Putin sẽ làm gì tiếp theo ở Ukraine?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Liana Fix và Michael Kimmage, “Putin’s Next Move in Ukraine,” Foreign Affairs, 16/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ra lệnh động viên, rút lui, hay còn một phương án khác?

Lần đầu tiên trong cuộc chiến ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt với viễn cảnh thua cuộc. Những thất bại ban đầu xung quanh Kyiv và Chernigov đã được bù đắp nhờ chiến thắng của Nga ở miền nam và miền đông Ukraine. Những thất bại đó cũng có thể được coi là quyết định rút lui chiến thuật và do đó là sự lựa chọn của người Nga, bất kể chúng có thực sự là vậy hay không. Ngược lại, thất bại của binh lính Nga ở khu vực Kharkiv vào ngày 10/09 mới đây – và thành công của lực lượng Ukraine khi nhanh chóng chiếm lại lãnh thổ trải dài khoảng 2.000 dặm vuông ở miền nam và miền đông – cho thấy rõ ràng rằng Ukraine đang thắng thế, còn quân đội Nga có thể sẽ tiếp tục thất thế. Chiến dịch Kharkiv của Ukraine đã phá tan ảo tưởng về sự bất khả chiến bại của Nga. Nó cũng báo trước một giai đoạn mới trong kỳ vọng của phương Tây. Đột nhiên, các nhà lãnh đạo và chiến lược gia phương Tây có thể tin rằng Ukraine đang chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến này. Sự thay đổi quan điểm này chắc chắn sẽ mở ra một động lực hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine. Lập luận rằng Ukraine nên đầu hàng vì hòa bình, thay vì tiếp tục chiến đấu, nay đã bị bác bỏ.

Tuy nhiên, quan điểm thay đổi nhiều nhất là ở Nga, và điều này sẽ kéo theo những rủi ro mới đáng kể cho cả Ukraine và phương Tây. Kể từ sau thất bại trong cuộc tấn công chớp nhoáng để chiếm Kyiv vào tháng 2, Putin đã phải giải quyết hai việc cùng lúc. Việc thứ nhất là duy trì cuộc chiến lâu dài với một quân đội Nga trong thời bình, dựa trên phỏng đoán rằng quân đội Ukraine yếu hơn họ, và rằng cuộc chiến kéo dài sẽ có lợi cho Nga. Việc thứ hai là đảm bảo rằng xã hội Nga vẫn được cách ly khỏi chiến tranh, với giả định rằng Putin có thể duy trì sự ủng hộ trong nước miễn là dân thường Nga không phải gánh chịu chi phí của chiến tranh. Nhưng thành công của Ukraine trên chiến trường xung quanh Kharkiv đã làm đảo lộn những tính toán này.

Putin hiện đang phải đối mặt với một loạt các lựa chọn khó khăn. Ông có thể giới hạn cam kết quân sự của Nga, duy trì quân số hiện tại và tiếp tục cách ly xã hội Nga, hoặc ông có thể ra lệnh động viên quy mô lớn. Cả hai lựa chọn này đều đe dọa nghiêm trọng đến tính chính danh của Putin. Nếu chọn phương án thứ nhất, Putin sẽ từ bỏ viễn cảnh chiến thắng của Nga và có nguy cơ thất bại hoàn toàn. Hiện tại, những người theo chủ nghĩa dân tộc ủng hộ chiến tranh đang ngày càng trở nên bất mãn hơn với cách mà cuộc chiến được tiến hành. Họ đã được hứa hẹn lãnh thổ và vinh dự trong một chiến dịch nhanh chóng. Nhưng thay vào đó, họ phải nhận về con số thương vong khủng khiếp trong khi lãnh thổ thu được chẳng là bao, và đến nay tình hình lại càng bấp bênh hơn nữa. Việc duy trì nguyên trạng có thể tạo ra những vết nứt mới cực kỳ nguy hiểm trong chế độ của Putin.

Mặt khác, một lệnh động viên sẽ hủy hoại hoàn toàn chiến lược quản lý chiến tranh cẩn trọng của Điện Kremlin ở quê nhà. Tăng đáng kể nhân lực có vẻ là lựa chọn hợp lý đối với một quốc gia có dân số gấp ba lần Ukraine, nhưng mức độ ủng hộ của người Nga dành cho cuộc chiến lại phụ thuộc vào con số nhân lực đó. Ngay cả thuật ngữ mà Nga dùng để gọi cuộc chiến, “chiến dịch quân sự đặc biệt,” cũng là một thuật ngữ mơ hồ. Bất chấp luận điệu “phi phát xít hóa” của Điện Kremlin, đối với người dân Nga, cuộc chiến ở Ukraine hoàn toàn không giống với cuộc chiến sống còn của Liên Xô trong Thế chiến II. Bằng cách tuyên bố lệnh động viên, Điện Kremlin có nguy cơ kích động phản đối trong nước đối với một cuộc chiến mà hầu hết người Nga không được chuẩn bị để sẵn sàng để chiến đấu.

Tất nhiên, Putin có thể chọn cả hai phương án này. Ông có thể tìm cách thay đổi cục diện chiến tranh bằng cách tìm ra một con đường nằm giữa tổng động viên và duy trì nguyên trạng. Dù tự xưng là “người đàn ông của hành động,” nhưng Putin lại thường có xu hướng thiếu quyết đoán nếu gặp phải rủi ro cao, ông thích gây ra vấn đề nhưng lại không bao giờ giải quyết chúng. Năm 2014, sau khi sáp nhập Crimea, người Nga tiến vào miền đông Ukraine, ký một thỏa thuận ngoại giao, và sau đó ở lại đây suốt nhiều năm, không tiến cũng chẳng lùi. Trong khi đó, Nga tiến vào Syria năm 2015, hỗ trợ quân sự cho Bashar al-Assad và lật ngược tình thế theo hướng có lợi cho ông ta. Nhưng tình hình ở Syria vẫn vô cùng bất định, và một giải pháp chính trị cho cuộc chiến hoàn toàn nằm ngoài tầm với.

Putin đã làm tổn hại chế độ của mình không chỉ bằng cách đưa quân đội Nga đến chỗ thất bại ở Kharkiv, mà còn bằng cách kết hợp các mục tiêu chính trị viển vông ở Ukraine với các phương tiện sơ sài và kém hiệu quả. Giờ đây, bất kỳ lựa chọn nào của Putin ở Ukraine cũng sẽ gây ra những hậu quả đáng kể. Dù động thái tiếp theo của ông ta có là gì, châu Âu và Mỹ nên tiếp tục cung cấp cho quân đội Ukraine những công cụ cần thiết nhất để duy trì thế tấn công. Nhưng cũng nên xem xét những tác động sâu rộng hơn đối với một chế độ đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng ở quê nhà, trong khi cố gắng tìm kiếm những cách thức mới để gây tổn hại tối đa cho Ukraine và các đồng minh. Đối với Putin, giây phút tuyệt vọng thường sẽ không đi kèm với giải pháp hợp lý.

phương án ra LỆNH ĐỘNG VIÊN

Quyết định động viên của Putin, tiến hành chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc và ra lệnh triệu tập hàng trăm nghìn binh sĩ mới, sẽ đặt ra những thách thức mới cho cả Nga lẫn phương Tây. Dù có là lệnh động viên một phần, thì việc huy động của Điện Kremlin vẫn sẽ cho thấy rằng đất nước đang có chiến tranh. Nó cũng sẽ làm cho cuộc chiến trở nên chân thực hơn với người Nga. Cho đến nay, đối với hầu hết người dân Nga, cuộc xâm lược Ukraine thậm chí còn chưa được coi là một cuộc chiến. Nó chỉ được gọi là một chiến dịch quân sự, mà trên thực tế là một cuộc chiến mà Nga lựa chọn, được xây dựng dựa trên sự tự tin đến mức ảo tưởng, cùng những giả định sai lầm về Ukraine, cũng như về các đồng minh và đối tác của nước này. Tuy nhiên, với việc động viên, Nga sẽ công khai cam kết tham gia vào một cuộc chiến lớn. Cuộc chiến được lựa chọn sẽ trở thành cuộc chiến bắt buộc, và “chiến dịch đặc biệt” ban đầu sẽ trở thành cuộc chiến mà tất cả người Nga sẽ cần chiến đấu và chiến thắng. Một quyết định như vậy có thể sẽ khiến giới lãnh đạo Nga tin rằng thất bại là điều không thể chấp nhận được, từ đó làm cho triển vọng về một kết thúc được thương lượng càng khó xảy ra hơn.

Một diễn biến như vậy chứa đựng nhiều rủi ro đối với Putin. Cho đến nay, những gì quân đội Nga thể hiện hoàn toàn không cho thấy rằng việc đưa thêm binh sĩ ra chiến trường sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho Moscow. Ngoài ra, việc huấn luyện binh lính sẽ mất nhiều thời gian, và quân trang của Nga cũng phải được gia tăng tương xứng. Đồng thời, bằng cách đưa vào nhiều người Nga không có ý định chiến đấu, lệnh động viên có thể làm trầm trọng thêm vấn đề tinh thần của quân đội Nga, thay vì giải quyết nó. Trên hết, dù là toàn bộ hay một phần, động viên cũng không nhất thiết đồng nghĩa với chiến thắng cho Nga. Một lệnh tổng động viên sẽ cần được gắn với các mục tiêu chiến lược có thể đạt được.

Khi theo đuổi phương án ra lệnh động viên, Putin sẽ phải chỉ rõ những nguy cơ quân sự, đồng thời duy trì sự ủng hộ của các nhóm chủ chiến và dân tộc chủ nghĩa vốn đã mạnh lên vì cuộc chiến và chắc chắn sẽ hoan nghênh động thái này. Nguy cơ quân sự ở đây là về mặt thời gian. Ngoài việc phải được đào tạo đầy đủ, các tân binh sẽ cần được tích hợp đúng cách vào các đơn vị chiến đấu, việc này sẽ mất nhiều tháng – nhưng hiện nay lực lượng sĩ quan của Nga đã bị trói chặt nơi chiến trường và một lượng lớn trong số đó đã thiệt mạng. Trong lúc lệnh động viên của Putin được triển khai, cứ từng tháng trôi qua, lại có thêm vũ khí và hỗ trợ sẽ được đổ vào Ukraine và quân đội Ukraine sẽ củng cố sức mạnh của mình. Nếu Nga cố gắng chờ qua mùa đông, sau đó phát động tấn công vào mùa xuân với lực lượng mới, thì họ sẽ chống lại một quốc gia đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và chiến đấu kiên cường hơn so với hồi tháng 02/2022.

Tuy nhiên, đối với Putin, duy trì sự ủng hộ trong nước suốt quá trình động viên có thể là một nhiệm vụ khó khăn không kém. Theo quan điểm của Điện Kremlin, trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến, Putin vẫn giữ được ổn định chính trị trong nước. Khi không có lệnh động viên, những tín đồ của Điện Kremlin và những người theo chủ nghĩa dân tộc Nga vẫn có thể hào hứng với một cuộc chiến tranh chinh phạt, để trả thù phương Tây. Còn đối với nhiều người Nga, những người không có ác cảm với Ukraine và đã bị bất ngờ khi chiến tranh nổ ra, với sự khuyến khích tích cực từ Điện Kremlin, họ có thể đơn giản phớt lờ những gì đang xảy ra. Đối với họ, đó chỉ là một chiến dịch đặc biệt nên được giao phó cho các chuyên gia. Tuy nhiên, lệnh động viên sẽ khiến chiến tranh không còn tách biệt với cuộc sống thường ngày của người dân thành thị Nga. Sau khi được chế độ Putin dạy dỗ trong tình trạng xa rời chính trị, giờ đây người dân Nga cần phải được huy động về mặt tinh thần. Họ sẽ phải chấp nhận rằng cha chú, anh em, và con trai của họ có thể bỏ mạng nơi chiến trường. Việc đòi hỏi người dân Nga thay đổi thái độ trên quy mô lớn như vậy có thể sẽ phản tác dụng đối với Putin.

Lệnh động viên cũng không giải quyết được logic sai lầm của cuộc chiến. Đặt cược vào một sai lầm chiến lược sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn. Lệnh động viên sẽ không thể xóa bỏ tính toán sai lầm chiến lược quan trọng của Putin khi ông quyết định phát động xâm lược. Nó cũng không thể đảo ngược những thiệt hại mà cuộc chiến đã gây ra cho các lợi ích kinh tế và an ninh của Nga. Về vấn đề này, tình huống lưỡng nan chính trị mà Putin phải đối mặt khi ra lệnh động viên có liên quan trực tiếp đến bản chất của cuộc chiến. Trong lịch sử, Nga đã chứng tỏ mình là một đối thủ đáng gờm khi bị các thế lực bên ngoài tấn công: cả Napoléon và Hitler đều đánh giá thấp khả năng và quyết tâm của lực lượng Nga khi họ quyết định xâm lược nước này. Nhưng cũng giống như Mỹ và nhiều quốc gia khác, Nga đã phải vật lộn với các cuộc chiến mà họ lựa chọn. Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 – bắt đầu khi quan hệ ngoại giao với Triều Tiên tan vỡ, và là cuộc chiến mà Sa hoàng Nicholas II tìm cách kéo dài để giữ thể diện cho Nga – đã kết thúc tồi tệ đối với Moscow. Cuộc xâm lược Afghanistan của Liên Xô năm 1979 cũng vậy. (Và trong cả hai trường hợp, chiến tranh đều đã diễn ra mà không có thêm áp lực từ lệnh động viên). Trái ngược với việc huy động lực lượng cho một cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, ra lệnh động viên nhân danh tham vọng đế quốc xấu xa là một công thức gây bất ổn chính trị trong nước. Người ta thà có một cuộc chiến nhỏ ngu ngốc còn hơn một cuộc chiến lớn ngu ngốc.

Đối với Ukraine và phương Tây, lệnh động viên của Nga thoạt đầu sẽ là một cú sốc tâm lý. Những điểm yếu của quân đội Nga sẽ tiếp tục có lợi cho Ukraine, nhưng việc huy động lực lượng báo hiệu một quyết tâm mới của giới lãnh đạo Nga nhằm ngăn chặn thất bại bằng bất cứ giá nào – ngay cả với cái giá là sự ủng hộ trong nước. Nếu Putin dốc toàn lực, phương Tây sẽ một lần nữa phải đánh giá lại trạng thái tinh thần của ông ta, cũng như đánh giá khả năng leo thang quân sự nghiêm trọng.

LÙI BƯỚC VÀ KÉO DÀI CUỘC CHIẾN

Một lựa chọn khác cho Putin là rút lui theo một vài hình thức nhất định. Khi chọn con đường này, ông sẽ phải từ bỏ viễn cảnh về một chiến thắng thực sự. Ông có thể tìm cách tiếp tục cuộc chiến, giảm các cam kết xuống mức tối thiểu cần thiết để giữ được các lãnh thổ đã giành được ở miền đông và miền nam. Ông cũng có thể quay trở lại cách tiếp cận ở miền đông Ukraine hồi năm 2014 – giữ phần lãnh thổ bị chiếm đóng dưới sự kiểm soát của Nga nhưng không cho tiến quân, do đó gây bất ổn cho toàn bộ đất nước – nhưng với sự hiện diện quân sự của Nga lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, từ bỏ chiến thắng có nghĩa là phải tạm dừng các chiến dịch tấn công. Putin sẽ không bao giờ thừa nhận rằng mình đã bỏ cuộc. Ông sẽ tìm cách thể hiện rằng chiến tranh rồi sẽ leo thang, rằng ý định của ông đối với Ukraine vẫn không thay đổi, rằng thành công của ông sẽ xuất phát từ sự kiên nhẫn chiến lược. Putin cũng sẽ phụ thuộc vào quyết định của người Nga, liệu họ có chấp nhận tiếp tục cuộc sống mà không bận tâm đến tình trạng chiến tranh liên tục. Về điểm này, Nga sẽ cần duy trì tình trạng bế tắc ở miền đông Ukraine đủ để người Nga tiếp tục ngó lơ cuộc chiến. Nhưng chuyện đó còn tùy thuộc vào người Ukraine. Trong tương lai, Kyiv sẽ làm tất cả những gì mình có thể để khiến Nga không thể duy trì sự bế tắc thuận lợi cho nền chính trị trong nước.

Đối với Putin, người đang phải đối mặt với những thất bại đáng kể của quân đội Nga, sẽ không dễ dàng để thuyết phục công chúng tin vào việc không hành động quân sự. Cho đến nay, Điện Kremlin vẫn dựa vào huyền thoại về sự bất khả chiến bại của quân đội nước mình và câu chuyện về một cuộc chiến phòng thủ để kêu gọi ủng hộ “chiến dịch đặc biệt.” Tuy nhiên, theo thời gian, một chiến dịch bị đình trệ và tham vọng giảm sút nhiều sẽ vạch trần sự vô ích của cuộc chiến đã dẫn đến thương vong cho khoảng 70.000 đến 80.000 người Nga. Ngay cả khi con số thương vong hiện tại chưa được phổ biến rộng rãi ở Nga, vẫn sẽ có ngày càng nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Chiến dịch này cũng sẽ khiến bộ máy quân sự và an ninh của Nga bị chỉ trích dữ dội hơn vì họ không thể mang lại chiến thắng như đã hứa. Một số thành viên trong quân đội sẽ khao khát một cơ hội thứ hai – có lẽ là với một nhà lãnh đạo khác.

Đồng thời, trong lúc duy trì thế bế tắc, Putin cần nhớ rằng lực lượng Ukraine sẽ không chịu đứng yên. Sức mạnh của Ukraine sẽ tiếp tục phát triển nhờ được cung cấp vũ khí ngày càng tốt hơn. Dưới sự lãnh đạo của Zelensky, người Ukraine muốn giành chiến thắng trong cuộc chiến này. Bất kỳ tính toán sai lầm nghiêm trọng nào của Nga cũng có thể dẫn đến một thất bại nặng nề khác, và nó có thể là thất bại sau cùng. Ukraine có mọi lý do để không cho phép người Nga xâm nhập sâu hơn, dù tiến trình phản công chậm chạp của Ukraine xung quanh Kherson cho thấy không phải chiến dịch tấn công nào của Ukraine cũng sẽ thành công như chiến dịch gần đây ở Kharkiv.

XẤU XA HƠN VÀ NGUY HIỂM HƠN

Nếu xét những rủi ro trong nước liên quan đến cả lệnh động viên lẫn rút lui, Putin có thể sẽ cố gắng tìm ra một con đường trung gian. Đối với Ukraine và phương Tây, lựa chọn này sẽ ít nguy hiểm hơn là lệnh tổng động viên, nhưng vẫn là một thách thức nghiêm trọng cho những năm tháng sắp tới. Khi tìm kiếm những cách thức mới để tiến hành chiến tranh mà không phải dùng đến lệnh động viên, Putin có thể có một vài phương án. Ông có thể cố gắng sử dụng lệnh động viên bí mật – ví dụ như bắt buộc tù nhân trong các nhà tù của Nga phải tham gia lực lượng lính tình nguyện, lính nghĩa vụ hoặc lính đánh thuê Wagner. Ông cũng có thể thực hiện các hành động khủng bố mới đối với người dân Ukraine, chẳng hạn bằng cách đánh vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như nguồn cung cấp năng lượng và nước, để làm suy sụp ý chí của người Ukraine khi mùa đông đến gần. Ông còn có thể gia tăng tấn công vào các mục tiêu dân sự thiết yếu như bệnh viện và trường học, đồng thời sử dụng các vũ khí nguy hiểm hơn như vũ khí nhiệt áp, vốn có tác động tàn phá môi trường xung quanh. Nói tóm lại, Putin có thể sẽ cố gắng lặp lại chiến thuật cực đoan mà ông từng sử dụng ở Syria. Ngoài ra, để củng cố sự ủng hộ dành cho mình, Putin có thể tìm ra những cách mới để trấn áp những người bất đồng chính kiến và truy tố “những kẻ phản bội” tại quê nhà.

Phương án này sẽ là ví dụ điển hình cho sự thiếu quyết đoán của Putin trong những tình huống căng thẳng. Thay vì thông báo lệnh động viên, ông có thể sử dụng các nguồn lực mới, khiêm tốn hơn để đạt được những thành công nhỏ chống lại Ukraine ở những khu vực mà vị thế của Nga là mạnh nhất. Ông cũng có thể tàn phá các khu vực của Ukraine đang không trực tiếp xảy ra giao tranh, bằng cách tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, phá vỡ bất kỳ ‘cảm giác bình thường’ nào còn tồn tại ở Ukraine, và làm những gì có thể để ngăn chặn các nỗ lực hỗ trợ tái thiết của Mỹ và châu Âu. Qua những hành động đó, Putin sẽ cố gắng duy trì bầu không khí nguy hiểm đã ám ảnh Ukraine kể từ tháng 02/2022. Nếu ông gặp khó khăn trong việc kiểm soát tình hình trong nước, vì đây từng là cuộc chiến mà Nga được cho là sẽ thắng một cách dễ dàng, ông có thể sử dụng vũ lực để đè bẹp phe bất đồng chính kiến. Về điểm này, chính phủ của ông được trang bị rất tốt.

Con đường này cũng đòi hỏi sự quyết tâm và kiên nhẫn từ phương Tây. Putin sẽ đặt cược vào việc châu Âu và phương Tây giảm bớt sự ủng hộ dành cho Ukraine vì phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng, chí ít là trong mùa đông sắp tới. Một cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine có thể dẫn đến ngày càng nhiều lời kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch, bất kể các điều kiện áp đặt lên Ukraine là gì. Ngay cả khi các quốc gia châu Âu không gây áp lực với Kyiv một cách rõ ràng, họ có thể hạn chế hỗ trợ quân sự với lập luận rằng kho dự trữ và khả năng kinh tế của chính họ đang bị dàn mỏng quá mức. Những thành công của Ukraine ở khu vực Kharkiv sẽ trì hoãn sự mệt mỏi do chiến tranh này trong một thời gian. Nhưng vẫn chưa rõ liệu thành công và tinh thần phấn chấn của người dân Ukraine có thể được lặp lại nơi người dân phương Tây hay không.

PHƯƠNG TÂY BÌNH TĨNH VÀ NƯỚC NGA HOẢNG LOẠN

Đối với cả Ukraine và các đồng minh phương Tây, tốt hơn hết là Nga không nên ra lệnh động viên. Một kết quả tốt hơn nữa, là Putin từ bỏ viễn cảnh chiến thắng. Tuy nhiên, các phương tiện để tác động đến lựa chọn của Putin là rất hạn chế. Một là duy trì nguyên trạng, tiếp tục cung cấp vũ khí và thông tin tình báo vốn đã giúp quân đội Ukraine thành công. Người Ukraine đã chứng tỏ rằng hệ thống chính trị của họ đủ khả năng để duy trì nỗ lực chiến tranh. Họ đã chứng tỏ rằng mình có khả năng chiến đấu xuất sắc và khả năng lãnh đạo quân sự. Sự kết hợp của những sức mạnh nội tại này với vũ khí tinh vi mà phương Tây sẵn sàng cung cấp sẽ khiến những người lính Nga xung quanh Kharkiv phải khiếp sợ. Không ai biết liệu kết hợp đó có đe dọa cả Điện Kremlin hay không, nhưng về lâu dài, Điện Kremlin sẽ chẳng thể phớt lờ sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Ukraine. Sức mạnh của Ukraine càng lớn thì Nga càng ít có khả năng chiến thắng ở Ukraine. Ngày qua ngày, Ukraine đang dần xây dựng sức mạnh răn đe của mình.

Với thực tế mới này, phương Tây có thể hy vọng rằng Putin sẽ hiểu được logic về giới hạn của Nga và năng lực của Ukraine. Trong kịch bản tốt nhất, Putin sẽ chấp nhận những thất bại chiến thuật và chiến lược bắt đầu vào đầu tháng 9, không xem chúng là dấu hiệu của một cuộc chiến sống còn, mà là kết quả của những lựa chọn quân sự sẽ xác định phạm vi và mục tiêu của đàm phán cuối cùng. Ukraine đã cải thiện đáng kể vị thế đàm phán của mình trong thời gian gần đây. Nga vẫn chưa thừa nhận cán cân quyền lực đã thay đổi và chưa giảm bớt các yêu cầu của mình, nhưng nước này có thể hưởng lợi nếu làm như vậy trong tương lai, khi lợi thế của họ trong chiến tranh bị sụt giảm nhanh chóng. Nếu Putin từ bỏ chiến thắng bằng cách từ bỏ chiến dịch tấn công, ngay cả khi ông từ chối đàm phán – và nhiều khả năng ông sẽ làm vậy, thì đó vẫn sẽ là chiến thắng một phần cho Ukraine và cho phương Tây. Dù có thể nó sẽ không khiến người ta hài lòng, nhưng so với vị thế của Ukraine vào ngày 24/02/2022, đó sẽ là một kết quả tuyệt vời.

Nếu Nga ra lệnh động viên, Ukraine và phương Tây cần giữ bình tĩnh và xây dựng chiến lược dựa trên những thành công trong bảy tháng qua. Nước Nga của Putin đã không thể phát triển một khái niệm rõ ràng cho cuộc chiến của mình, không thể học hỏi từ những sai lầm của mình, và không thể triển khai nhiều chức năng của một quân đội tầm cỡ thế giới. Và lệnh động viên cũng chẳng thể thay đổi được điều đó. Rủi ro lớn nhất của lệnh động viên có thể liên quan đến Nga nhiều hơn là đến Ukraine. Người dân Nga có thể chống lại lệnh huy động, trong trường hợp đó, chế độ sẽ bắt đầu sụp đổ, như điều đã xảy ra với chính phủ Sa hoàng vào năm 1917. Hoặc nước Nga có thể bị đánh bại sau khi tổng động viên toàn bộ, và một Putin thất bại sẽ chẳng thể nào tồn tại. Bên ngoài các bức tường của Điện Kremlin, điều này nghe có vẻ giống như một kết thúc có hậu, nhưng một nước Nga suy sụp cũng sẽ có ảnh hưởng đến hệ thống quốc tế như chúng ta đã biết, và sẽ gây ra bất ổn vượt ra ngoài biên giới của nước này. Không ai có thể đoán trước được loại chế độ nào có thể lên nắm quyền sau sự sụp đổ của chế độ Putin ở Nga.

Trong lúc chờ đợi phản ứng của Putin trước những thành công của Ukraine, cho dù đó là gì, Mỹ và châu Âu cũng nên tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để tiếp tục chiến đấu, và trên hết, để tiếp tục tấn công. Đồng thời, Đức và Pháp có thể sử dụng ngoại giao điện thoại, bất chấp sự gượng gạo khó xử của nó, để truyền đạt cho Putin về sự vô ích của cuộc chiến và của những nỗ lực nhằm làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Ukraine bằng cách gây ra khủng hoảng năng lượng ở châu Âu và khủng hoảng lương thực trên toàn cầu. Trong trường hợp Putin leo thang và sử dụng luận điệu hạt nhân, phương Tây đừng nên cảm thấy bị đe dọa. Bởi điều đó sẽ nhắc nhở Nga về quy tắc vô hình của cuộc chiến: rằng không bên nào muốn biến cuộc chiến thông thường này thành cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa NATO và Nga . Leo thang hạt nhân sẽ vi phạm quy tắc đó và có thể dẫn đến sự can dự của NATO, gieo rắc thảm họa cho tất cả mọi người.

Những thành công của Ukraine đã mở ra một con đường vững chắc nhằm xây dựng một Ukraine quá mạnh khiến Nga không thể tấn công trong tương lai. Đó là một thành tựu đáng kể. Câu hỏi chưa được giải đáp là Putin sẽ cố gắng quản lý vị trí của quân đội Nga như thế nào, với mục đích quân sự gì và với thông điệp chính trị nào. Nếu từ bỏ cuộc chiến, ông sẽ phải tái sinh chính mình về mặt chính trị. Nếu ra lệnh động viên, ông sẽ phải tái sinh lại nước Nga mà ông đã tạo ra kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2000; một nước Nga được cứu rỗi khỏi sự hỗn loạn của những năm 1990; một nước Nga với tầng lớp trung lưu ổn định, hướng tới tiêu dùng; một nước Nga nơi mà cuộc sống riêng tư xa rời chính trị là một thú tiêu khiển thú vị. Bằng cách phát động xâm lược, Putin nghĩ rằng mình sẽ đẩy Ukraine của Zelensky xuống vực thẳm. Trên thực tế, ông có thể đã làm điều đó với chính chế độ của mình.

Liana Fix là Giám đốc Các vấn đề Quốc tế tại Quỹ Körber và là cựu nghiên cứu viên thường trú của Quỹ German Marshall, ở Washington, D.C.

Michael Kimmage là Giáo sư Lịch sử tại Đại học Công giáo Mỹ và là Nghiên cứu viên khách mời của Quỹ German Marshall. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông phục vụ trong Nhóm Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nơi ông phụ trách khu vực Nga/Ukraine.