Sáng kiến An ninh Toàn cầu: Quân cờ của Tập trên bàn cờ của Mỹ

Nguồn: Pak Yiu, “China’s Global Security Initiative: Xi’s wedge in the U.S.-led order,” Nikkei Asia, 01/11/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chương trình lớn tiếp theo của Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực chọn phe và hợp lý hóa cuộc chiến Ukraine.

Bài phát biểu dài gần hai giờ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước hơn 2.000 đại biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản năm nay chứa đầy những điệp khúc quen thuộc. Tuy nhiên, lần đầu tiên báo cáo công tác đề cập đến Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), báo hiệu một chủ đề quan trọng trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ của ông.

“Một nhà triết học Trung Quốc cổ đại đã nhận xét rằng ‘các sinh vật khác nhau có thể cùng tồn tại mà không gây hại cho nhau, và các con đường khác nhau có thể chạy song song mà không ảnh hưởng đến nhau,” Tập nói trong báo cáo của mình. “Chỉ khi tất cả các quốc gia cùng theo đuổi lợi ích chung, chung sống hòa thuận và hợp tác vì lợi ích chung, thì mới có thịnh vượng bền vững và an ninh mới được đảm bảo.”

Theo Tập, “dựa trên tinh thần này,” Trung Quốc đã đề xuất GSI.

Nhưng GSI là gì?

Cũng như các chương trình toàn cầu khác của Trung Quốc – Sáng kiến Vành đai và Con đường để xây dựng cơ sở hạ tầng, và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu để giúp các quốc gia mới nổi đối phó với đói nghèo và các thách thức khác – GSI được mô tả rườm rà nhưng lại thiếu các chi tiết cụ thể. Khi công bố sáng kiến này tại Diễn đàn Bát Ngao ở Thượng Hải hồi tháng 4, Tập cho biết GSI sẽ cung cấp một khuôn khổ những nguyên tắc cho các vấn đề toàn cầu và ngoại giao, nhằm giúp thế giới trở thành một nơi an toàn hơn.

Trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, GSI được mô tả là “một hàng hóa công toàn cầu khác do Trung Quốc cung cấp,” thứ sẽ “mang đến giải pháp và trí tuệ của người Trung Quốc để giải quyết các thách thức an ninh mà nhân loại đang phải đối mặt.” Trong khuôn khổ GSI, các nhà lãnh đạo và ngoại giao Trung Quốc sẽ đề cập đến các vấn đề an ninh theo nghĩa rộng nhất – không chỉ là quốc phòng mà còn là lương thực, khí hậu, chuỗi cung ứng, internet, thương mại và năng lượng.

Các chuyên gia tin rằng dù sáng kiến mới còn rất mơ hồ, nhưng nó không phải là không quan trọng.

Jacob Stokes, nghiên cứu viên cấp cao của Chương trình An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Mỹ Mới, nhận định rằng: Đối với châu Á, “đây thực chất là việc đề xuất một kiến trúc an ninh thay thế tại khu vực, một hệ thống khác với hệ thống truyền thống, hay hệ thống liên minh và đối tác của Mỹ hậu Thế chiến 2.”

Các chuyên gia tin rằng Bắc Kinh đang hướng đến việc chính thức hóa các nỗ lực và các mối quan hệ liên quan đến an ninh mà họ đã theo đuổi trong nhiều năm qua thành một khái niệm duy nhất. Không chỉ vậy, các học giả còn coi GSI là sự phản ánh cách Tập Cận Bình và cấp dưới của ông nhìn nhận thế giới.

Theo quan điểm của Trung Quốc, “hiện có một mối quan ngại lớn là thế giới không được an toàn,” Henry Wang, giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở ở Bắc Kinh cho biết.

Nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, chắc chắn sẽ đồng ý với quan điểm này. Sự khác biệt nằm ở chỗ ai là người chịu trách nhiệm cho sự bất ổn đó và phải làm gì với nó.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gọi Trung Quốc là “thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế.” Về phần mình, Trung Quốc lại cho rằng chính Mỹ và các đồng minh mới là “kẻ gây ra bất ổn.” Và dường như họ đang có ý định sử dụng GSI để truyền bá quan điểm này ra khắp khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và xa hơn là châu Phi và Nam Mỹ.

Một cảnh sát đứng bên ngoài Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh trước đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 16/10. Từ Trung Á đến quần đảo Solomon, Trung Quốc đang tích cực đề nghị hỗ trợ đào tạo lực lượng chấp pháp. © Reuters

Dù chỉ mới được đặt tên gần đây, nhưng ý tưởng về GSI đã có nền móng từ nhiều năm trước, khi Bắc Kinh tìm cách tạo ra một “cộng đồng chung vận mệnh,” lần đầu tiên được đề cập trong báo cáo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trước đại hội đảng năm 2012.

“Họ đã cẩn thận xây dựng trật tự cơ bản mới của châu Á, tiếp đến là trật tự toàn cầu. Ngay từ thời điểm đó, họ đã đặt ra các nguyên tắc cơ bản, rồi mới bổ sung thêm các chi tiết khi quá trình tiếp tục,” David Arase, giáo sư chính trị quốc tế tại Trung tâm Hopkins-Nam Kinh, thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, nhận xét.

Giờ đây, Bắc Kinh đã xác định rõ “sáu cam kết,” như Ngoại trưởng Vương Nghị giải thích hồi tháng 4. Chúng bao gồm: cam kết đảm bảo an ninh toàn diện, hợp tác, và bền vững; tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc; nghiêm túc công nhận các mối quan ngại an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia; giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại; duy trì an ninh trong các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống.

Tất cả những điều này, theo Vương, “sẽ cải thiện và thậm chí vượt xa lý thuyết an ninh địa chính trị của phương Tây.”

Việc Bắc Kinh ủng hộ Nga và từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine dường như mâu thuẫn với một vài trong số các cam kết này. Nhưng trong khuôn khổ sáu cam kết, Trung Quốc cũng thúc đẩy khái niệm “an ninh không tách rời” (indivisible security).

Vương nói, “An ninh của một quốc gia không nên được trả với cái giá là an ninh của những quốc gia khác, và an ninh của một khu vực không thể được đảm bảo bằng cách tăng cường hoặc thậm chí mở rộng các khối quân sự.”

Điều này phù hợp với lời biện minh của Nga cho cuộc chiến. Thật vậy, chính Putin đã sử dụng thuật ngữ “an ninh không tách rời” trong bài phát biểu thông báo về cuộc xâm lược hồi tháng 2. Các chuyên gia ngoại giao cho rằng, GSI giúp Trung Quốc chính danh hóa lập luận rằng Mỹ và NATO chính là kẻ đã kích động cuộc chiến ở Ukraine.

Bắc Kinh đang tìm kiếm sự ủng hộ ở khắp mọi nơi, khai thác sự bất mãn âm ỉ đối với hệ thống quản trị toàn cầu. Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 6, Tập đã kêu gọi những người đồng cấp Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi cộng tác với Trung Quốc “để vận hành GSI, mang lại sự ổn định và năng lượng tích cực hơn cho thế giới.”

Theo các bài báo của Trung Quốc, vào tháng trước, Vương Nghị đã nhận được phản hồi tích cực từ Ngoại trưởng Uruguay, người cho biết GSI “cực kỳ nhất quán” với triết lý chính sách đối ngoại của đất nước ông, và từ Ngoại trưởng Nicaragua, người cho biết đất nước ông muốn tham gia sáng kiến này.

Các đại sứ Trung Quốc cũng xuất hiện trên báo chí địa phương để ủng hộ GSI, từ Sunday Nation của Kenya đến Solomon Star của Quần đảo Solomon, mô tả GSI như “một khái niệm an ninh mới có thể thay thế sự đối đầu và tư duy trò chơi có tổng bằng không bằng đối thoại, quan hệ đối tác, và kết quả đôi bên cùng có lợi.”

Một xu hướng mà các nhà quan sát Trung Quốc tiên đoán sẽ xuất hiện trong khuôn khổ GSI là sự phổ biến của các hoạt động chấp pháp và an ninh theo kiểu Trung Quốc.

Camera giám sát ở Hong Kong. Trung Quốc đang xuất khẩu thiết bị mà họ sử dụng để giám sát dân số của mình. © Reuters

Vào tháng 10, một nhóm gồm 32 sĩ quan cảnh sát từ Quần đảo Solomon đã bay đến Trung Quốc để học các kỹ thuật trị an. Trung Quốc cũng cho biết họ sẽ xây dựng một khu huấn luyện của lực lượng chấp pháp ở Tajikistan, sau khi Tập đề nghị đào tạo hàng nghìn sĩ quan và thành lập căn cứ hướng dẫn chống khủng bố cho các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Trung Quốc cũng đang xuất khẩu thiết bị mà họ sử dụng để giám sát và kiểm soát dân số của mình, làm dấy lên lo ngại rằng các chính phủ khác có thể tái tạo hình thức đàn áp và giám sát đã được chứng kiến ở những nơi như Tân Cương và Hong Kong.

Hơn 3 triệu camera an ninh do công ty Hikvision của Trung Quốc cung cấp đang được kết nối Internet 24/7 tại 33.000 thành phố trên thế giới. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc khác như Huawei đã cung cấp các gói sản phẩm “thành phố thông minh” tại hơn 160 quốc gia và khu vực.

Stokes nhận định, “Điều cốt lõi là sử dụng những công cụ đó cùng với bộ máy an ninh của nhà nước để đảm bảo an ninh và sự ổn định của các chế độ.”

Ông nói thêm, một mục tiêu khác của GSI là tạo ra lá chắn chống lại các lệnh trừng phạt. Trung Quốc luôn kịch liệt phản đối việc các nước phương Tây sử dụng các hình phạt kiểu này. Và sau khi cuộc xâm lược Ukraine kích hoạt một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, Bắc Kinh đã cẩn trọng hơn và muốn làm cho nền kinh tế của mình bền bỉ hơn.

Dù GSI vẫn còn sơ khai, Manoj Kewalramani, giám đốc điều hành Chương trình Nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Viện Takshashila ở Ấn Độ, dự đoán Trung Quốc sẽ tìm cách tăng cường an ninh tài chính. Đồng thời, ông cũng cho rằng GSI còn liên quan đến một số lĩnh vực khác. “Bất cứ điều gì liên quan đến an ninh lương thực, bất kỳ loại hình thỏa thuận nào mà [Trung Quốc] có thể đạt được, cho dù đó là về đất đai hay hạt giống – bất kỳ thỏa thuận hợp tác nào trong số đó,” ông nói. “Một lĩnh vực khác nữa là năng lượng.”

Trung Quốc đã bao hàm mọi thứ trong khái niệm “an ninh quốc gia toàn diện” – gồm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, an ninh mạng, môi trường, tài nguyên, công nghệ hạt nhân và các lợi ích ở nước ngoài. “Họ đang xuất khẩu tầm nhìn đó, rằng mọi thứ phải được nhìn nhận qua lăng kính an ninh hóa,” Kewalramani nói.

Chẳng hạn, Trung Quốc “sẽ không nhìn quản trị không gian mạng từ góc độ quyền cá nhân, quyền riêng tư, chia sẻ dữ liệu, quyền doanh nghiệp,” ông nhận xét. “Về cơ bản, họ đang nói rằng đây là vấn đề thuộc về chủ quyền.”

Kewalramani tin rằng, qua các lý lẽ và lập luận này, Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập các chuẩn mực mới và áp dụng bộ máy an ninh quốc gia đối nội của mình vào chính sách đối ngoại.

Máy bay Mỹ và Nhật tiến hành một cuộc tập trận. “Rõ ràng là, về mặt chiến lược hoặc an ninh, khu vực vẫn tin tưởng Mỹ nhiều hơn tin tưởng Trung Quốc,” một chuyên gia nhận định. © Reuters

Các mối quan hệ ngoại giao phức tạp của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các nước láng giềng, có thể khiến GSI trở thành một ý tưởng khó quảng bá. Bắc Kinh đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông. Còn Mỹ lại có một mạng lưới quan hệ quân sự rộng lớn và sẽ không dễ gì bị phá bỏ. Nhiều quốc gia trong khu vực có thể tỏ ra e ngại trước phản ứng hung hăng của Trung Quốc đối với chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8, vốn bị Bắc Kinh đáp trả bằng các cuộc tập trận quân sự chưa từng có.

Tiếp đến là vấn đề Ấn Độ.

Kewalramani nói, “Bắc Kinh luôn coi Ấn Độ là một mối đe dọa – không phải mối đe dọa đến sự sống còn, mà là mối đe dọa theo kiểu một kẻ phá hoại tiềm năng trong khu vực, có thể dẫn đến sự kiềm chế Trung Quốc.”

Tuy nhiên, một Trung Quốc ngày càng tự tin sẽ thúc đẩy quan điểm thay thế của riêng mình. Các nhà phân tích chính trị cho rằng những lập luận của Trung Quốc và hành vi ác quỷ hóa nước Mỹ không nên bị coi là những khẩu hiệu sáo rỗng.

Arase của Trung tâm Hopkins-Nam Kinh nhận xét, “Nếu bạn xem xét các mối quan hệ quốc phòng và an ninh, hợp tác của Mỹ ở khu vực [Châu Á], chúng rất toàn diện. Rõ ràng là, về mặt chiến lược hoặc an ninh, khu vực vẫn tin tưởng Mỹ nhiều hơn tin tưởng Trung Quốc. Nhưng bạn sẽ không biết được điều đó nếu chỉ nghe những gì Trung Quốc nói về GSI.”

Ông cho rằng điều nguy hiểm là khi luận điệu đó không được phản hồi. Phần lớn thế giới đều biết là Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng “thực sự có một khoảng trống, hoặc sự thiếu hụt, các lập luận phản biện, một phần vì không ai muốn đặt câu hỏi về lập luận của Trung Quốc,” Arase nói thêm.

Khi sự khác biệt Mỹ-Trung ngày càng mở rộng, nhiều quốc gia đã cảm thấy mình buộc phải chọn phe. GSI có thể làm tăng áp lực đó khi Bắc Kinh yêu cầu những quốc gia khác phải tuân theo thế giới quan của họ.

“Trong hai, ba, bốn năm tới, nhiều khả năng sự lựa chọn của các quốc gia trong khu vực sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều,” Kewalramani nói. “Tôi nghĩ sẽ hữu ích cho họ khi có những cuộc thảo luận trong nước và thảo luận với nhau, để xác định xem điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với lựa chọn của họ trong tương lai.”