Nguồn: “Saboteure könnten Putins wichtigsten Verbündeten lahmlegen”, WELT, 23/03/2022.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Các nhân vật đối lập Belarus chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Ukraine tìm mọi cách ngăn cản đất nước họ tham chiến. Họ coi chiến thắng của Ukraine là chìa khóa để giải phóng Belarus. Nhân viên đường sắt Belarus hiện nay cũng ủng hộ tích cực các hoạt động du kích chống lại quân đội nước này.
Từ nhiều ngày nay, cơ quan mật vụ phương Tây và Ukraine đã cảnh báo Belarus sắp xâm lược nước láng giềng bằng chính quân đội của mình để cứu cuộc chiến tranh của Vladimir Putin khỏi thất bại. Tiếp sau đó có thể xảy ra một cuộc chiến giữa người Belarus với nhau khi phong trào đối lập chống lại nhà độc tài Alexander Lukashenko đứng về phía Ukraine.
Lãnh đạo phe đối lập Svetlana Tikhanovskaya nói: “Số phận của Belarus và Ukraine gắn bó với nhau. “Những người Belarus ủng hộ Ukraine hiểu rằng làm như vậy, họ cũng đang bảo vệ chủ quyền của Belarus và cho tương lai của chính mình.”
Sau cuộc bầu cử tổng thống Belarus năm 2020 đầy gian lận và sự đàn áp thô bạo do Moscow hậu thuẫn đối với phong trào biểu tình, bà Tikhanovskaya đã phải sống lưu vong cùng với hàng chục nghìn đồng bào của mình. Một số người lánh nạn ở Ukraine, một số tham gia chiến đấu cùng với người Ukraine.
Họ tin rằng chỉ khi Ukraine thắng trong cuộc chiến chống lại Nga thì mới có hy vọng giải phóng đất nước họ khỏi nanh vuốt của Moscow và nhà độc tài được Moscow hậu thuẫn. Cố vấn Franak Viacorka của bà Tichanovskaya viết trên Twitter: “Điều kiện duy nhất để Belarus trở thành dân chủ là Ukraine chiến thắng.”
Vài trăm người Belarus đã gia nhập quân đội Ukraine. Họ có thể được tích hợp vào các đơn vị Ukraine hoặc thành lập các đơn vị chiến đấu riêng, chẳng hạn như Tiểu đoàn tình nguyện Kastus Kalinouski mà Viacorka nói là nhằm hỗ trợ quân đội Ukraine bảo vệ Mariupol. Phong trào đối lập cũng từ bỏ nguyên tắc bất bạo động ngay sau khi nổ ra chiến tranh và từ đó công khai kêu gọi tiến hành các hoạt động phá hoại ở Belarus để cản trở nỗ lực chiến tranh của Nga và Belarus.
Tuyên ngôn chống chiến tranh của phe đối lập Belarus thể hiện rõ: “Để đạt được các mục tiêu của phong trào phản chiến, bất kỳ hành động nào không nhằm cố ý gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe của công dân đều được hoan nghênh. Quyền tự vệ được pháp luật bảo đảm.” Điều đó có nghĩa ủng hộ hành động bạo lực chính đáng vì sự nghiệp của mình.
Trên thực tế, Belarus ngay từ đầu đã là một bên tham chiến vì nước này đã trao cho Nga lãnh thổ và cơ sở hạ tầng hậu cần phục vụ các cuộc tấn công chống lại Ukraine. Việc bao vậy gọng kìm và tiến nhanh về phía Kiev hoặc cuộc bao vây Kharkiv sẽ không thể thực hiện được nếu không có mặt trận phía bắc Belarus. Nhưng nếu Belarus xâm lược Ukraine bằng chính quân đội của mình thì điều này đồng nghĩa với một bước leo thang mới.
Trên thực tế, theo các báo cáo, thì cả dân chúng lẫn quân đội dường như đều phản đối Belarus tham gia toàn diện vào cuộc chiến. Lukashenko dường như cũng không muốn dấn thân vào cuộc phiêu lưu này của Putin.
“Quan điểm của Minsk về cuộc chiến Nga-Ukraine đã phát triển nhanh chóng, từ việc ủng hộ hết mình cho các hành động của Moscow đến việc tránh xa các hành động của Nga ở Ukraine”, trích lời chuyên gia về Belarus Brian Whitmore trong một bài báo gửi tới Hội đồng Đại Tây Dương. Nhưng Lukashenko đã tự buộc mình phụ thuộc vào Putin để đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ ông ta. Và Moscow đang triển khai bài toán này.
Do cuộc chiến của Nga không diễn ra suôn sẻ nên nước này cần mọi sự giúp đỡ từ bất cứ đâu, dù là các đơn vị của Syria hay của Belarus, và cho dù các đơn vị này có thiếu kinh nghiệm chiến đấu. “Quân đội Belarus chưa bao giờ tham chiến ở bất cứ đâu, quân đội không chuẩn bị cho các cuộc xung đột ở bên ngoài”, Valery Zakashchik, một trung tá quân đội đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy Lữ đoàn Dù 38, có trụ sở tại thành phố Brest gần biên giới với Ukraine, cho biết.
Xe lửa bị phá hoại
Sự kháng cự mạnh mẽ của lực lượng vũ trang Ukraine rõ ràng cũng khiến quân đội Belarus gia tăng nghi ngờ về việc liệu họ có bị xóa sổ giống như quân đội Nga hay không. Theo phe đối lập, đã có rất nhiều quân nhân từ chức và từ chối tham chiến. Tikhanovskaya đã nhiều lần kêu gọi binh sĩ Belarus từ chối hoặc đào ngũ, tẩy chay xâm lược Ukraine và tham gia vào cuộc chiến cùng Ukraine chống lại Nga.
Trong thực tế, phe đối lập Belarus đang hết sức tích cực phá hoại mọi nỗ lực chiến tranh của Nga và Belarus. Ví dụ, tập thể hackers “Cyberpartisanen” đã làm gián đoạn hệ thống tàu hỏa của Belarus bằng cách tấn công mạng hồi tháng Giêng làm đình trệ hoạt động di chuyển quân đội Nga tới biên giới Ukraine. Họ đang khai thác một điểm yếu về hậu cần của cả quân đội Nga và Belarus là không có phương tiện vận tải thích hợp để vận chuyển thiết bị quân sự hạng nặng bằng đường bộ
Phát ngôn viên của nhóm “Cyberpartisanen”, Juliana Shemetovets, nói với tạp chí Fast Company rằng để di chuyển bất cứ thứ gì, từ bệ phóng tên lửa hay các thiết bị hạng nặng khác, quân đội phụ thuộc rất nhiều vào đường sắt. “Mọi người đã quen làm việc với máy tính và các hệ thống khác, bây giờ phải làm mọi thứ theo kiều thủ công, trên giấy, như tập hợp các chuyến tàu và lịch trình vận hành, v.v…. Thậm chí nhiều người không biết phải làm như thế nào.”
Kể từ khi bắt đầu chiến tranh, các hành động phá hoại hệ thống tàu hỏa của Belarus đã gia tăng đáng kể, rõ ràng không chỉ là các cuộc tấn công mạng, mà cả các cuộc tấn công phá hoại thông thường có lẽ cũng được thực hiện bởi nhân viên ngành đường sắt Belarus.
Người đứng đầu ngành đường sắt quốc gia Ukraine Oleksandr Kamyjshin hôm chủ nhật đã xác nhận nhiều chuyến tàu giữa Ukraine và Belarus đã bị gián đoạn và tỏ ý hoan nghênh nhân viên ngành đường sắt Belarus trong một cuộc phỏng vấn với đài “Châu Âu Tự do”. Ông Kamyjshin nói: “Tôi tin rằng vẫn còn những người trung thực trong số những người Belarus và đặc biệt là những người trong ngành đường sắt. Tôi không muốn làm họ bị lộ. Nhưng tôi xin tri ân họ về những gì mà họ đã làm ngày hôm nay.”
Việc kết nối với tàu hỏa từ Belarus bị gián đoạn gây nhiều khó khăn đáng kể trong hoạt động cung cấp hậu cần cho các đơn vị quân đội Nga ở bên ngoài Kiev. Trong những ngày này, các đơn bị ở Tây Bắc thủ đô chịu áp lực rất lớn và có nguy cơ bị quân đội Ukraine bao vây.
Viacorka, cố vấn cho thủ lĩnh đối lập Tichanovskaya hôm thứ hai đã tự hào tweet một bản đồ (hình trên) cho thấy các hoạt động phá hoại diễn ra trên khắp Belarus kể từ đầu cuộc chiến. Liệu các hành động phá hoại này và tinh thần thiếu thiện chí của quân đội Belarus có phải là nguyên nhân làm cho Lukashenko không ra lệnh tấn công Ukraine hay không lại là một vấn đề khác.
Tại sao Belarus được gọi là nền độc tài cuối cùng của châu Âu?