02/09/31 TCN: Octavian đánh bại Mark Antony và Cleopatra trong trận Actium

Nguồn: The Battle of Actium, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 31 TCN, trong trận Actium diễn ra ngoài khơi bờ biển phía tây Hy Lạp, nhà lãnh đạo La Mã Octavian đã giành chiến thắng quyết định trước liên minh của Tướng Mark Antony và Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra. Trước khi lực lượng của họ thảm bại, Antony và Cleopatra đã sớm vượt qua chiến tuyến của kẻ thù, chạy trốn đến Ai Cập, nơi cả hai sẽ tự sát một năm sau đó.

Sau khi Julius Caesar bị ám sát vào năm 44 TCN, La Mã rơi vào tình cảnh nội chiến. Để chấm dứt bạo loạn, một liên minh – Tam đầu chế thứ hai (Second Triumvirate) – đã được lập ra bởi ba trong số những chiến binh mạnh nhất. Đó là Octavian, cháu trai đồng thời là người thừa kế chính thức của Caesar; Mark Antony, một vị tướng quyền lực; và Lepidus, một chính khách. Ba người đã phân chia đế chế, và Antony được trao quyền kiểm soát các tỉnh phía đông.

Khi đặt chân đến Tiểu Á, ông cho triệu hồi Nữ hoàng Cleopatra đến trả lời về những cáo buộc rằng bà đã tiếp tay cho kẻ thù của ông. Là người cai trị Ai Cập từ năm 51 TCN, Cleopatra chính là người tình của Julius Caesar, và mẹ của con trai ông, người mà bà đặt tên là Caesarion, có nghĩa là “Caesar nhỏ.”

Cleopatra đã tìm cách quyến rũ Antony như bà từng làm với Caesar. Năm 41 TCN, bà đến Tarsus trên một con thuyền lộng lẫy, mặc y phục của Venus, nữ thần tình yêu của người La Mã. Và Cleopatra đã thành công; Antony đã cùng bà trở về Alexandria, nơi cả hai dành cả mùa đông để ăn chơi trác táng. Năm 40 TCN, Antony quay trở lại Rome, và trong nỗ lực hàn gắn mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Octavian, ông đã quyết định kết hôn với Octavia, chị gái của Octavian. Tuy nhiên, liên minh giữa ba vị thủ lĩnh ngày càng xấu đi.

Năm 37 TCN, Antony rời bỏ Octavia và quay về phương Đông, sắp xếp để Cleopatra đến cùng với mình ở Syria. Trong thời gian hai người xa nhau, Cleopatra đã sinh cho Antony một cặp song sinh, một con trai và một con gái. Theo lời của phe Octavian, Antony và Cleopatra sau đó đã kết hôn, tức là đã vi phạm điều khoản trong luật La Mã – ngăn cấm người La Mã kết hôn với người ngoại quốc.

Thất bại thảm hại của Antony trong cuộc chiến với Đế quốc Parthia vào năm 36 TCN càng làm uy tín của ông bị suy giảm; tuy nhiên, bước sang năm 34 TCN, ông đã thành công hơn trong trận đánh với người Armenia. Để ăn mừng chiến thắng, Antony cho tổ chức một lễ rước khải hoàn qua các đường phố của Alexandria, với ông và Cleopatra ngồi trên ngai vàng, và con của hai người được phong tước hiệu hoàng gia. Nhiều cư dân Thành Rome, bị kích động bởi Octavian, đã xem cảnh tượng này như một dấu hiệu cho thấy Antony có ý định giao Đế chế La Mã vào tay ngoại bang.

Sau vài năm căng thẳng và nhiều lần dùng đến các đòn tuyên truyền, Octavian chính thức tuyên chiến chống lại Cleopatra, và theo đó là chống lại Antony, vào năm 31 TCN. Kẻ thù của Octavian đã tập hợp về phe Antony, nhưng các chỉ huy quân sự tài giỏi của Octavian đã nhanh chóng giành được những thành công ban đầu. Ngày 02/09/31 TCN, hạm đội của hai bên đụng độ tại Actium ở Hy Lạp. Sau những trận giao tranh ác liệt, Cleopatra rút khỏi chiến trường và lên đường đến Ai Cập cùng 60 con tàu của mình. Antony sau đó đã xuyên thủng phòng tuyến của kẻ thù và đi theo bà. Phần còn lại của hạm đội đã đầu hàng Octavian. Một tuần sau, lực lượng trên bộ của Antony cũng đầu hàng.

Dù phe Antony đã hứng chịu thất bại mang tính quyết định, nhưng phải gần một năm sau Octavian mới đến được Alexandria, và một lần nữa đánh bại kẻ thù. Sau trận chiến, Cleopatra đến trú ẩn trong lăng mộ mà bà đã xây dựng cho chính mình. Khi nhận tin Cleopatra chết, Antony liền dùng kiếm tự sát. Trước khi ông nhắm mắt, một sứ giả khác đến nơi, nói rằng Cleopatra vẫn còn sống. Antony được đưa đến nơi ẩn náu của Cleopatra, nơi ông chết sau khi xin bà hãy làm hòa với Octavian. Khi vị thủ lĩnh La Mã đến nơi, Cleopatra định giở trò quyến rũ như trước, nhưng đã bị cự tuyệt. Quyết không chịu bị Octavian cai trị, Cleopatra đã tự sát, có lẽ là bằng rắn mamba đen, một loài rắn độc của Ai Cập, và là biểu tượng thần thiêng của hoàng gia.

Octavian sau đó ra lệnh xử tử Caesarion, con trai của Cleopatra, sáp nhập Ai Cập vào Đế chế La Mã, và sử dụng kho báu của Cleopatra để trả ơn các cựu binh của mình. Năm 27 TCN, Octavian nhận danh hiệu Augustus, Hoàng đế đầu tiên, và cũng là người thành công nhất trong tất cả các hoàng đế La Mã. Ông đã cai trị một Đế chế La Mã hòa bình, thịnh vượng, và liên tục mở rộng lãnh thổ cho đến khi qua đời vào năm 14 SCN ở tuổi 75.