13/11/1909: Bê bối Ballinger-Pinchot nổ ra

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ballinger-Pinchot scandal erupts, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1909, Bê bối Ballinger-Pinchot đã nổ ra khi tạp chí Colliers cáo buộc Bộ trưởng Nội vụ Richard Ballinger thực hiện những giao dịch mờ ám tại các mỏ than Alaska. Đây thực chất là cuộc xung đột nảy sinh từ những ý tưởng trái ngược nhau về cách tốt nhất để sử dụng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở miền Tây nước Mỹ.

Ballinger được bổ nhiệm bởi Tổng thống William Taft, người kế nhiệm vị Tổng thống theo chủ nghĩa bảo tồn Theodore Roosevelt. Roosevelt đã phát triển hầu hết các chính sách thân thiện với môi trường của mình với sự hỗ trợ từ Trưởng Cục Kiểm lâm Gifford Pinchot. Đến năm 1909, Roosevelt, Pinchot và các nhà bảo tồn khác lo sợ rằng Taft (thật ra cũng là một đảng viên Cộng hòa) và Ballinger đang phá hoại một cách có hệ thống thành tựu của chính quyền tiền nhiệm bằng cách cho phép tái khai thác các vùng đất công mà trước đó đã bị đóng cửa.

Bài báo của Colliers buộc tội rằng Ballinger đã lạm quyền để giúp dòng họ Guggenheim và nhiều nhóm lợi ích khác giành quyền tiếp cận bất hợp pháp vào các mỏ than Alaska, qua đó khẳng định nỗi sợ tồi tệ nhất của Pinchot và Roosevelt. Dù vẫn giữ chức Trưởng Cục Kiểm lâm trong chính quyền Taft, Pinchot đã công khai chỉ trích cả Ballinger và Taft, cho rằng hai người này đang vi phạm các nguyên tắc cơ bản của bảo tồn và dân chủ. Nổi cơn thịnh nộ, Taft ngay lập tức sa thải Pinchot, châm ngòi cho hàng loạt bài báo tai tiếng khác.

Tranh cãi về vụ Ballinger-Pinchot nhanh chóng trở thành nhân tố chính khiến Đảng Cộng hòa chia rẽ. Sau khi trở về từ một chuyến đi săn ở châu Phi, Roosevelt kết luận rằng Taft đã phản bội chủ nghĩa bảo tồn đến mức ông ta phải bị “lật đổ.” Sau khi để mất quyền trở thành ứng viên tổng thống năm 1912 của Đảng Cộng hòa vào tay Taft, Roosevelt ra tranh cử với tư cách ứng viên của Đảng Cấp tiến (Bull Moose).

Sau này, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, về mặt kỹ thuật, Ballinger đã không lạm dụng quyền lực và các cáo buộc tham nhũng là không có căn cứ. Tuy nhiên, bê bối Ballinger-Pinchot đã phản ánh căng thẳng diễn ra giữa những người chủ trương sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngay lập tức và những người muốn bảo tồn chúng cho tương lai – vốn là cuộc tranh luận vẫn còn sôi nổi cho đến ngày nay.