02/08/1917: Binh biến nổ ra trên chiến hạm Đức

Nguồn: Mutiny breaks out on German battleship, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, trong khi lực lượng của Anh chuyển đến đóng tại những vị trí vừa mới chiếm được từ tay quân Đức ở Công sự Ypres (Ypres Salient) trên Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I, thì người Đức cũng phải đối mặt với nhiều rắc rối trong nước, khi một cuộc nổi loạn nổ ra trên chiến hạm Đức, chiếc Prinzregent Luitpold, neo đậu tại cảng Wilhelmshaven ở Biển Bắc.

Trong cuộc nổi loạn này, khoảng 400 thủy thủ đã diễu hành vào thị trấn, kêu gọi chấm dứt chiến tranh và tuyên bố họ không còn muốn tiếp tục chiến đấu. Mặc dù các quan chức quân đội đã nhanh chóng kiểm soát cuộc biểu tình và các thủy thủ đã được thuyết phục trở về tàu của mình mà không có bạo lực nào thực sự xảy ra. Khoảng 75 người trong số họ đã bị bắt và tống giam, còn những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn sau đó đã bị đưa ra kết án và xử tử.

“Con chết cùng với một lời nguyền dành cho nhà nước quân phiệt Đức,” một trong số những người này, Albin Kobis, đã viết thư cho cha mẹ mình trước khi bị bắn bởi một đội hành hình ở Cologne. Willy Weber, một thủy thủ bị kết án khác, người có án tử hình  được giảm xuống thành 15 năm tù giam, nói rằng: “Chẳng ai muốn một cuộc cách mạng, chúng tôi chẳng qua chỉ muốn được đối xử giống như một con người.”

Bất mãn và nổi loạn trong Hạm đội Biển khơi Hoàng gia Đức đã tiếp tục suốt một năm sau đó, khi tình hình trở nên tồi tệ đối với nước này trên chiến trường  Mặt trận phía Tây, sau thành công ngắn ngủi của cuộc tấn công mùa xuân năm 1918. Người ta đồn rằng các chỉ huy hải quân đang lập một kế hoạch cuối cùng – chống lại mệnh lệnh của Hoàng đế  Wilhelm II và Nghị viện, đối đầu trực tiếp với Hải quân Anh hùng mạnh và phá vỡ phong tỏa của quân Hiệp ước ở Biển Bắc. Sức mạnh của tin đồn này, kết hợp với tinh thần sa sút, đã dẫn đến một cuộc nổi loạn thậm chí còn lớn  hơn tại Wilhelmshaven vào ngày 29/10/1918, bắt nguồn từ việc khoảng 300 thủy thủ bị bắt giữ vì đã từ chối tuân theo mệnh lệnh.

Tình trạng bất ổn nhanh chóng lan sang một thành phố cảng khác của Đức, Kiel, nơi vào ngày 03/11, khoảng 3.000 thủy thủ và công nhân Đức đã nổi dậy, chiếm đóng nhiều tàu thuyền và các tòa nhà, giương cờ đỏ của chủ nghĩa cộng sản. Ngày hôm sau, 04/11, phiến quân tại Kiel đã thành lập Hội đồng Công nhân và Binh lính đầu tiên ở Đức, chống lại chính quyền quốc gia và tìm cách hành động theo tinh thần của các xô-viết ở Nga. Cùng ngày, chính phủ Đế quốc Áo-Hung gửi yêu cầu đình chiến tới quân Hiệp ước và đã được chấp nhận. Một nước Đức bị cô lập và chia rẽ nội bộ đã buộc phải ký vào thỏa thuận đình chiến chỉ một tuần sau đó, và Thế chiến I kết thúc.