10/09/2008: Máy Gia tốc Hạt Lớn chính thức đi vào hoạt động

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: CERN Large Hadron Collider is powered up, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2008, các nhà khoa học lần đầu tiên bật công tắc trên Máy Gia tốc Hạt Lớn (Large Hadron Collider, LHC) tại phòng thí nghiệm của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu (CERN) ở Geneva, bắt đầu cái mà nhiều người gọi là thí nghiệm khoa học lớn nhất trong lịch sử.

Chuyên thử nghiệm các lý thuyết vật lý hạt, cỗ máy trị giá 8 tỷ đô la LHC là máy gia tốc hạt lớn nhất trên thế giới, được tạo thành từ các nam châm siêu dẫn cho phép các kỹ sư và nhà vật lý nghiên cứu các hạt hạ nguyên tử, gồm proton, electron, quark và photon. LHC có thể tạo ra 600 triệu va chạm mỗi giây.

Cỗ máy có dạng một vòng tròn, chu vi 27 dặm, nằm ngầm dưới biên giới Thụy Sĩ-Pháp. Nó phóng ra các chùm hạt với tốc độ gần bằng tốc độ ánh sáng, khiến chúng va chạm với nhau, và tái tạo các sự kiện diễn ra sau Vụ Nổ Lớn. Vào thời điểm ra mắt, một số nhà khoa học và nhà môi trường đã suy đoán rằng LHC sẽ tạo ra một lỗ đen nhỏ có thể kết thúc thế giới của chúng ta. Những tuyên bố này đã bị bác bỏ bởi CERN và nhà vật lý Stephen Hawking, người nói rằng bất kỳ lỗ đen nhỏ nào cũng sẽ bốc hơi ngay lập tức.

Mục tiêu của LHC, công cụ khoa học lớn nhất trên hành tinh, là tạo ra và phát hiện hạt Higgs, hay còn được gọi là “hạt của Chúa” (the God particle). Năm 1964, Peter Higgs và Francois Englert đặt ra một lý thuyết rằng: hạt liên kết với trường năng lượng mang khối lượng chính là chìa khóa để vạn vật trong vũ trụ có được khối lượng.

Năm 2012, CERN thông báo rằng các thí nghiệm LHC đã cho phép các nhà nghiên cứu quan sát một hạt phù hợp với mô tả về hạt Higgs. Ngày 08/10/2013, Higgs và Englert đã được trao giải Nobel Vật lý, “vì đã khám phá ra lý thuyết về một cơ chế góp phần vào sự hiểu biết của con người về nguồn gốc của khối lượng của các hạt hạ nguyên tử, điều gần đây đã được xác nhận qua việc phát hiện ra hạt cơ bản này, bằng các thí nghiệm của ATLAS và CMS tại Máy Gia tốc Hạt Lớn của CERN.”