21/05/1911: Cuộc khủng hoảng Morocco lần thứ hai

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: French troops occupy Fez, sparking second Moroccan Crisis, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1911, sáu năm sau Khủng hoảng Morocco lần thứ nhất, trong đó sự xuất hiện bất ngờ của Hoàng đế Đức Wilhelm ở Morocco đã gây ra sự phẫn nộ quốc tế, đồng thời dẫn đến việc Anh và Pháp củng cố mối quan hệ chống lại Đức, quân đội Pháp đã chiếm thành phố Fez của Morocco, khiến người Đức nổi cơn thịnh nộ và khơi mào cho Khủng hoảng Morocco lần thứ hai.

Tháng 03/1911, chính quyền Pháp tuyên bố rằng các bộ lạc đã tổ chức một cuộc nổi dậy ở Morocco, gây nguy hiểm cho một trong những thủ phủ của đất nước, Fez. Quốc vương kêu gọi người Pháp giúp đỡ để khôi phục trật tự, và họ đã gửi quân đến Fez vào ngày 21/05.

Tuy nhiên, cảnh giác trước sức mạnh của Pháp ở châu Phi, phía Đức tin rằng Pháp đã kích động cuộc nổi dậy của các bộ lạc để tạo cớ chiếm Morocco. Ngoại trưởng Đức, Alfred von Kiderlen-Wachter, đã bỏ qua việc tham khảo dàn nhân sự chủ chốt, gồm cả các chỉ huy lực lượng vũ trang, trước khi cử một tàu tuần dương, chiếc Panther, đến thả neo tại cảng Agadir trên bờ biển Đại Tây Dương của Morocco, khẳng định tuyên bố của Đức về cuộc xâm lược của Pháp vào ngày 01/07, trong một nỗ lực nhằm khuyến khích cư dân bản xứ kháng chiến chống Pháp.

Tương tự như trong Khủng hoảng Morocco lần thứ nhất, người Đức dự định rằng Pháp sẽ bị cô lập và cuối cùng sẽ phải phục tùng, nhưng điều này đã không trở thành sự thật, vì Anh một lần nữa ủng hộ Pháp, đối tác của họ trong Entente Cordiale (Hiệp ước Thân mật) năm 1904. David Lloyd George, Bộ trưởng Tài chính, đã làm rõ điều này trong một bài phát biểu trước công chúng ở London, trong một bữa tiệc tại Mansion House vào ngày 21/07. Sau khi Nga cũng ủng hộ Pháp, mặc dù hơi mơ hồ, và Áo-Hung không thể hỗ trợ Đức ngay cả về mặt ngoại giao, quân Đức buộc phải lùi bước. Trong các cuộc đàm phán tiếp theo, kết thúc vào ngày 04/11, Đức miễn cưỡng đồng ý công nhận quyền bảo hộ của Pháp đối với Morocco để đổi lấy các nhượng bộ lãnh thổ – mà họ cho là không thỏa đáng – ở các khu vực khác của châu Phi.

Trong khi đó, đàm phán quân sự cũng bắt đầu giữa Anh và Pháp, và họ đã quyết định rằng hải quân của hai nước sẽ phân chia trách nhiệm, trong đó người Pháp nắm quyền kiểm soát Địa Trung Hải, còn Anh phụ trách Biển Bắc và Eo biển Manche. Khi hai nước chuyển từ hữu nghị sang liên minh – kể cả Nga cũng đứng về phía họ – sau Khủng hoảng Morocco lần thứ hai, một nước Đức hùng mạnh ngày càng bị cô lập, chỉ có sự hỗ trợ ít ỏi từ các thành viên Liên minh Ba nước, Áo-Hung và Ý. Như Helmuth von Moltke, Tham mưu trưởng Đức, đã viết cho Thủ tướng nước này, Theobald Bethmann von Hollweg trong một bản ghi nhớ ngày 02/12/1912: Tất cả các bên đang chuẩn bị cho Chiến tranh Châu Âu, điều mà tất cả các bên đều mong đợi, dù sớm hay muộn.