28/11/1943: Khai mạc Hội nghị Tehran trong Thế chiến II

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: FDR attends Tehran Conference, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt cùng với Thủ tướng Anh Winston Churchill và nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã gặp nhau tại một hội nghị ở Iran để thảo luận về chiến lược giành chiến thắng trong Thế chiến II và các điều khoản tiềm năng cho một hiệp ước hòa bình.

Tehran, thủ đô Iran, được chọn làm địa điểm đàm phán phần lớn là bởi tầm quan trọng chiến lược của nó đối với quân Đồng minh. Mỹ có thể tiếp tế cho Liên Xô thông qua Iran bất chấp việc người Đức đang kiểm soát hầu hết châu Âu, Balkan và Bắc Phi, và các cuộc tấn công của tàu ngầm U-boat của Đức nhắm vào tàu của Đồng minh ở Đại Tây Dương và Biển Bắc đã khiến hoạt động vận tải trở nên nguy hiểm.

Khi Đệ nhất Phu nhân Eleanor và con gái Anna bày tỏ mong muốn được tháp tùng Roosevelt tới Iran, ông đã thẳng thừng từ chối và nói rằng sẽ không có phụ nữ nào được phép tham dự hội nghị sơ bộ giữa ông và Churchill ở Cairo hoặc tại cuộc họp ở Tehran. Eleanor và Anna vô cùng tức giận khi biết rằng vợ của Churchill và vợ của Tưởng Giới Thạch đều có mặt trong chuyến đi.

Roosevelt đang phục vụ nhiệm kỳ tổng thống thứ ba của mình vào năm 1943. Theo nhà viết tiểu sử Doris Kearns Goodwin, thay vì lo lắng trước những hiểm nguy từ chuyến đi bí mật qua vùng chiến sự, Roosevelt chỉ thấy háo hức vì được gặp lại người bạn của mình là Churchill. Ông cũng bày tỏ sự phấn khích trước viễn cảnh được gặp Stalin lần đầu tiên, thích thú trước thử thách đưa nhà lãnh đạo Liên Xô nghiêm khắc và độc đoán tham gia cuộc chiến chống Nhật Bản ở Thái Bình Dương.

Lãnh đạo “Tam Cường” đã thảo luận về các cách để đánh bại Đức Quốc Xã và thống nhất ý kiến về một cuộc đổ bộ vào Normandy, có mật danh là Chiến dịch Overlord, được khởi động vào tháng 06/1944. Để đáp lại sự giúp đỡ của Mỹ trong việc đánh bại Đức ở mặt trận phía đông, Stalin hứa sẽ giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Nhật. Cuộc họp diễn ra thân thiện đến nỗi Churchill sau đó tỏ vẻ khó chịu trước việc Roosevelt cố gắng làm hài lòng Stalin. Churchill muốn có một cuộc tấn công gián tiếp vào Đức hơn là Chiến dịch Overlord, và ông cũng chẳng mấy tin tưởng nhà lãnh đạo Liên Xô. Về phần mình, Stalin muốn có một vùng đệm lãnh thổ giữa Liên Xô và Đức – được tạo thành từ các quốc gia Baltic, Ba Lan và một phần của Đức – và đây là điều kiện tiên quyết trong bất kỳ cuộc dàn xếp hòa bình nào ở thời hậu chiến.

Trong một tuyên bố chung ngày 01/12, Churchill, Stalin và Roosevelt thừa nhận “trách nhiệm tối cao đặt lên vai chúng tôi và Liên Hiệp Quốc là đạt được một hòa ước giành được sự ủng hộ thiện chí của đông đảo các dân tộc trên thế giới, cũng như xua đuổi tai họa và nỗi kinh hoàng của chiến tranh trong nhiều thế hệ.” Sau Hội nghị Tehran, Roosevelt và Churchill quay trở lại Cairo, nơi họ thảo luận xem ai sẽ là người lãnh đạo Chiến dịch Overlord. Sau vài lần trò chuyện, họ đồng ý chọn Tướng Dwight D. Eisenhower, người vào năm 1953 sẽ trở thành Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ.