Nguồn: First Quaker colonists land at Boston, History.com
Biên dịch: Trần Mẫn Linh
Vào ngày này năm 1656, hai người phụ nữ Anh là Ann Austin và Mary Fisher đã trở thành những tín đồ phái Giáo hữu đầu tiên di cư đến các thuộc địa của Mỹ khi con tàu chở họ cập bến tại Thuộc địa Vịnh Massachusetts, Boston. Hai người đến từ Barbados, nơi các tín đồ phái Giáo hữu đã thành lập một trung tâm truyền giáo.
Hiệp hội Giáo hữu (Religious Society of Friends), với các tín đồ thường được gọi là Quaker, là một phong trào Kitô giáo do George Fox khởi xướng tại Anh vào đầu những năm 1650. Những người theo Giáo hữu phản đối việc đến nhà thờ, thay vào đó, họ ưu tiên tìm kiếm sự thấu hiểu về tâm linh và sự đồng thuận qua các cuộc gặp bình đẳng giữa các tín đồ. Họ cũng là những người ủng hộ bình đẳng giới và sớm trở thành một trong những nhóm chống chế độ nô lệ mạnh mẽ nhất ở Mỹ.
Ngay sau khi đến Massachusetts, Austin và Fisher – những người mà giáo lý tự do của họ khiến chính quyền thực dân Thanh giáo nổi giận – đã bị bắt và giam giữ. Sau năm năm trong tù, họ bị trục xuất trở lại Barbados. Tháng 10/1656, chính quyền thực dân Massachusetts đã ban hành lệnh cấm đầu tiên đối với các tín đồ phái Giáo hữu. Tới năm 1658, lệnh này đã yêu cầu xoá sổ những người theo Giáo hữu khỏi thuộc địa “dưới án phạt tử hình.” Do vậy, họ đã tới Đảo Rhode và các thuộc địa khác, và luật chống người theo Giáo hữu của Massachusetts sau này cũng đã bị bãi bỏ.
Giữa thế kỷ 18, John Woolman, một quaker chống chế độ nô lệ, đã đi khắp các thuộc địa ở châu Mỹ để giảng dạy và thúc đẩy việc bãi nô. Ông là người khởi xướng việc tẩy chay các sản phẩm do nô lệ làm ra, đồng thời cũng thuyết phục nhiều cộng đồng Giáo hữu công khai tố cáo chế độ nô lệ. Một trong số những quaker chống chế độ nô lệ mạnh mẽ nhất là Lucretia Mott, người đã từng tham gia mạng lưới “Đường sắt Ngầm” trong thế kỷ 19 để giúp đưa các nô lệ bỏ trốn tới tự do ở các bang miền Bắc và Canada. Những năm sau đó, Mott trở thành nhà lãnh đạo của phong trào nữ quyền.