Nguồn: Union issues conduct code for soldiers, History.com
Biên dịch: Trần Mẫn Linh
Vào ngày này năm 1863, quân đội Liên bang miền Bắc đã ban hành Tổng Lệnh số 100 để hướng dẫn quy tắc ứng xử cho các binh lính và sĩ quan liên bang khi tiếp xúc với tù nhân và thường dân của Hợp bang miền Nam. Bộ quy tắc này đã được nhiều quốc gia châu Âu sử dụng và có ảnh hưởng rõ rệt đối với Công ước Geneva (về đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh).
Bộ luật là “đứa con tinh thần” của Francis Lieber, một người Phổ nhập cư có ba con trai đều từng phục vụ trong Nội chiến Hoa Kỳ. Một người con của ông đã bị trọng thương khi đang chiến đấu cho phe miền Nam trong Trận Williamsburg tại Virginia vào năm 1862. Hai người con còn lại ủng hộ Liên bang miền Bắc.
Lieber là một học giả về luật quốc tế, rất quan tâm đến việc đối xử với các binh sĩ và thường dân. Ông đã viết nhiều bài luận và bài báo về chủ đề này trong chiến tranh, đồng thời đã khuyên Tướng Henry Halleck, tham mưu trưởng của quân đội Liên bang miền Bắc, về cách đối xử với các chiến binh du kích bị phe liên bang bắt giữ.
Halleck đã lập ra một hội đồng gồm bốn vị tướng và Lieber để soạn thảo bộ quy tắc chiến đấu cho Nội chiến Hoa Kỳ. Bản hoàn thiện gồm 157 điều, hầu hết được viết bởi Lieber. Bộ quy tắc đã thiết lập các chính sách cho việc đối xử với người tù, trao đổi tù nhân và cờ đầu hàng.
Vào thời điểm đó, trên thế giới không có một văn bản nào như vậy nên các nước khác đã sớm áp dụng bộ quy tắc này. Nó đã trở thành tiêu chuẩn cho luật quân sự quốc tế, và Đức đã cho áp dụng các quy tắc này vào năm 1870. Những khái niệm của Lieber vẫn còn nhiều ảnh hưởng cho đến ngày nay.