25/10/1881: Ngày sinh Pablo Picasso

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Pablo Picasso born, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1881, Pablo Picasso, một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, đã chào đời ở Malaga, Tây Ban Nha.

Cha của Picasso là thầy dạy vẽ, và ông đã nuôi dạy con trai mình theo nghiệp nghệ thuật hàn lâm. Picasso đã có triển lãm đầu tiên của mình khi chỉ mới 13 tuổi và sau đó quyết định bỏ học nghệ thuật để có thể tập trung hoàn toàn vào việc thử nghiệm các phong cách nghệ thuật hiện đại. Ông đến Paris lần đầu tiên vào năm 1900, và sang năm 1901, ông tổ chức một cuộc triển lãm tại một phòng trưng bày trên phố Lafitte, một con phố nổi tiếng với các phòng trưng bày nghệ thuật danh tiếng.

Chàng trai 19 tuổi người Tây Ban Nha lúc bấy giờ còn là một kẻ vô danh chưa hề được biết đến bên ngoài Barcelona, nhưng đã vẽ đến hàng trăm bức tranh. Nhận được nhiều đánh giá có lợi, Picasso quyết định ở lại Paris cho đến hết năm; sau này ông quay trở lại thành phố để định cư lâu dài.

Khối lượng tác phẩm đồ sộ của Picasso, bao gồm hơn 50.000 bức tranh, bản vẽ, bản khắc, tượng điêu khắc và đồ gốm – sáng tạo trong hơn 80 năm, được mô tả là một loạt các thời kỳ chồng chéo lên nhau. Thời kỳ đáng chú ý đầu tiên của ông – “Thời kỳ Xanh” – bắt đầu ngay sau lần triển lãm đầu tiên ở Paris. Trong các tác phẩm như The Old Guitarist (1903), Picasso sử dụng tông màu xanh lam để gợi lên thế giới u sầu của người nghèo. Tiếp đó là “Thời kỳ Hồng,” trong đó ông thường mô tả chủ đề rạp xiếc, và sau nữa là thời kỳ với các tác phẩm điêu khắc đầu tiên. Năm 1907, Picasso vẽ bức tranh đột phá Les Demoiselles d’Avignon, trong đó hình ảnh con người bị phân mảnh và méo mó, phá vỡ mọi tiền lệ trong nghệ thuật châu Âu. Tác phẩm này là minh họa cho thấy Picasso đã chịu ảnh hưởng của cả nghệ thuật mặt nạ châu Phi lẫn nghệ sĩ Paul Cezanne, đồng thời được coi là tiền thân cho Trường phái Lập thể, do Picasso và họa sĩ người Pháp Georges Braque sáng lập năm 1909.

Trong chủ nghĩa lập thể, được chia thành hai giai đoạn gồm phân tích và tổng hợp, Picasso và Braque đã thiết lập một nguyên tắc hiện đại, rằng tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phải đại diện cho thực tế thì mới có giá trị nghệ thuật. Các tác phẩm lập thể quan trọng của Picasso bao gồm các thiết kế trang phục và sân khấu của ông cho vở Ballets Russes (1917) và The Three Musicians (1921) của Sergey Diaghilev. Các thử nghiệm lập thể của Picasso và Braque cũng đã giúp tạo nên ra một số kỹ thuật mới, gồm cả nghệ thuật cắt dán.

Sau chủ nghĩa lập thể, Picasso chuyển sang khám phá các chủ đề kinh điển và Địa Trung Hải; hình ảnh bạo lực và đau khổ ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong tác phẩm của ông. Năm 1937, xu hướng này lên đến đỉnh điểm trong kiệt tác Guernica, một công trình lịch sử gợi lên nỗi kinh hoàng của thị trấn Guernica, xứ Basque khi nó bị máy bay của Đức phá hủy trong Nội chiến Tây Ban Nha. Picasso ở lại Paris trong thời gian nơi này bị Đức Quốc Xã chiếm đóng nhưng đã nhiệt thành phản đối chủ nghĩa phát xít, và sau chiến tranh, ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.

Tác phẩm của Picasso sau Thế chiến II ít được nghiên cứu hơn so với những tác phẩm trước đó của ông, dù vậy danh họa vẫn kiên trì nỗ lực sáng tác và đạt nhiều thành công về mặt thương mại lẫn phê bình. Ông đã tạo ra hàng loạt tác phẩm tuyệt vời, thử nghiệm với đồ gốm và vẽ lại biến thể các tác phẩm của nhiều bậc thầy khác trong lịch sử nghệ thuật. Nổi tiếng với ánh nhìn mãnh liệt và tính cách độc đoán, ông trải qua rất nhiều mối tình dữ dội và chồng chéo trong cuộc đời mình. Ông tiếp tục sáng tác nghệ thuật không ngưng nghỉ cho đến khi qua đời vào năm 1973 ở tuổi 91.