28/02/1944: Hanna Reitsch đề xuất thành lập đội bay cảm tử với Hitler

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Test pilot Reitsch pitches suicide squad to Hitler, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, khi đến thăm Adolf Hitler ở Berchtesgaden, Hanna Reitsch, nữ phi công bay thử nghiệm đầu tiên trên thế giới, đã gợi ý rằng Đức Quốc Xã nên thành lập một biệt đội bay tương tự như kamikaze (Thần Phong – đội máy bay đánh bom liều chết của Nhật). Tuy nhiên, Hitler không mấy nhiệt tình với ý tưởng này.

Reitsch sinh năm 1912 tại Hirschberg, Đức. Bà rời trường y (bà từng muốn trở thành một bác sĩ truyền giáo) để bắt đầu công việc bay toàn thời gian, và trở thành một phi công lái tàu lượn chuyên nghiệp – tàu lượn (glider) là loại máy bay không động cơ mà người Đức đã phát triển để trốn tránh các quy tắc nghiêm ngặt về việc chế tạo “máy bay chiến tranh” sau Thế chiến I. Ngoài việc tích lũy kinh nghiệm với tàu lượn, Reitsch còn là phi công đóng thế trong nhiều bộ phim.

Năm 1934, bà đã phá kỷ lục thế giới khi trở thành người phụ nữ bay ở độ cao cao nhất (2800m). Là một thành viên nhiệt thành của Đức Quốc Xã và đặc biệt ngưỡng mộ Hitler, Reitsch được vị Quốc trưởng phong làm cơ trưởng danh dự, trở thành người phụ nữ đầu tiên nhận được vinh dự này. Năm 1937, Luftwaffe, lực lượng Không Quân Đức, đưa bà vào làm phi công thử nghiệm. Bà đã nắm lấy cơ hội này để trở thành một phần của cái mà bà gọi là “những người bảo vệ cánh cổng hòa bình” của Đức. Trong số những thành tựu nổi bật của bà là việc thử nghiệm nguyên mẫu máy bay trực thăng vào năm 1939.

Reitsch đã đến gần chiến trường hơn bất kỳ phụ nữ nào khác trong Thế chiến II, khi giúp điều hướng quân Đức dọc theo Phòng tuyến Maginot ở Pháp trong cuộc xâm lược năm 1940 của quân Đức bằng tàu lượn. Bà đã giành được Huân chương Sắt, Hạng Nhì (Iron Cross, Second Class), vì đã liều mạng cố gắng cắt dây cáp ‘bóng bay’ của Anh (đây là loại khinh khí cầu không người lái, được buộc cố định ở một nơi, trên đó treo lủng lẳng nhiều sợi cáp bằng thép với mục đích làm hỏng cánh và động cơ của máy bay địch). Trong số các máy bay chiến đấu mà bà thử nghiệm có Messerschmitt 163, một máy bay đánh chặn chạy bằng tên lửa, bay với vận tốc 804 km/giờ. Trong khi thử nghiệm ME 163 lần thứ năm, bà đã mất kiểm soát và rơi xuống đất (mặc dù bị thương trong vụ va chạm, nhưng bà vẫn cố gắng viết ra chính xác những gì đã xảy ra trước khi bất tỉnh vì chấn thương). Vì điều này, Hitler đã trao tặng bà Huân chương Sắt, Hạng Nhất (Iron Cross, First Class).

Khi nhận được Huân chương Sắt thứ hai từ Hitler ở Berchtesgaden vào năm 1944, bà đã nêu ý tưởng về một đội cảm tử thuộc Không Quân Đức, gồm các phi công sẽ bay phiên bản thiết kế đặc biệt của V-1. Ban đầu, Hitler đã gạt bỏ ý tưởng này vì ông ta không cho rằng đó là một cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nhưng sự nhất quyết của Reitsch đã thuyết phục ông xem xét triển vọng của việc thiết kế những chiếc máy bay như vậy. Tại thời điểm đó, bà đã thành lập một Nhóm Cảm tử và là người đầu tiên tuyên thệ: “Tôi xin… tự nguyện đăng ký tham gia nhóm cảm tử với tư cách là phi công của một quả bom – tàu lượn. Tôi hoàn toàn hiểu rằng công việc này có thể sẽ dẫn đến cái chết của chính tôi.” Tuy nhiên, đội hình này đã không bao giờ được triển khai.

Reitsch là một trong những người cuối cùng nhìn thấy Hitler còn sống. Ngày 26/04/1945, bà bay đến Berlin cùng với Tướng Ritter von Greim, người sẽ được trao quyền chỉ huy Luftwaffe. Greim bị thương khi máy bay của Reitsch bị trúng đạn phòng không của Liên Xô. Sau khi nói lời từ biệt với Quốc trưởng, người quyết định ẩn mình trong boongke, bà đã đưa Greim trở lại Berlin.

Sau chiến tranh, Reitsch bị quân đội Mỹ bắt và giam giữ. Bà đã làm chứng cho sự “phân rã” trong nhân cách của Hitler – mà bản thân bà chứng kiến trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Khi được thả, Reitsch tiếp tục lập nhiều kỷ lục, bao gồm việc trở thành người phụ nữ đầu tiên bay tàu lượn trên dãy Alps. Năm 1951, bà xuất bản cuốn tự truyện Flying Is My Life, và từ năm 1962 đến năm 1966, bà giữ chức giám đốc trường dạy bay quốc gia ở Ghana. Bà mất năm 1979, chỉ một năm sau khi lập kỷ lục mới về cự ly bay tàu lượn dành cho nữ. Trong sự nghiệp của mình, Reitsch đã lập hơn 40 kỷ lục thế giới về lái máy bay có động cơ và không động cơ.