nô lệ và sỉ nhục, đã buộc phải hy vọng rằng sự lan rộng của cách mạng thế giới, giấc mơ vĩ đại nhất của ông, cuối cùng sẽ giúp sửa chữa những sai lầm tại Brest-Litovsk.