Tác giả: Hồ Bạch Thảo
1. Bộ chỉ huy
Minh Thái Tông là vị vua túc trí đa mưu, tính toán trước mọi đường tiến thoái; nên khi Đô đốc Hoàng Trung triều kiến tâu trình việc quân An Nam giết Trấn Thiên [Thiêm] Bình; sự việc không làm ông ngạc nhiên. Nhà Vua đã đặt sẵn con bài sắp sử dụng làm Tổng binh chinh phạt An Nam là Đô đốc Chu Năng, cho hiện diện trong buổi gặp mặt Hoàng Trung, Năng xin đánh dẹp cho kỳ được:
“Ngày 11 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [29/4/1406]. Trấn thủ Đô đốc Thiêm sự bọn Hoàng Trung tâu về việc Hồ Đê nước An Nam giết Trần Thiên Bình. Thiên tử giận dữ bảo Thành quốc công Chu Năng rằng:
‘Tên tiểu xú nước nhỏ bé kia tội ác đầy trời, dám ngầm mai phục, gian manh độc hại; Trẫm lấy lòng thành dung nạp, lại bị lừa dối; đến vậy mà không diệt đi, thì binh dùng để làm gì?’
Bọn Năng đều xưng:
“Nghịch tặc tội lớn, trời đất không dung; bọn thần nhờ thiên uy, xin đánh dẹp chúng.
Thiên tử bèn quyết ý hưng binh.” (Minh Thực Lục q. 53v. 10, tr. 791; Thái Tông q. 53, tr. 2a)
Mấy tháng trước đó, Vua Thái Tông đã nghĩ đến việc ban tước Hầu cho một viên tướng giỏi là Trương Phụ, để viên này phụ tá cho Chu Năng trong tương lai. Trương Phụ vốn nhiều thành tích, nhưng còn trẻ tuổi, nên nhà Vua lấy cớ con không được vượt chức của cha, bèn xử ép chưa thăng cấp; nay nhân chiến tranh An Nam, bèn thăng cấp để giao chức Phó tổng binh:
“Ngày 2 tháng 11 năm Vĩnh Lạc thứ 3 [23/11/1405]. Gia phong Tín an bá Trương Phụ tước Phụng Thiên Tĩnh Nạn Suy Thành Tuyên Lực Vũ Thần đặc tiến Vinh Lộc Đại phu Trụ Quốc Tân thành hầu, hưởng lộc 1500 thạch; con cháu thế tập, nếu phạm tội được tha chết cho 2 người, riêng con được miễn chết 1 người.
Nhân Thiên tử từng hỏi Kỳ quốc công Khâu Phúc, Thành quốc công Chu Năng rằng:
‘Các công thần thời Tĩnh Nạn[1] đều được ban thưởng, quần chúng bàn về việc này ra sao?’
Hai người thưa rằng:
‘Thưởng ban cho đều hết sức công minh chính đáng, có phần dồi dào chứ không đến nỗi bất cập. Riêng việc phong cho Trương Phụ ý chung cho rằng chưa được thỏa đáng; vì rằng công của cha Phụ quá cao, đạo làm con nên nhường; nhưng công của Phụ nhiều, nên người ngoài nghĩ rằng Bệ hạ xử ép.’
Thiên tử nói:
‘ Các khanh nói phải.’
Bèn ra lệnh gia phong.” (Minh Thực Lục v. 10, tr. 729-730; Thái Tông q. 48, tr. 1a-1b)
Chỉ sau khi Hoàng Trung triều kiến hơn một tuần, Vua Thái Tông bèn triệu tập Chu Năng, Trương Phụ đến, cho biết sẽ đánh An Nam bằng 2 đường Quảng Tây, Vân Nam:
“Ngày 23 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [11/5/1406]. Thiên tử thị triều xong, ngự tại cửa Hữu Thuận, triệu Thành quốc công Chu Năng, Tân thành hầu Trương Phụ đến và dụ rằng:
‘Tên giặc họ Lê tội cực đại ác, trời đất không dung, nay mệnh các ngươi mang binh đến đánh. Bọn ngươi từ tỉnh Quảng Tây tiến vào, Tây bình hầu từ tỉnh Vân Nam [Mộc Thạnh], ước tính dùng binh khoảng bao nhiêu thì đủ?’
Bọn Chu Năng tâu rằng:
‘Thần nghe rằng quân nhân nghĩa không cần nhiều, vì rằng nhân nghĩa là vô địch trong thiên hạ. Bệ hạ dùng đạo quân cực nhân nghĩa để dẹp bọn cực bất nhân, bọn thần phụng mệnh biểu dương uy trời, một khi tiếng trống lệnh dấy lên là dẹp sạch. Còn quân nhiều ít là do Thiên tử định liệu.’
Vua khen là hùng tráng.” (Minh Thực Lục v. 11 q. 53, tr. 796-797; Thái Tông q. 53, tr. 4b-5a)
Tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [1406], Vua Thái Tông lập xong bộ chỉ huy và tham mưu, chuẩn bị xuất chinh. Chu Năng giữ chức Tổng binh, Trương Phụ Hữu phó tướng quân, trực tiếp phụ tá cho Chu Năng; Mộc Thạnh Tả phó tướng quân, đặc trách cánh quân Vân Nam; Lý Bân, Trần Húc giữ chức Tham tướng; Lưu Tuấn giữ chức Tham mưu. Dưới quyền có mấy chục Tướng quân trực tiếp chỉ huy các đạo quân; được xếp vào các loại như: Thần Cơ, Du Kích, Hoành Hải, Ưng Dương, Phiêu Kỵ.
Nhắm tăng lửa giận trước khi ra quân, Thái Tông lại nhắc nhở 6 điều hài tội nhà Hồ, An Nam; cùng gửi chiếu thư riêng dặn dò Mộc Thạnh tại Vân Nam:
“Ngày 4 tháng 7 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [18/7/1406]. Mệnh Thành quốc công Chu Năng đeo ấn Chinh di Tướng quân sung chức Tổng binh, Tây bình hầu Mộc Thạnh đeo ấn Chinh di Phó Tướng quân giữ chức Tả Phó Tướng quân, Tân thành hầu Trương Phụ giữ chức Hữu Phó Tướng quân, Phong thành hầu Lý Bân giữ chức Tả Tham tướng, Vân dương bá Trần Húc giữ chức Hữu Tham tướng; mang quân chinh thảo giặc họ Lê đất An Nam. Mệnh Thượng thư bộ Binh Lưu Tuấn làm Tán tương quân vụ.[2] Các Đô chỉ huy Đồng tri Trình Khoan, Chỉ huy Thiêm sự Chu Quí giữ chức Thần Cơ Tướng quân. Các Đô Chỉ huy Đồng tri Mao Bát, Đan Chu Quảng, Chỉ huy Thiêm sự Vương Thứ giữ chức Du kích Tướng quân. Các Đô Chỉ huy Đồng tri Lỗ Lân, Đô Chỉ Huy Thiêm sự Vương Ngọc, Chỉ huy sứ Cao Bằng giữ chức Hoành hải Tướng quân. Các Đô Chỉ huy Thiêm sự Lữ Nghị, Đô Chỉ huy sứ Chu Anh, Đô Chỉ huy Đồng tri Giang Hạo, Đô Chỉ huy Thiêm sự Phương Chính giữ chức Ưng Dương Tướng quân. Đô Chỉ huy Thiêm sự Chu Vinh, Đô Chỉ huy Đồng tri Kim Minh, Đô Chỉ huy Thiêm sự Ngô Vượng, Chỉ huy Đồng tri Lưu Tháp Xuất giữ chức chức Phiêu Kỵ Tướng quân.
Thiên tử dụ rằng:
“Trước đây Vương nước Nam là Trần Nhật Khuê (Trần Dụ Tông) còn sống, là nước đầu tiên qui thuận Thái Tổ Hoàng đế nước ta, cung kính giữ lễ cống, trước sau dốc một lòng thành; nước ta lấy ưu lễ đãi lại, dân An Nam nhờ đó được hưởng phúc. Sau khi Nhật Khuê mất, ba Vương đều bị cha con tặc thần Lê Quí Ly giết, rồi soán vị đổi họ tên, tiếm xưng đại hiệu, giết gần hết con cháu nhà Trần, mang binh đánh phá bốn phương, tàn hại sinh linh vô tội. Lại quấy nhiễu Chiêm Thành, xâm lược biên cảnh nước ta; cháu họ Trần là Thiên Bình, bị bức bách, bèn đến triều đình trần tình và xin qui phụ. Chúng ngụy xưng thỉnh Thiên Bình trở về để tôn làm vua. Lấy bụng quân tử đối đãi, Trẫm cho là do lòng thành nên không nghi ngờ, bèn sai đem về nước. Rồi bọn chúng âm mưu gây họa chém giết, làm nhục Thiên sứ, sát thương quan quân. Trong nước thì hình pháp tàn khốc, trưng thu nặng nề, tàn ngược thuế má, dân chúng oán đến tận cốt tủy, trời đất quỉ thần đều không thể dung tha. Trẫm cung kính nhận mệnh trời, nuôi dạy bốn phương như con, không thể không xoay chuyển tình thế đi theo nẻo chính; nay đặc sai bọn ngươi xuất sư điếu phạt.”
“Ôi! Dân An Nam là con đỏ của ta, nay tình cảnh như bị chúc đầu treo ngược, bọn ngươi đáng gấp như cứu hỏa, vớt người chết đuối; không thể trì hoãn được! Chỉ bắt cha con họ Lê cùng đảng ác, còn bọn bị cưỡng bách và kẻ vô tội thì tha. Các ngươi hãy thể theo lòng Trẫm chớ dưỡng giặc, chớ phá mồ mả nhà cửa, chớ hại lúa mạ, chớ cướp của cải, chớ tước đoạt vợ con người, chớ giết kẻ hàng; Nếu phạm một trong những lỗi này, thì tuy có công cũng không được tha thứ; các ngươi phải cẩn thận. Đừng cẩu thả mạo hiểm, đừng tham lợi khinh địch tiến binh; phải thương yêu sĩ tốt, hãy mài dũa giáp binh, lấy cảnh giác thận trọng làm gốc, trang bị bằng trí dõng; các ngươi hãy gắng lên! Khi bọn tội nhân đã bắt, lập con cháu họ Trần cai trị một phương; mang quân trở về bố cáo thành công tại tông miếu, biểu dương công danh mãi vô cùng, đó là điều Trẫm kỳ vọng, các ngươi hãy gắng sức!”
Lúc bọn Chu Năng cúi đầu nhận mệnh, thì Tây bình hầu Mộc Thạnh vẫn còn trấn thủ tại Vân Nam; nên sai Tả Tham tướng Phong thành hầu Lý Bân đi trước, mang ấn Chinh di Phó tướng, chế dụ trao cho Thạnh; hợp với Thạnh từ Vân Nam xuất phát, để cùng với Chinh di Tướng quân Chu Năng từ Quảng Tây tiến quân một lượt, hai bên thanh thế ảnh hưởng lẫn nhau, hợp lực đi đến thành công. Lại dùng lời đã dụ Năng ban cho Thạnh, còn ban sắc thư như sau:
“Xưa cha ngươi thờ Hoàng khảo ta, đem hết sức cần lao phủ ngự Tây Vực, bình định Vân Nam, công trạng rất lớn; sau khi mất được truy phong đất Việt [Lưỡng Quảng], anh em ngươi được tập ấm tước Hầu; ngươi được cho cai quản một phương; mấy năm nay nơi biên thùy yên ổn, công việc tốt đẹp đáng khen. Tuy nhiên trượng phu quí ở chỗ tự lập công nghiệp, nay mệnh ngươi giữ chức Tả Phó Tướng quân Phó Tổng binh, cùng Thành quốc công Chu Năng chinh phạt giặc họ Lê tại An Nam. Ngươi cần cố gắng, đem hết lòng trung hoàn thành sự nghiệp, lập công trạng phi thường, để làm rạng rỡ tiền nhân, cùng mở đường cho con cháu, như vậy mới thực xứng đáng tốt đẹp. Phàm đạo làm tướng gồm trí, tín, nhân, dũng, nghiêm; hèn yếu sợ sệt thì không có công trạng; cần chuộng mưu kế thâm sâu, không theo thói quen trước mắt; chớ kiêu với thắng nhỏ, cần răn ngừa thiên vị riêng tư. Được như vậy mới xứng với sự ủy nhiệm của Trẫm, ngươi hãy gắng lên!” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 224)
2. Thành phần lực lượng
Qua mục bộ chì huy, được biết quân Minh xâm lăng dùng 2 cánh Quảng Tây và Vân Nam. Nỗ lực chính thuộc cánh Quảng Tây, gồm quân chủ lực các vệ thuộc lưu vực sông Dương Tử, và các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây; tổng số 8 vạn tên:
“Ngày 1 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [ 18/5/1406 ]. Sắc dụ Đô chỉ huy Sứ ty Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Quảng điều quân 80.000 đến Quảng Tây đợi lệnh chinh thảo.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 221)
Cũng tại địa bàn lưu vực sông Dương Tử, tuyển thêm 1 vạn kỵ binh tinh nhuệ, nhắm tăng cường:
“Ngày 15 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [1/6/1406]…Sắc cho 20 vệ: Trấn Giang, Tô Châu, Trấn Hải, Kim Sơn, Kiến Dương, Tân An, Cửu Giang, Nghi Chân, Cao Bưu, Hoài An, An Khánh, Lục An, Trừ, Thọ, Tứ, Dương, Phì, Từ, Lô, Tuyên, tuyển kỹ kỵ binh một vạn tên; điều đến Quảng Tây đợi lệnh chinh phạt An Nam.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 221)
Ngoài ra, Minh Thái Tông còn lưu ý đến các đạo binh thuộc dân tộc thiểu số, nổi tiếng chiến đấu gan dạ, bèn cho tuyển thêm 3 vạn tên thuộc tỉnh Quảng Tây, và 1 vạn 5 ngàn tên thuộc các tỉnh Hồ Quảng, Chiết Giang, Phúc Kiến. Lược qua các văn bản nêu trên, binh lực dùng cho cánh quân Quảng Tây, ghi nhận là 13 vạn 5 ngàn:
“ Ngày 7 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [22/6/1406]. Sắc dụ quan Đô đốc Đồng Tri Quảng Tây Hàn Quan, Đại Lý Tự khanh Trần Hiệp tập hợp 30.000 Thổ quân tại các nha môn thuộc tỉnh Quảng Tây, vào ngày mồng 10 tháng 9 đợi tại phủ Thái Bình[3] đi chinh thảo. Vẫn lệnh bọn Hàn Quan thăm dò quan sát sự động tĩnh tại An Nam để báo lên.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 222)
“Ngày 10 tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [25/6/1406]. Sắc cho Ðô chỉ huy Sứ ty Hồ Quảng, Chiết Giang, Phúc Kiến tăng điều động Thổ quân 15.000 tên. Các vệ tại Phúc Kiến, Chiết Giang tuyển quân Thát tinh nhuệ tráng kiện; tất cả đều điều đến Quảng Tây chờ lệnh.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 223)
Quân chủ lực thuộc cánh quân Vân Nam, do Tây bình hầu Mộc Thạnh chỉ huy, gồm 7 vạn; lấy từ các Đô chỉ huy sứ ty Vân Nam. Quí Châu, Tứ Xuyên. Cánh quân này cũng được tăng cường 5 ngàn quân kỵ thuộc Tứ Xuyên. Như vậy cánh quân Quảng Tây 13 vạn 5 ngàn tên, cánh quân Vân Nam 7 vạn 5 ngàn tên; tổng kết đoàn quân xâm lăng là 21 vạn:
“Ngày 24 tháng 4 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [12/5/1406]. Sắc dụ Thục vương Xuân tuyển 5000 quân kỵ binh và bộ binh, các Đô Chỉ huy Sứ ty Vân Nam, Quí Châu, Tứ Xuyên tuyển 70.000 quân; tất cả lệ thuộc Tây bình hầu Mộc Thạnh thao luyện tại Vân Nam để chuẩn bị chinh phạt.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 220)
Ngoài 2 cánh quân Quảng Tây và Vân Nam; nhà Minh không quên lập một nút chặn tại biên giới phía nam. Minh Thái Tông ra lệnh Đô chỉ huy Quảng Đông, sai quân vượt biển đến phối hợp với Chiêm Thành:
“Ngày 13 tháng 7 nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 4 [26/8/1406]. Sắc cho ty Đô chỉ huy Quảng Đông tuyển 600 quân tinh nhuệ, cùng 2 Thiên hộ, 6 Bách hộ có khả năng đảm đang công tác; lãnh lương thực, khí giới, binh giáp theo đường biển đến Chiêm Thành phối hợp với quân mã để phòng chặn giặc họ Lê.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 232)
Vua Chiêm Thành, Chiêm Bà Đích Lại, vốn oán hận nhà Hồ từ trong cốt tủy; nay được dịp theo đóm ăn tàn, hăng hái tham gia:
“Ngày 26 tháng 8 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [7/10/1406]. Sai bọn Nội quan Mã Bân đem sắc dụ cho Quốc vương Chiêm Ba Đích Lại nước Chiêm Thành. Dụ rằng:
‘Ngươi sai bọn cháu là Bộ Pha Lượng Vi Giao, Lan Đắc Thắng Na Mạt đến triều cống phương vật; cùng tâu giặc họ Lê đất An Nam xâm lược biên giới, đuổi bắt người và súc vật, lăng loàn tàn ngược không kể xiết, xin đem binh đánh chúng. Trẫm cho rằng giặc họ Lê mấy lần giết quốc chúa, soán đoạt chức vị, tiếm hiệu, đổi triều đại, làm khổ dân, cả nước đều oán hận. Cháu Vương nước này là Trần Thiên Bình bị bức bách, bèn đến xin qui mệnh Thiên triều; rồi giặc họ Lê thỉnh cầu đón về nước để thờ làm vua. Trẫm cho là có lòng thành nên không nghi ngờ, bèn sai người hộ tống trở về. Đi đến nửa đường bị bọn chúng đón giết; kháng cự triều mệnh, tội ác đầy trời, không thể dung được! Đã ra lệnh bọn quan Tổng binh Chinh di Tướng quân Thành quốc công Chu Năng mang đại binh thảo phạt, tội ác phải bị tru diệt để yên lê dân. Ngươi nên cho đóng binh nghiêm ngặt tuần phòng ngăn chặn nơi biên giới, đối với người An Nam đã sinh sống tại nước ngươi thì không hỏi đến, kể từ hôm nay những người mới đến xin trú ngụ thì không dung chứa. Nếu bắt được cha con giặc họ Lê cùng đồ đảng thì áp giải đến kinh sư, sẽ được hậu thưởng; ngươi hãy gắng lên!’
Nhân dịp ban cho ấn mạ vàng, bạc; mũ sa, dây đeo vàng, 100 lạng vàng, 500 lạng bạch kim, hai bộ y phục hàng the lụa nạm vàng; cùng các vật như gấm, lụa.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 234)
3. Tiếp tế lương thực
Thành ngữ có câu “thực túc binh cường”, tức cơm no quân mạnh; để không lo lính đói, Vua Minh chủ trương phát lương bằng gạo:
“Ngày 13 tháng 5 năm Vĩnh Lạc thứ 4 [30/5/1406]. Mệnh bộ Hộ cấp cho tướng sĩ trong triều ngoài quận, đi tòng chinh An Nam, lương bổng phát toàn bằng gạo.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 221)
Nhằm chu toàn lệnh này, cánh quân Vân Nam xa xôi, phải chuyên chở 22 vạn thạch lương, tức 17 ngàn 600 tấn lương thực, đến gần biên giới nước ta; rồi cho 1 vạn quân bảo vệ:
“Ngày 12 tháng 7 nhuần năm Vĩnh Lạc thứ 4 [25/8/1406]. Chinh thảo An Nam Tả Phó Tướng quân Tây bình hầu Mộc Thạnh xin cho các xứ tại Vân Nam chuyển vận 22 vạn thạch[4] lương đến Mông Tự[5] và Lâm An[6] tích trữ để đợi dùng; muối tại giếng muối Vân Nam cũng di chuyển đến Mông Tự; lệnh Đô ty Vân Nam điều 1 vạn quân dưới quyền Đô Chỉ huy Vạn Trung, Bả Đô, đồn trú tại bắc Mông Tự, bảo vệ việc vận lương cùng làm thế thanh viện. Thiên tử chấp thuận, nhân chỉ dạy Thạnh rằng:
“ Quan quân có tội đi tòng chinh, nếu liệt vào danh mục tội trọng cấp cho nửa lương, tội nhẹ có thể khôi phục nguyên chức và lương bổng; theo chinh phạt mà không lập được công thì bị giữ nguyên tội.” (Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 231)
—————–
[1] Tĩnh nạn: Chỉ giai đoạn từ năm 1401-1403, Yên vương Đệ mang quân dành ngôi của cháu là Huệ đế, rồi lên làm Vua, miếu hiệu Thái Tông.
[2] Tán tương quân vụ: Chức tham mưu hành quân.
[3] Phủ Thái Bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam; Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.
[4] Thạch: tức 10 đấu hoặc 100 thăng, tương đương 103.55 lít, tức 80 kg.
[5] Mông Tự: nay vẫn còn huyện Mông Tự thuộc tỉnh Vân Nam, gần biên giới Việt Nam tại tỉnh Lai Châu.
[6] Lâm An: phủ trị Lâm An tại huyện Kiến Thủy, thuộc châu tự trị Hồng Hà tỉnh Vân Nam hiện nay.