23/01/1920: Hà Lan từ chối dẫn độ Hoàng đế Wilhelm II

Nguồn: Netherlands refuses to extradite Kaiser Wilhelm to the Allies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1920, chính phủ Hà Lan đã từ chối yêu cầu của các nước Đồng minh về việc dẫn độ Wilhelm II, cựu Hoàng đế Đức (Kaiser), người đã sống lưu vong ở Hà Lan từ tháng 11/1918.

Đầu tháng 11/1918, tình hình đã trở nên ảm đạm đối với phe Liên minh Trung tâm trên tất cả các mặt trận của Thế chiến I. Wilhelm II đang có mặt tại tổng hành dinh quân đội Đức ở thị trấn nghỉ dưỡng Spa của Bỉ khi tin tức liên tiếp đến với ông: công nhân bạo loạn ở Berlin, binh biến trong Hải quân Đức và dấu hiệu khởi đầu cách mạng toàn diện ở Đức. Dường như từ mọi hướng, đều có những lời kêu gọi hòa bình, cải cách và loại bỏ hoàng đế. Wilhelm II được thông báo rằng Bộ Tổng tham mưu Đức sẽ thực hiện một cuộc hành quân thống nhất, có trật tự quay trở về nước Đức khi chiến tranh kết thúc, nhưng họ sẽ không bảo vệ ông trước các đối thủ trong nước.

Đối mặt với sự thiếu ủng hộ này, Wilhelm II đã đồng ý thoái vị vào ngày 09/11/1918. Ngay sau đó, vị hoàng đế cuối cùng của triều đại Hohenzollern quyền lực đã đi từ Spa đến Hà Lan, không bao giờ quay trở lại đất Đức.

Tháng 01/1920, Wilhelm đứng đầu ‘danh sách tội phạm chiến tranh’ do phe Đồng minh hiệp ước công bố sau khi Hiệp ước Versailles được ký kết. Hà Lan, dưới thời Nữ hoàng Wilhelmina, đã từ chối dẫn độ ông về nước để truy tố và Wilhelm đã được tiếp tục ở lại Hà Lan, nơi ông định cư tại khu đô thị Doorn. Bi kịch ập đến khi con trai ông, Joachim, tự sát sau đó vào năm 1920. Augusta, vợ ông và là mẹ của bảy đứa con, qua đời sau đó chưa đến một năm. Năm 1922, Wilhelm tái hôn và cho xuất bản hồi ký cá nhân, tuyên bố mình vô tội trong việc nổ ra Thế chiến I.

Khác với Wilhelmina và phần còn lại của hoàng gia Hà Lan, Wilhelm đã từ chối đề nghị cho phép tị nạn ở Anh của Winston Churchill vào năm 1940, khi quân đội của Hitler tràn qua Hà Lan, thay vào đó chọn sống dưới sự chiếm đóng của quân Đức. Ông qua đời một năm sau.