Nguồn: Anne Boleyn, second wife of King Henry VIII, is executed, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1536, Anne Boleyn, người vợ thứ hai khét tiếng của Vua Henry VIII, đã bị xử tử với các tội danh ngoại tình, loạn luân, và âm mưu chống lại nhà vua.
Catherine xứ Aragon
Vua Henry rơi vào lưới tình với Anne Boleyn kể từ giữa những năm 1520, khi bà quay về Anh sau thời gian phục vụ trong triều đình Pháp, và trở thành thị nữ cho người vợ đầu của ông, Catherine xứ Aragon.
Mái tóc đen nhánh, nước da màu ô liu, cùng chiếc cổ dài thanh thoát, Anne không được cho là một mỹ nhân tuyệt sắc, nhưng rõ ràng bà đã làm nhà vua say đắm. Khi Catherine không sinh được con trai nối dõi, Henry hy vọng rằng Anne có thể giúp ông duy trì dòng máu hoàng gia, và bắt đầu quá trình hủy hôn (annulment) với Catherine để có thể đường hoàng kết hôn với Anne.
Suốt sáu năm, trong khi các cố vấn của ông cố gắng giải quyết “đại sự của Nhà vua,” Henry và Anne đã qua lại với nhau, ban đầu còn kín đáo, nhưng sau đó là công khai – khiến Catherine và các đồng minh đắc lực của bà, bao gồm cả cháu trai bà, Hoàng đế Charles V, nổi giận.
Năm 1532, Thomas Cromwell khôn ngoan nhưng tàn nhẫn đã giành được quyền kiểm soát hội đồng của nhà vua và bắt đầu một cuộc cách mạng táo bạo – đoạn tuyệt với Giáo hội Công giáo, và biến Henry trở thành người đứng đầu tối cao của Giáo hội Anh Quốc. Không hài lòng, nhiều người Anh đã đổ lỗi cho Anne, người có thiện cảm với các nhà cải cách Tin lành của Anh, thậm chí còn trước khi sự phản đối kiên định của Giáo hội đối với cuộc hôn nhân của bà đã khiến bà chống lại họ.
Jane Seymour
Khi Anne đăng quang Vương hậu vào tháng 06/1533, bà đã đang mang thai gần sáu tháng, sang tháng 9, bà hạ sinh Elizabeth, một bé gái, chứ không phải là một bé trai – người thừa kế được chờ đợi đã lâu. Sau đó, bà hai lần có thai chết lưu, tiếp đến lại bị sẩy thai vào tháng 01/1536, bào thai khi đó được tin là một bé trai.
Vào thời điểm đó, mối quan hệ của Anne với Henry đã trở nên tồi tệ, và ông đã để mắt đến thị nữ của bà, Jane Seymour.
Sau lần sảy thai của Anne, và cái chết của Catherine trong cùng tháng đó, tin đồn bắt đầu xuất hiện rằng Henry muốn ‘loại bỏ’ Anne để có thể cưới Jane. (Nếu ông cố gắng hủy bỏ cuộc hôn nhân thứ hai của mình khi Catherine vẫn còn sống, điều đó sẽ làm dấy lên suy đoán rằng cuộc hôn nhân đầu tiên của ông là hợp lệ.)
Henry rõ ràng đã tự thuyết phục bản thân rằng Anne đã quyến rũ ông bằng phép thuật phù thủy, và cũng nói với Cromwell (đồng minh cũ của Anne, nhưng nay đã trở thành đối thủ tranh giành quyền lực với bà trong triều đình của Henry) rằng ông muốn sửa chữa mối quan hệ với Hoàng đế Charles.
Bắt giữ và bỏ tù
Nhận ra Anne đã rơi vào thế yếu, nhiều kẻ thù của bà nhanh chóng chớp thời cơ để buộc “người vợ lẽ” phải ra đi, và mở một cuộc điều tra thu thập bằng chứng chống lại bà.
Sau khi Mark Smeaton, một nhạc công của triều đình, thú nhận (nhiều khả năng là vì bị tra tấn ép cung) rằng anh ta đã ngoại tình với Vương hậu, mọi chuyện đã bắt đầu, trong lễ kỷ niệm Ngày đầu tiên của Tháng Năm (May Day) tại cung điện ven sông của nhà vua ở Greenwich.
Vua Henry đột ngột rời đi ngay giữa buổi thi đấu có sự góp mặt của em trai Anne là George Boleyn, Tử tước Rochford, và Sir Henry Norris, một trong những người bạn thân nhất của nhà vua và là một triều thần. Nhà vua không đưa ra lời giải thích nào cho hành động của mình với Vương hậu Anne, người mà ông sẽ không bao giờ gặp lại.
Không lâu sau đó, Norris và Rochford lần lượt bị bắt vì tội ngoại tình với Vương hậu (cụ thể hơn, trong trường hợp của Rochford, là tội loạn luân) và âm mưu cùng bà chống lại chồng. Sir Frances Weston và Sir William Brereton đã bị bắt trong những ngày tiếp theo với tội danh tương tự, còn Vương hậu thì bị bắt giam ngay tại Greenwich vào ngày 02/05.
Công tước Norfolk
Vương hậu đã bị đưa ra trước các điều tra viên (người đứng đầu trong số đó là chú của bà, Công tước Norfolk) để nghe cáo buộc về “hành vi xấu xa” của mình và sau đó bị giam trong Tháp London.
Phiên tòa xét xử Smeaton, Weston, Brereton, và Norris diễn ra tại Sảnh Westminster vào ngày 12/05. Cuối cùng, tòa tuyên án treo cổ, kéo lê, và phân xác cả bốn người đàn ông. Ba ngày sau, Anne và anh trai, Rochford, cũng ra trước tòa tại Đại sảnh đường của Tháp London.
Công tước Norfolk chủ trì phiên tòa với tư cách là viên chức cấp cao, đại diện cho nhà vua. Bằng chứng lớn nhất chống lại Rochford là lời khai của chính người vợ hay ghen tuông của ông, người cho rằng có một sự “thân thiết quá mức” giữa ông và em gái.
Phiên tòa xét xử Anne Boleyn
Về phần Anne, hầu hết các nhà sử học đồng ý rằng, bà gần như chắc chắn không có tội trước những cáo buộc chống lại mình. Bà không bao giờ thừa nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, bằng chứng chống lại bà cũng rất yếu, và có rất ít khả năng bà tự gây nguy hiểm cho vị trí của mình bằng cách ngoại tình hoặc âm mưu làm hại nhà vua, người mà bà phụ thuộc rất nhiều.
Tuy nhiên, Anne và Rochford cuối cùng vẫn bị buộc tội, và Norfolk đã tuyên án rằng cả hai sẽ bị thiêu sống hoặc hành quyết theo ý muốn của nhà vua.
Ngày 17/05, năm người đàn ông bị kết án đã bị hành quyết trên Đồi Tháp, nhưng Henry tỏ ra nhân từ với Hoàng hậu của mình, cho gọi “đao phủ xứ Calais ” đến, để bà có thể bị chặt đầu bằng kiếm chứ không phải bằng rìu.
Xử tử Anne Boleyn
Sáng ngày 19/05, một đám đông nhỏ tụ tập trên Tháp Xanh trong lúc Anne Boleyn – mặc một chiếc áo chùng màu xám đậm và áo choàng lông có họa tiết, mái tóc được che kín bằng chiếc mũ trùm đầu, đội trên một chiếc khăn choàng bằng vải lanh trắng – chờ đợi những giờ phút cuối cùng của đời mình.
Sau khi cầu xin được phép nói chuyện trước đám đông, Anne đã nói đơn giản: “Thưa các vị, tôi ở đây khiêm tốn phục tùng trước pháp luật như những gì pháp luật đã phán quyết về tôi, còn đối với những cáo buộc phạm tội, tôi đây không tố cáo ai cả. Chúa biết họ; tôi gửi họ lên cùng Chúa, cầu xin Ngài thương xót linh hồn tôi.” Cuối cùng, bà cầu xin Chúa Jesus “cứu lấy đấng tối cao là Đức Vua, vị Hoàng tử thánh thiêng nhất, cao quý nhất, và dịu dàng nhất, xin cho ngài được trường thọ để trị vì các vị.”
Chỉ với một cú vung kiếm rất nhanh của tên đao phủ, Anne Boleyn đã lìa đời. Chưa đầy 24 giờ sau, Henry chính thức hứa hôn với Jane Seymour; họ kết hôn khoảng 10 ngày sau vụ hành quyết.
Dù Hoàng hậu Jane đã sinh ra đứa con trai được mong đợi từ lâu, người sẽ kế vị Henry trở thành Vua Edward VI khi mới 9 tuổi, thì con gái của ông với Anne Boleyn mới là người sẽ tiếp tục cai trị nước Anh trong hơn 40 năm, với tư cách là Quốc vương nổi tiếng nhất của nhà Tudor: Nữ hoàng Elizabeth I.
Tham khảo:
-
- Antonia Fraser, The Wives of Henry VIII (New York: Alfred A. Knopf, 1992).
- Alison Weir, The Lady in the Tower: The Fall of Anne Boleyn (New York: Ballantine Books, 2010).