09/03/1932: Hoàng đế Phổ Nghi trở thành bù nhìn của Nhật

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: China’s last emperor is Japanese puppet, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1932, Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng trị vì Trung Quốc trong giai đoạn 1908 – 1912, trở thành Quốc trưởng của nhà nước bù nhìn Mãn Châu Quốc của Nhật Bản, bao gồm tỉnh Nhiệt Hà và khu vực Mãn Châu.

Lên ngôi Tuyên Thống Đế khi mới ba tuổi, nhà vua nhanh chóng buộc phải thoái vị bốn năm sau đó trong cuộc cách mạng Tân Hợi do Tôn Trung Sơn lãnh đạo. Ông lấy tên Henry và tiếp tục sống ở Tử Cấm Thành cho đến năm 1924, khi phải nhận án lưu đày. Phổ Nghi chuyển đến Thiên Tân do Nhật chiếm đóng và sống cho đến khi trở thành nhà lãnh đạo bù nhìn của Mãn Châu Quốc vào năm 1932.

Năm 1934, ông lấy niên hiệu Khang Đức, Hoàng đế Mãn Châu. Bất chấp sự kháng cự của quân nổi dậy chống lại chế độ bù nhìn, Phổ Nghi vẫn giữ được danh hiệu Hoàng đế cho đến năm 1945, khi bị quân đội Liên Xô bắt giữ trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II.

Năm 1946, Phổ Nghi điều trần trước Phiên tòa Tokyo về tội ác chiến tranh rằng mình chỉ bất đắc dĩ là công cụ của người Nhật, chứ không phải là lãnh đạo tự quyết của người Mãn Châu như người ta khẳng định. Mãn Châu và Nhiệt Hà sau được trả lại cho Trung Quốc.

Năm 1950, Phổ Nghi được giao về cho phe cộng sản Trung Quốc, những người đã giam cầm ông tại Thẩm Dương mãi cho đến năm 1959 khi Mao Trạch Đông ân xá cho ông. Sau khi được thả, Phổ Nghi đến làm việc trong một cửa hàng sửa chữa cơ khí ở Bắc Kinh. Ông mất vào ngày 17/10/1967.

Hoàng đế Phổ Nghi và những ngày lưu đày tại Liên Xô