13/09/1993: Ký Hiệp định hòa bình Israel-Palestine

Nguồn: Israel-Palestine peace accord signed, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1993, sau hàng thập niên thù hận đẫm máu, đại diện của Israel và Palestine đã gặp nhau tại Bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng và ký một hòa ước khung. “Tuyên bố về các Nguyên tắc” (Declaration of Principles) là thỏa thuận đầu tiên giữa hai bên về việc chấm dứt xung đột, cũng như phân chia vùng đất thánh giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải mà họ đều tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Giao tranh giữa người Do Thái và người Ả Rập ở Palestine bắt đầu từ những năm 1920, khi cả hai nhóm cùng tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ do Anh kiểm soát. Những người Do Thái này là những người theo chủ nghĩa Phục quốc (Zionist), quyết định từ Châu Âu và Nga quay trở về quê hương cổ xưa của người Do Thái để thành lập một quốc gia riêng cho dân tộc mình. Những người Ả Rập bản địa (khi ấy chưa tự xưng là người Palestine) đã tìm cách ngăn chặn dòng người nhập cư Do Thái và cố gắng thiết lập một nhà nước Palestine thế tục.

Ngày 14/05/ 1948, Nhà nước Israel được tuyên bố thành lập, và năm quốc gia Ả Rập ngay lập tức tấn công nhằm ủng hộ người Ả Rập Palestine. Lính Israel với số lượng vượt trội đã chiến đấu chống lại quân đội Ả Rập và chiếm giữ một phần đáng kể vùng đất ban đầu được giao cho người Ả Rập theo Nghị quyết năm 1947 của Liên Hiệp Quốc về việc chia tách Palestine (1947 United Nations partition of Palestine). Năm 1949, thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc làm trung gian đã trao cho Nhà nước Israel quyền kiểm soát vĩnh viễn đối với vùng lãnh thổ bị chinh phục này. Việc hàng trăm nghìn người Ả Rập Palestine phải rời khỏi Israel trong chiến tranh đã biến người Do Thái trở thành nhóm đa số. Phía Israel đã hạn chế quyền của nhóm Ả Rập còn lại. Hầu hết những người Ả Rập Palestine rời khỏi lãnh thổ Israel đã rút về Bờ Tây, khi đó do Transjordan kiểm soát, trong khi số khác đến Dải Gaza do Ai Cập kiểm soát. Hàng trăm nghìn người Palestine lưu vong đã vĩnh viễn sống trong các trại tị nạn.

Đầu những năm 1960, cộng đồng người Ả Rập Palestine dần hình thành một bản sắc dân tộc cố kết. Năm 1964, Tổ chức Giải phóng Palestine (Palestine Liberation Organization – PLO) được thành lập như một tổ chức bảo trợ chính trị cho một số nhóm Palestine, đồng thời đại diện cho tất cả người dân Palestine. PLO kêu gọi tiêu diệt Nhà nước Israel và thành lập một nhà nước Palestine độc lập.

Trong Chiến tranh Sáu ngày (1967), Israel đã giành quyền kiểm soát Bờ Tây, Đông Jerusalem, Dải Gaza, Bán đảo Sinai và Cao nguyên Golan. Sau đó, họ sáp nhập Đông Jerusalem và cho thiết lập các cơ quan hành chính quân sự tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Họ cũng thể hiện rõ rằng Gaza, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Sinai có thể được trả lại để đổi lấy việc người Ả Rập công nhận quyền tồn tại của Israel và đảm bảo không có cuộc tấn công nào xảy ra trong tương lai. Sinai được trao trả cho Ai Cập vào năm 1979 như một phần trong thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Ai Cập, nhưng những lãnh thổ bị chiếm đóng còn lại vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel. Một nhóm người Israel đã kêu gọi sáp nhập vĩnh viễn các khu vực kể trên, và vào cuối thập niên 1970, những người Do Thái theo chủ nghĩa dân tộc đã đến định cư tại những vùng này nhằm thực hiện mục tiêu đó.

Sau chiến tranh năm 1967, PLO được công nhận là biểu tượng của phong trào dân tộc Palestine, và người đứng đầu tổ chức, Yasser Arafat, đã tiến hành hàng loạt các cuộc tấn công du kích nhắm vào Israel từ các căn cứ của PLO ở Jordan và sau năm 1971 là từ Lebanon. PLO cũng điều phối nhiều cuộc tấn công khủng bố nhắm vào người Israel trong và ngoài nước. Hoạt động du kích và khủng bố của người Palestine đã khiến các lực lượng vũ trang và cơ quan tình báo của Israel đáp trả mạnh mẽ. Cuối những năm 1970, PLO đã được quốc tế công nhận  là đại diện hợp pháp của người dân Palestine.

Bạo lực bùng phát vào thập niên 1980 khi người Palestine đụng độ với những người định cư Do Thái trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Năm 1982, Israel xâm lược Lebanon nhằm loại bỏ PLO. Năm 1987, cư dân Palestine ở Gaza và Bờ Tây đã phát động một loạt các cuộc biểu tình bạo lực chống lại chính quyền Israel, được gọi là intifada, hay “nổi dậy.” Ngay sau đó, Vua Hussein của Jordan đã từ bỏ mọi trách nhiệm hành chính đối với Bờ Tây, do đó tăng cường ảnh hưởng của PLO tại đây. Trong lúc intifada ngày càng mạnh mẽ hơn, Yasser Arafat tuyên bố thành lập một nhà nước Palestine độc lập ở Bờ Tây và Dải Gaza vào tháng 11/1988. Một tháng sau, ông tố cáo chủ nghĩa khủng bố, công nhận quyền tồn tại của Nhà nước Israel và cho phép bắt đầu đàm phán “đất đổi lấy hòa bình” (land-for-peace) với Israel.

Israel từ chối mở các cuộc đàm phán trực tiếp với PLO, nhưng vào năm 1991, các nhà ngoại giao Israel đã gặp một phái đoàn chung Jordan-Palestine tại Hội nghị Hòa bình Madrid. Năm 1992, lãnh đạo Đảng Lao động Yitzhak Rabin trở thành thủ tướng Israel và thề sẽ nhanh chóng tiến tới tiến trình hòa bình. Ông đóng cửa các khu định cư mới của Israel trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và vào tháng 01/1993, ủy quyền cho phép đàm phán bí mật giữa Israel và PLO tại Oslo, Na Uy. Các cuộc gặp này đã dẫn đến một số thỏa thuận quan trọng và dẫn đến hiệp định hòa bình lịch sử ngày 13/09/1993.

Tại Bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng ngày hôm đó, Ngoại trưởng Israel Shimon Peres và uỷ viên đối ngoại của PLO Mahmoud Abbas đã ký “Tuyên bố về các Nguyên tắc Dàn xếp Tự trị Lâm thời” (Declaration of Principles on Interim Self-Government Arrangements). Thỏa thuận kêu gọi Israel rút quân đội khỏi Dải Gaza và thị trấn Jericho ở Bờ Tây, đồng thời thành lập một chính phủ Palestine mà cuối cùng sẽ được trao quyền quản lý phần lớn Bờ Tây. Tổng thống Bill Clinton đã chủ trì buổi lễ với hơn 3.000 người, bao gồm cả các cựu tổng thống George Bush và Jimmy Carter, chứng kiến cảnh Arafat và Rabin bắt tay ký kết thỏa thuận. Những kẻ thù từng không đội trời chung nay gặp nhau lần đầu tiên trong buổi tiệc chiêu đãi của Nhà Trắng vào sáng hôm đó.

Trong bài phát biểu của mình, Rabin, một cựu tướng cấp cao của Israel, nói với đám đông: “Chúng tôi là những người lính trở về từ chiến trường nhuốm đầy máu; chúng tôi là những người đã chứng kiến người thân và bạn bè của mình bị giết ngay trước mắt; chúng tôi là những người đã chiến đấu chống lại các anh, những người Palestine; hôm nay, chúng tôi nói với các anh, bằng một giọng nói thật to và thật rõ: Đã đủ máu và nước mắt. Quá đủ rồi!” Và Arafat, thủ lĩnh du kích, người suốt nhiều thập niên luôn bị các điệp viên Israel tìm mọi cách ám sát, đã tuyên bố rằng “Cuộc chiến giành hòa bình là cuộc chiến khó khăn nhất trong cuộc đời chúng ta. Nó xứng đáng với những nỗ lực hết mình của chúng ta, bởi đất nước hòa bình khao khát một nền hòa bình công bằng và toàn diện.”

Bất chấp những nỗ lực của các phần tử cực đoan ở cả hai bên nhằm phá hoại tiến trình hòa bình bằng bạo lực, người Israel đã hoàn thành việc rút quân khỏi Dải Gaza và Jericho vào tháng 05/1994. Sang tháng 7, Arafat tiến vào Jericho cùng với những người Palestine đang rất hân hoan, bắt đầu thành lập chính phủ của mình – Chính quyền Palestine. Tháng 10/1994, Arafat, Yitzhak Rabin và Shimon Peres cùng được trao giải Nobel Hòa bình cho những nỗ lực của họ trong tiến trình hòa giải.

Tháng 09/1995, Rabin, Arafat và Peres đã ký một thỏa thuận hòa bình quy định việc mở rộng quyền tự trị của người Palestine ở Bờ Tây và chuẩn bị cho các cuộc bầu cử dân chủ nhằm xác định vai trò lãnh đạo của Chính quyền Palestine. Chỉ hơn một tháng sau, vào ngày 04/11/1995, Rabin bị một phần tử cực đoan Do Thái ám sát tại một cuộc biểu tình hòa bình ở Tel Aviv. Peres trở thành thủ tướng và cam kết tiếp tục tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, những đợt tấn công khủng bố của các phần tử cực đoan Palestine vào đầu năm 1996 đã làm chao đảo dư luận Israel, và vào tháng 05, Benjamin Netanyahu của Đảng Likud cực hữu được bầu làm thủ tướng. Trong chức vụ mới, Netanyahu kiên quyết buộc Chính quyền Palestine của Arafat hoàn thành nghĩa vụ chấm dứt chủ nghĩa khủng bố của các phần tử cực đoan Palestine, nhưng các cuộc tấn công lẻ tẻ vẫn tiếp diễn và tiến trình hòa bình bị đình trệ.

Tháng 05/1999, Ehud Barak của Đảng Lao động đã đánh bại Netanyahu trong cuộc bầu cử quốc gia và cam kết thực hiện “những bước đi táo bạo” để xây dựng một nền hòa bình toàn diện ở Trung Đông. Tuy nhiên, đàm phán kéo dài với PLO cuối cùng kết thúc trong thất bại vào tháng 07/2000, khi Barak và Arafat không đạt được thỏa thuận tại một hội nghị thượng đỉnh ở Trại David, Maryland. Sang tháng 09/2000, sự kiện bạo lực tồi tệ nhất kể từ thời intifada nổ ra giữa người Israel và người Palestine sau khi nhà lãnh đạo Likud Ariel Sharon đến thăm Núi Đền, địa điểm Hồi giáo linh thiêng nhất ở Jerusalem.

Tìm kiếm một nhà lãnh đạo mạnh mẽ để ngăn chặn đổ máu, người Israel đã bầu Sharon làm thủ tướng vào tháng 02/2001. Mặc dù Arafat cam kết tham gia vào “cuộc chiến chống khủng bố” của Mỹ sau cuộc tấn công ngày 11/09/2001, nhưng ông đã không thể giành được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ George W. Bush, người vốn dĩ rất ủng hộ Israel. Tháng 12/2001, sau một loạt vụ tấn công liều chết của người Palestine nhắm vào Israel, Bush đã không làm gì để ngăn chặn Israel khi nước này tái chiếm các khu vực ở Bờ Tây và thậm chí dùng xe tăng tấn công trụ sở của Chính quyền Palestine, giam cầm Arafat ngay trong chính khu nhà của ông.

Sau khi Israel bác bỏ một thỏa thuận hoà bình thay thế do Liên đoàn Ả Rập đưa ra, các cuộc tấn công của người Palestine ngày càng gia tăng, khiến Israel một lần nữa quay trở lại can thiệp quân sự vào Bờ Tây. Arafat cuối cùng đã được thả khỏi khu nhà của mình vào tháng 05/2002 sau khi đạt được một thỏa thuận buộc ông phải ra một tuyên bố bằng tiếng Ả Rập, kêu gọi những người ủng hộ mình ngừng các cuộc tấn công vào Israel. Tuyên bố đã bị ngó lơ và bạo lực vẫn tiếp tục. Một vòng xoáy các cuộc tấn công khủng bố, các cuộc trả thù của quân đội Israel, và các hoạt động ngoại giao thất bại đã tiếp diễn suốt hai năm tiếp theo.

Cuối tháng 10/2004, xuất hiện tin tức rằng Arafat bị ốm nặng. Ông được đưa đến Paris để điều trị, và vào đầu tháng 11, ông rơi vào hôn mê. Ông được tuyên bố qua đời vào ngày 11/11.

Mahmoud Abbas trở thành lãnh đạo mới của PLO và được bầu làm tổng thống Chính quyền Palestine vào tháng 01/2005. Một năm sau đó, Hamas, vốn bị nhiều nhà quan sát coi là tổ chức khủng bố, đã giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp Palestine, khiến bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào cũng trở nên cực kỳ khó khăn. Bất chấp việc Israel rút quân khỏi lãnh thổ Gaza đang tranh chấp, và thực tế hai bên đều cam kết công khai hướng tới một giải pháp hai nhà nước, hòa bình trong khu vực vẫn khó trở thành hiện thực.