Nguồn: First around-the-world telegram sent, 66 years before Voyager II launch, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1911, một nhân viên điều phối tại văn phòng New York Times đã gửi đi bức điện tín vòng quanh thế giới đầu tiên, sử dụng dịch vụ thương mại. Đúng 66 năm sau, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) gửi đi một loại thông điệp khác – một đĩa than chứa thông tin về Trái Đất, gửi đến các sinh vật ngoài hành tinh – khi tàu vũ trụ không người lái Voyager II được phóng vào không gian.
Tờ Times quyết định gửi bức điện năm 1911 nhằm xác định tốc độ mà một thông điệp thương mại có thể được gửi đi vòng quanh thế giới bằng cáp điện báo. Thông điệp – chỉ đơn giản có nội dung là “This message sent around the world” (Thông điệp này được gửi đi vòng quanh thế giới), rời khỏi phòng điều phối trên tầng 17 của tòa soạn Times ở New York vào lúc 7 giờ tối ngày 20/08.
Sau khi đi qua quãng đường hơn 28.000 dặm, được chuyển tiếp bởi 16 nhân viên khác nhau, qua San Francisco, Philippines, Hong Kong, Sài Gòn, Singapore, Bombay, Malta, Lisbon, và Azores – cùng với nhiều địa điểm khác – nó đã trở về nơi gửi sau 16,5 phút. Đó là thời gian truyền tin nhanh nhất của một cáp điện báo thương mại kể từ khi công ty Cáp Thương mại (Commercial Cable Company) khai trương tuyến cáp Thái Bình Dương vào năm 1900.
Ngày 20/08/1977, một tên lửa của NASA đã phóng Voyager II, một tàu vũ trụ không người lái nặng khoảng 825kg, từ Cape Canaveral, Florida. Nó là chiếc đầu tiên trong số hai tàu vũ trụ được phóng cùng năm đó, trong chuyến đi vòng quanh các hành tinh ở vòng ngoài Hệ Mặt Trời (Grand Tour) – trùng hợp với sự kiện thẳng hàng hiếm có của Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, và Sao Hải Vương. Trên Voyager II là một máy đĩa than bằng đồng đường kính 30 cm, chứa một bản ghi gọi là “Sounds of Earth” (Âm thanh của Trái Đất). Với mục đích là một bản giới thiệu vượt thời gian, đĩa than chứa lời chào bằng 60 ngôn ngữ, cùng nhiều thông tin khoa học về Trái Đất và loài người, ngoài ra còn có nhạc cổ điển, nhạc jazz, và rock ‘n’ roll, các âm thanh tự nhiên như tiếng sấm và tiếng sóng, cùng với các thông điệp từ Tổng thống Jimmy Carter và các nhà lãnh đạo thế giới khác.
Là đứa con tinh thần của nhà thiên văn học Carl Sagan, đĩa than này được gửi đi cùng với tàu Voyager II và chiếc tàu song sinh của nó, Voyager I – phóng đi chỉ hai tuần sau đó – với hy vọng nhỏ nhoi, rằng một ngày nào đó, nó có thể được các sinh vật ngoài hành tinh phát hiện. Đĩa than có lớp vỏ nhôm bọc ngoài có thể giữ nguyên vẹn trong 1 tỷ năm, cùng với hướng dẫn cách mở đĩa, đi kèm với đầu đọc và kim.
Quan trọng hơn, hai tàu Voyager được thiết kế để khám phá vòng ngoài Hệ Mặt Trời, sau đó gửi thông tin và hình ảnh về các hành tinh xa xôi này trở lại Trái Đất. Trong 12 năm tiếp theo, sứ mệnh này đã thành công rực rỡ. Sau khi cả hai con tàu bay ngang qua Sao Mộc và Sao Thổ, Voyager I đã bay về phía rìa của Hệ Mặt Trời trong khi Voyager II đến thăm Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương trước khi bay về phía rìa của Hệ Mặt Trời giống như người ‘em song sinh’ của nó.
Nhờ chương trình Voyager, các nhà khoa học của NASA đã thu được nhiều thông tin về các hành tinh vòng ngoài, bao gồm các bức ảnh chụp cận cảnh bảy vành đai của Sao Thổ; bằng chứng về các mạch nước phun và các núi lửa đang hoạt động mạnh mẽ trên một số trong số 22 mặt trăng vệ tinh của bốn hành tinh; ghi nhận sức gió hơn 2.400 km/h ở Sao Hải Vương; và đo lường độ lớn của từ trường tại Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương. Hai còn tàu dự kiến sẽ tiếp tục gửi dữ liệu cho đến năm 2020, hoặc cho đến khi nguồn năng lượng plutonium của chúng cạn kiệt. Sau đó, chúng sẽ tiếp tục trôi trong thiên hà suốt hàng triệu năm tới, nếu không xảy ra vụ va chạm bất ngờ nào.