Chuyển động Quốc Phòng (30/12 – 5/1/2023)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

Chuyên mục Phân tích:

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Ukraine bác bỏ đề xuất ngừng bắn 36 giờ của Putin

Tổng thống Putin đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga thực thi một lệnh ngừng bắn tạm thời 36 giờ trong tuần này nhân dịp lễ Giáng sinh của những người theo Chính thống giáo. Các quan chức Ukraine đã bày tỏ nghi ngờ về tuyên bố này, cho rằng Nga đang câu giờ để có thể huy động thêm quân dự bị, vũ khí và đạn dược. Cố vấn của ông Zelenskyy, Mykhailo Podolyak, cho rằng Nga phải từ bỏ và rút ra khỏi các vùng chiếm đóng trước khi thực thi bất kỳ “thỏa thuận tạm thời” nào.

Xem thêm tại: CNN, Kyiv dismisses Putin’s call for 36-hour ceasefire in Ukraine as ‘hypocrisy’, truy cập 6/1/2023

Nga lên kế hoạch thực hiện chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái để ‘vắt kiệt’ Ukraine

Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, Nga đang lên kế hoạch cho một chiến dịch oanh tạc và tấn công trên không kéo dài bằng máy bay không người lái do Iran sản xuất nhằm “làm kiệt sức” Ukraine. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga tấn công Kyiv và các thành phố khác vào đêm giao thừa và đầu ngày đầu năm mới. Trước đó Thủ đô Ukraine và các thành phố khác đã hứng chịu hỏa lực từ tên lửa và máy bay không người lái do Iran sản xuất hôm thứ Bảy, khiến ba người thiệt mạng, và một cuộc tấn công mới vào Chủ nhật đã giết chết một người ở khu vực phía nam Zaporizhzhia. TT Zelenskyy cho biết các lực lượng Ukraine đã bắn rất nhiều máy bay không người lái chỉ trong hai ngày đầu tiên của năm 2023 và ông dự đoán con số này có thể sớm tăng lên. Kyiv một lần nữa rung chuyển bởi một cuộc không kích vào sáng thứ Hai, với việc chính quyền quân sự của thành phố ra lệnh cho cư dân ngay sau 1 giờ sáng giờ địa phương phải rút lui tới các hầm tránh bom.

Xem thêm tại: SCMP, Ukraine war: Russian drones target Kyiv after New Year aerial assaults. Truy cập ngày 2/1/2023; Al Jazeera, Russia plans drone air campaign to ‘exhaust’ Ukraine: Zelenskyy. Truy cập ngày 4/1/2023

Nga bày tỏ ‘quan ngại sâu sắc’ sau vụ tên lửa Ukraine rơi xuống Belarus

Nga bày tỏ quan ngại sâu sắc về một tên lửa phòng không của Ukraine đã rơi xuống Belarus. Chính quyền ở Minsk, ban đầu coi thường vụ việc, sau đã áp dụng giọng điệu cứng rắn hơn nhiều. Những tuyên bố của ông Putin làm dấy lên mối lo ngại rằng Moscow đang tìm cách lôi kéo Minsk trực tiếp tham gia vào cuộc chiến với Ukraine. Hôm thứ Năm, chính quyền Belarus ban đầu phản ứng nhẹ nhàng sau khi nói rằng lực lượng của họ đã bắn hạ một tên lửa từ hệ thống phòng không S-300 của Ukraine.

Xem thêm tại: WSJ, Russia Expresses ‘Extreme Concern’ After Ukrainian Missile Lands in Belarus. Truy cập ngày 31/12/2022

Nga tìm cách tăng cường quan hệ quân sự với Trung Quốc

Tổng thống Vladimir Putin nói với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình rằng mối quan hệ của Nga với Trung Quốc là tốt nhất trong lịch sử, đồng thời cho biết Moscow sẽ tìm cách tăng cường hợp tác quân sự với Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện vào thứ Sáu và Putin cho biết ​​ông Tập dự kiến sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Moscow vào năm 2023. Nếu chuyến thăm diễn ra, đây sẽ là một sự thể hiện tình đoàn kết công khai của Bắc Kinh trong bối cảnh Moscow đang có chiến dịch quân sự rầm rộ ở Ukraina. Phát biểu trong khoảng 8 phút, ông Putin cho biết quan hệ Nga-Trung đang ngày càng trở nên quan trọng như một yếu tố ổn định và ông muốn tăng cường hợp tác quân sự giữa hai nước.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Russia seeks to strengthen military ties with China. Truy cập ngày 31/12/2022

Putin đưa tàu chiến trang bị tên lửa siêu thanh vào trực chiến

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai tàu khu trục Đô đốc Gorshkov được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh tân tiến Zircon tới Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương nhằm phô trương sức mạnh quân sự khi cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp diễn. Tàu khu trục này có khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác và mạnh mẽ chống lại kẻ thù trên biển và trên đất liền và các tên lửa siêu thanh trên tàu có thể vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa với tầm bắn hơn 1.000 km. Nga đã phóng thử tên lửa Zircon từ tàu chiến và tàu ngầm trong năm ngoái khi cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh nóng lên với sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Putin puts warship armed with hypersonic missiles on combat duty. Truy cập ngày 5/1/2023

Ukraine tấn công lực lượng Nga ở Donbas trong cuộc tấn công nguy hiểm nhất trong nhiều tháng

Lực lượng Ukraine đã sử dụng hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp để phá hủy một cơ sở được sử dụng làm căn cứ cho quân đội Nga ở thành phố Makiivka và đã giết chết hàng chục binh sĩ, gây áp lực lên giới lãnh đạo quân sự của Moscow, trong khi Ukraine cho biết họ đã bắn hạ ít nhất 39 máy bay không người lái trong một đợt tấn công khác về các cuộc tấn công vào Kyiv. Các quan chức Ukraine đã không xác nhận vụ tấn công. Nhưng các lực lượng vũ trang của Ukraine cho biết 400 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và 300 người bị thương tại trường học.

Xem thêm tại: WSJ, Ukraine Strikes Russian Forces in Donbas in Deadliest Attack in Months. Truy cập ngày 3/1/2023

Ukraine nhận thêm xe bọc thép từ phương Tây đồng thời yêu cầu thêm xe tăng

Đại sứ Đức tại Mỹ Emily Haber cho biết Đức sẽ chuyển giao các phương tiện chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine, đồng thời sẽ cùng với Mỹ cung cấp thêm một hệ thống phòng không Patriot cho Kyiv. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó nói rằng Paris sẽ gửi xe chiến đấu bọc thép hạng nhẹ AMX-10 RC để hỗ trợ cho nỗ lực phòng thủ của Ukraine. Trong khi đây sẽ là những chiếc xe bọc thép đầu tiên của phương Tây được giao cho Ukraine, thì hồi tháng 10 Úc cho biết mình đã trao cho Kiev 90 chiếc xe bọc thép cơ động Bushmaster được tăng cường khả năng chống mìn, vũ khí hạng nhẹ và các mối đe dọa khác. Tổng thống Joe Biden cho biết Washington đang xem xét gửi xe bọc thép Bradley tới Ukraine. Tuy nhiên, động thái của ông Biden sẽ không bao gồm xe tăng Abrams mà Ukraine đã yêu cầu. Kiev đã nhiều lần yêu cầu  đồng minh phương Tây cung cấp các phương tiện chiến đấu hạng nặng hơn như Abrams và xe tăng Leopard do Đức sản xuất.

Xem thêm tại: Reuters, Ukraine to get more armoured vehicles but presses for tanks to fight Russia. Truy cập ngày 5/1/2022

 

Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương:

Máy bay chiến đấu Trung Quốc bay cách máy bay do thám Mỹ 6 mét

Vào ngày 21 tháng 12, một phi công chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc đã thực hiện một thao tác “không an toàn” khi chặn một máy bay RC-135 của Không quân Mỹ. Đoạn phim ghi lại cuộc chạm trán cho thấy chiến đấu cơ Trung Quốc bay cách mũi chiếc máy bay giám sát trong phạm vi vài mét, một động tác mà Mỹ cho rằng đã buộc phi công của họ phải thực hiện các biện pháp “lẩn tránh” để tránh va chạm. Mỹ cho biết máy bay của mình bay “hợp pháp” trong khi tiến hành các hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế. Trong những tháng gần đây, các phi công máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bị cáo buộc bay gần máy bay của một số đồng minh Mỹ, đang tuần tra các địa điểm nhạy cảm về địa chính trị trong khu vực.

Xem thêm tại: Al Jazeera, China fighter jet flew within six metres of US surveillance plane. Truy cập ngày 30/12/2022

Siêu tàu sân bay mới của Trung Quốc sẽ sớm tiến hành các cuộc thử nghiệm trên biển đầu tiên

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước, sĩ quan điều hành cho biết tàu sân bay mới khổng lồ Phúc Kiến của hải quân Trung Quốc dự kiến ​​sẽ ra khơi lần đầu tiên trong năm nay. Trong một báo cáo về cuộc phỏng vấn được tờ China Daily của nhà nước đăng tải hôm thứ Ba, Đại úy Qian Shumin không đưa ra ngày chính xác khi nào hàng không mẫu hạm sẽ thực hiện chuyến du ngoạn trên biển đầu tiên. Phúc Kiến là tàu chiến lớn nhất mà Trung Quốc từng chế tạo, với lượng dãn nước 80,000 tấn. Tàu sân bay này lớn hơn 50% so với hai tàu sân bay đang hoạt động hiện tại của Trung Quốc và sử dụng hệ thống máy phóng điện từ, thứ mà Mỹ chỉ có trên tàu sân bay mới nhất đang hoạt động, USS Gerald Ford. Phúc Kiến giúp Hải quân Trung Quốc bước vào hàng ngũ các nước sở hữu siêu tàu sân bay.

Xem thêm tại: CNN, China’s new supercarrier will soon undergo first sea trials, officer says. Truy cập ngày 4/1/2022

Trung Quốc thăng chức tướng Lý Kiều Minh làm tư lệnh lục quân PLA

Tướng Lý Kiều Minh (Li Qiaoming), người trước đây là chỉ huy chủ chốt tại biên giới giáp với Triều Tiên và Nga, đã được bổ nhiệm làm chỉ huy mới của lực lượng mặt đất của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Ông Lý, 61 tuổi, xuất hiện lần đầu tiên trên cương vị mới vào thứ Ba, ba tháng sau khi thôi giữ vai trò chỉ huy Chiến khu Bắc bộ. Ông Lý sẽ thay Tướng Lưu Chân Lập (Liu Zhenli) 58 tuổi, người từng là chỉ huy lực lượng mặt đất từ ​​tháng 6 năm 2021 đến tháng 12 năm 2022, nay được bổ nhiệm làm tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Việc ông Lí và Lưu lên nắm quyền được coi là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn đưa các nhà lãnh đạo tương đối trẻ hơn vào các vị trí trọng điểm.

Xem thêm tại: SCMP, China promotes General Li Qiaoming to commander of PLA ground force. Truy cập ngày 5/1/2022

Một bộ phận quan trọng của tên lửa chống hạm tiên tiến của Đài Loan được bảo dưỡng ở Trung Quốc

Viện Khoa học và Công nghệ Trung Sơn vào Thứ tư khẳng định rằng một cấu phần quan trọng – máy kinh vĩ, một bộ phận quang học chính xác – của tên lửa chống hạm Hùng Phong III đã được gửi tới Sơn Đông để sửa chữa. Đơn vị này củng phủ nhận việc các dữ liệu quan trọng có thể bị rò rỉ. Viện Trung Sơn cho biết máy kinh vĩ được nhập khẩu từ công ty Leica của Thụy Sỹ vào năm 2021 và được gửi lại cho công ty này để bảo trì gần đây. Các thẻ lưu trữ bộ nhớ của máy kinh vĩ đã được lấy ra trước khi gửi cho Leica, và Viện Trung Sơn đã yêu cầu thiết bị này được gửi về Thụy Sỹ chứ không phải Trung Quốc. Leica giải thích rằng trung tâm bảo trì ở Châu Á của công ty được đặt ở Thanh Đảo nên máy kinh vĩ đã được gửi tới đây.

Sự kiện này cho thấy rõ sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Một tờ báo Đài Loan cũng cho rằng một số chip bán dẫn made in China hiện đang được sử dụng bởi Viện Trung Sơn cho một số hệ thống giám sát.

Xem thêm tại: SCMP, Part of Taiwan’s most advanced anti-ship missile sent to mainland China for repairs, truy cập 6/1/2023

Mỹ nói quân đội Đài Loan vẫn theo chiến lược chiến tranh thông thường

Một phái đoàn quân sự Mỹ đến thăm Đài Loan vào tháng trước thấy rằng quân đội Đài Loan tiếp tục đi theo hiến lược chiến tranh thông thường. Phái đoàn có nhiệm vụ đánh giá quân đội của hòn đảo này và xác định những gì quân đội nước này có thể đạt được từ sự hợp tác sâu sắc hơn với các đối tác Mỹ. Chuyến đi diễn ra khi Đài Loan gia hạn nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ bốn tháng lên một năm, như một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ để ngăn ngừa một cuộc tấn công của Trung Quốc. Các nhà phân tích quân sự đã coi cải cách nghĩa vụ quân sự không gì khác hơn là một biện pháp khẩn cấp để giải quyết số lượng tuyển quân thấp mà việc chuyển đổi sang lực lượng tình nguyện không thể khắc phục được

Xem thêm tại: Taiwan News, Taiwan military still follows conventional war strategy: US military. Truy cập ngày 4/1/2023

TT Biden tiếp đón TT Nhật Kishida để bàn về quốc phòng, kinh tế

Hôm thứ Tư vừa qua, Nhà Trắng đã thông báo rằng Biden sẽ tổ chức các cuộc tham vấn kinh tế và an ninh cho Kishida vào ngày 13 tháng 1. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết cuộc họp sẽ bao gồm các cuộc thảo luận về các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên, trong bối cảnh lo ngại về khả năng một vụ thử hạt nhân khác của nước này. Cũng trong chương trình nghị sự: các vấn đề kinh tế, cuộc xâm lược Ukraine của Nga, biến đổi khí hậu và sự ổn định tại eo biển Đài Loan. Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đã cam kết tăng cường liên minh giữa Nhật Bản với Mỹ dựa theo chính sách quốc phòng mới của Nhật Bản, phá vỡ lập trường chỉ mang tính chất tự vệ trước tình hình căng thẳng trong khu vực.

Xem thêm tại: Diplomat, Biden to Host Japan’s Kishida for Talks on Defense, Economy. Truy cập ngày 5/1/2023

TT Biden nói Mỹ không thảo luận tập trận hạt nhân với Hàn Quốc

Tổng thống Joe Biden cho biết hôm thứ Hai Mỹ không thảo luận về các cuộc tập trận hạt nhân chung với Hàn Quốc, mâu thuẫn với nhận xét của người đồng cấp Hàn Quốc khi căng thẳng bùng phát với Triều Tiên. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã nói rằng Seoul và Washington đang thảo luận về các cuộc tập trận chung có thể sử dụng khí tài hạt nhân của Mỹ, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gọi Hàn Quốc là kẻ thù không thể nghi ngờ. Thomas Countryman, cựu quyền thứ trưởng bộ ngoại giao về kiểm soát vũ khí cho biết Mỹ từ lâu đã có một cuộc đối thoại răn đe mở rộng với Nhật Bản để nói về các vấn đề hạt nhân và đã khởi xướng cuộc đối thoại tương tự với Hàn Quốc vào năm 2016. Thuật ngữ “răn đe mở rộng” là khả năng của quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng hạt nhân, nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công vào các đồng minh của Mỹ.

Xem thêm tại: Reuters, Biden says U.S. not discussing nuclear exercises with South Korea. Truy cập ngày 3/1/2023

Manila, Bắc Kinh lập ‘đường dây nóng’ về tranh chấp biển đảo

Để ngăn chặn sự leo thang tranh chấp hàng hải giữa Philippines và Trung Quốc, Bộ Ngoại giao (DFA) Philippines sẽ chính thức hóa kênh liên lạc trực tiếp với người đồng cấp Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. tới Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Biển Tây Philippines, vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 370 km của nước này, cùng với các mỏ dầu khí ngoài khơi tiềm năng và ngư trường truyền thống. Tranh chấp về các vùng biển này đã và đang làm xấu đi mối quan hệ giữa gã khổng lồ kinh tế châu Á và Philippines, một đồng minh hiệp ước hàng thập kỷ của Mỹ, đối thủ chính của Trung Quốc.

Xem thêm tại: Inquirer, Manila, Beijing to set up ‘hotline’ on maritime row. Truy cập ngày 30/12/2022

Triều Tiên phóng 3 tên lửa đạn đạo về phía vùng biển Nhật Bản

Triều Tiên đã bắn ba tên lửa đạn đạo tầm ngắn về phía Biển Nhật Bản, cả ba tên lửa đều được bắn đi từ vùng ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng và đạt độ cao 100 km và bay xa khoảng 350 km. Các tên lửa đã rơi xuống Biển Nhật Bản nhưng rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc xác nhận vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và cho biết quân đội đang theo dõi tình hình. Các vụ phóng hôm thứ Bảy đã bổ sung vào danh sách khoảng 70 tên lửa đạn đạo của Triều Tiên – bao gồm khoảng 8 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) – được bắn trong suốt cả năm, nhiều nhất từ ​​trước đến nay khi Bình Nhưỡng đã chính thức công bố kế hoạch hiện đại hóa khả năng quân sự của mình. Đây là phản ứng trước sự khiêu khích của Hàn Quốc và đồng minh chủ chốt của nước này là Mỹ. Vụ phóng hôm thứ Bảy cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi Triều Tiên bị cáo buộc triển khai máy bay không người lái vào không phận Hàn Quốc lần đầu tiên kể từ năm 2017, khiến Seoul triển khai máy bay chiến đấu và trực thăng để bắn hạ chúng.

Xem thêm tại: Al Jazeera, North Korea fires 3 ballistic missiles towards Sea of Japan. Truy cập ngày 31/12/2022

Kim ra lệnh ‘tăng theo cấp số nhân’ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kêu gọi tăng sản lượng đầu đạn hạt nhân theo cấp số nhân và ra lệnh phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới để đối phó với Mỹ và Hàn Quốc. Trong những bình luận của mình tại một cuộc họp quan trọng của Đảng Lao động cầm quyền, Kim đã cáo buộc Washington và Seoul thực hiện âm mưu cô lập và bóp nghẹt Triều Tiên. Lời kêu gọi của ông Kim nêu bật tầm quan trọng và sự cần thiết của việc sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ông cũng ra lệnh sản xuất một loại ICBM mới với khả năng phản công hạt nhân nhanh chóng. Ông Kim cho biết Triều Tiên có kế hoạch sớm phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Kim orders an ‘exponential increase’ in N Korea’s nuclear arsenal. Truy cập ngày 1/1/2023

Quan chức quân sự số 2 của Triều Tiên Pak Jong-chon bị thay thế

Truyền thông nhà nước đưa tin Triều Tiên đã sa thải Pak Jong-chon, quan chức quân sự quyền lực thứ hai sau nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Pak, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Lao động cầm quyền và là Bí thư của Ủy ban Trung ương đảng, đã bị thay thế bởi Ri Yong-gil tại cuộc họp thường niên của ủy ban vào tuần trước, hãng thông tấn chính thức KCNA cho biết hôm Chủ nhật. Không có lý do cho sự thay đổi đã được đưa ra. Bình Nhưỡng thường xuyên thay đổi bộ máy lãnh đạo và buổi họp mặt cuối năm thường được sử dụng để thông báo về việc cải tổ nhân sự và các quyết định chính sách lớn. Việc thay thế ông Pak diễn ra khi ông Kim kêu gọi phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới và kho vũ khí hạt nhân lớn hơn để chống lại Mỹ và Hàn Quốc, đây là chìa khóa cho chiến lược phòng thủ năm 2023 của quốc gia bị cô lập này.

Xem thêm tại: SCMP, North Korea’s No 2 military official Pak Jong-chon replaced. Truy cập ngày 2/1/2023

Hàn Quốc cảnh báo về việc chấm dứt hiệp ước quân sự sau khi máy bay không người lái của Triều Tiên xâm nhập

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm thứ Tư cho biết ông sẽ xem xét đình chỉ hiệp ước quân sự liên Triều năm 2018 nếu Triều Tiên vi phạm không phận một lần nữa. Ông Yoon đưa ra bình luận sau khi được thông báo về các biện pháp đối phó với máy bay không người lái của Triều Tiên xâm nhập vào Hàn Quốc vào tuần trước, kêu gọi xây dựng khả năng phản ứng áp đảo vượt mức tương xứng. Thỏa thuận năm 2018 được ký kết bên lề hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, kêu gọi ngừng “mọi hành động thù địch”, tạo vùng cấm bay quanh biên giới, và gỡ bỏ bom mìn và các chốt bảo vệ trong khu phi quân sự được củng cố nghiêm ngặt.

Xem thêm tại: Reuters, South Korea’s Yoon warns of ending military pact after North drone intrusion. Truy cập ngày 4/1/2023

Máy bay không người lái quân sự Trung Quốc bay gần đảo Nhật Bản, khiến Tokyo điều máy bay chiến đấu

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết họ đã phát hiện một máy bay không người lái của quân đội Trung Quốc bay trên vùng biển giữa các đảo Okinawa và Miyakojima ở tây nam Nhật Bản vào ngày đầu năm mới. Bộ cho biết chiếc máy bay trinh sát không người lái mà Tokyo xác định là máy bay không người lái WZ-7, đã bay từ Biển Hoa Đông, đi qua giữa các đảo của Nhật Bản trên đường tới Thái Bình Dương, sau đó quay trở lại theo cùng lộ trình khi nó đi về hướng Tây vào ngày Chủ nhật. Trong khi máy bay không người lái không đi vào không phận Nhật Bản, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã triển khai các máy bay chiến đấu của mình để đáp trả. Bộ quốc phòng Nhật nói thêm rằng sẽ tiếp tục tuần tra và giám sát vì có khả năng quân đội Trung Quốc đang sử dụng máy bay không người lái nhằm tăng cường khả năng hoạt động của mình.

Xem thêm tại: SCMP, Chinese military drone flies near Japanese islands, prompting Tokyo to scramble fighter jets. Truy cập ngày 2/1/2023

Nhật Bản phát triển tên lửa tầm xa 3.000 km, triển khai vào năm 2030

Chính phủ Nhật đang tìm cách triển khai một tên lửa có tầm bắn 2.000 km vào đầu những năm 2030 và một tên lửa siêu thanh có tầm bắn 3.000 km có thể vươn tới bất cứ nơi nào ở Triều Tiên và một số khu vực của Trung Quốc vào khoảng năm 2035. Nhật Bản trong tháng này đã công bố kế hoạch xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai với kế hoạch trị giá 320 tỷ USD nhằm mua tên lửa có khả năng tấn công Trung Quốc và chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc xung đột kéo dài, khi căng thẳng khu vực và cuộc xâm lược Ukraine của Nga làm dấy lên lo ngại chiến tranh.

Xem thêm tại: Reuters, Japan to develop 3,000-km long-range missiles, deploy in 2030s, Kyodo reports. Truy cập ngày 1/1/2022

Nhật Bản muốn thành lập liên doanh và chia sẻ quy trình lắp ráp máy bay chiến đấu với Anh, Ý

Theo các quan chức của Mitsubishi Heavy Industries (MHI), một trong những nhà thầu chính của chương trình, máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo do Nhật Bản, Anh và Ý lên kế hoạch có thể được phát triển thông qua một liên doanh và được chế tạo tại nhiều quốc gia. Ba quốc gia đã công bố trong tháng này rằng họ sẽ cùng nhau phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu vào năm 2035 trong một động thái đầy tham vọng nhằm mở rộng quan hệ đối tác an ninh của Nhật Bản ngoài Mỹ, đồng minh hiệp ước của Nhật Bản và phát triển khả năng cung cấp thiết bị quốc phòng của riêng mình. Các nhà thầu đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng giữa hiệu quả và bình đẳng. Hai nhà thầu còn lại là BAE Systems của Anh và Leonardo của Ý. Máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến tranh lấy mạng lưới làm trung tâm, nhằm mục đích tích hợp khí tài của các nhánh quân sự khác nhau để tạo ra cuộc tấn công hiệu quả nhất.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan eyes JV and shared assembly for fighter with U.K., Italy. Truy cập ngày 30/12/2022

Nhật Bản cân nhắc cung cấp viện trợ nước ngoài cho các dự án liên quan đến quân sự

Nhật Bản sẽ xem xét mở rộng chương trình viện trợ nước ngoài cho các nước đang phát triển bao gồm các dự án như cơ sở quân sự và hệ thống radar ven biển, bước đi thay đổi hoàn toàn so với cách tiếp cận phi quân sự nghiêm ngặt khi nước này tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc. Viện trợ phát triển theo danh mục mới sẽ dành cho quân đội của các quốc gia mà Tokyo coi là thân thiện và hợp tác được coi là có ý nghĩa đối với an ninh của Nhật Bản. Dự thảo ngân sách của Nhật Bản cho năm tài khóa 2023 bao gồm 15 triệu USD cho mục đích này. Dự án đầu tiên sẽ được thực hiện vào năm tới, với số tiền tài trợ sẽ tăng lên trong vài năm tiếp theo.

Xem thêm tại: Nikkei Asia, Japan weighs providing foreign aid for military-linked projects. Truy cập ngày 4/1/2023

Nhật Bản tăng số lượng tàu khu trục Aegis

Theo Chương trình Tăng cường Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) sẽ tăng số lượng tàu khu trục Aegis (DDG) từ 8 lên 10 chiếc. Ngoài ra, hai tàu được trang bị hệ thống Aegis (ASEV), chuyên phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD), sẽ được triển khai tách biệt với các tàu này. Tàu khu trục Aegis sẽ được trang bị phiên bản nâng cấp của tên lửa Type 12SSM. Type 12 SSM ban đầu có tầm bắn khoảng 200 km. Phiên bản nâng cấp mới nhằm mở rộng phạm vi hoạt động lên ít nhất 900 km, và cuối cùng là 1.200 km. Thêm vào đó, hình dạng của tên lửa cũng đã được sửa đổi để giảm tiết diện radar (RCS) và khiến nó có khả năng tàng hình. Type 12 SSM (bản nâng cấp) sẽ được phát triển thành các phiên bản có thể phóng từ mặt đất, trên biển và trên không. Như vậy, đến cuối năm 2032, JMSDF sẽ có 12 tàu được trang bị Hệ thống vũ khí Aegis (AWS). JMSDF có kế hoạch thay thế các tàu khu trục cũ kỹ (DE, DD) bằng FFM lớp Mogami, có lẽ không chỉ bằng FFM mà còn bằng DDG để thay thế hai trong số các tàu này.

Xem thêm tại: Naval News, Japan To Increase The Number Of Aegis Destroyers. Truy cập ngày 5/1/2023

Sau Không quân, Hải quân Ấn Độ có máy bay chiến đấu Rafale

Sau Không quân Ấn Độ (IAF), Hải quân Ấn Độ cũng đang chờ mua máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp. Trước đó, Không quân Ấn Độ (IAF) đã chọn Rafale cho phi đội mới của mình, nay Hải quân Ấn Độ cũng chuẩn bị mua Rafale M. Rafale có chiều dài 15,27 m; sải cánh dài 10,8 m và chiều cao 5,34 m. Máy bay có trọng lượng rỗng 10,6 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 24,5 tấn. Chiến đấu cơ này được thiết kế để thực hiện một số nhiệm vụ bao gồm trinh sát, tấn công mặt đất và ném bom hạt nhân chiến thuật. Thỏa thuận này có thể được ký kết giữa hai nước khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Ấn Độ vào tháng 3. Điều thú vị là Hải quân Ấn Độ đã từ chối máy bay phản lực F/A-18 Super Hornet của Mỹ và chọn thỏa thuận với Rafale. Thương vụ mua Rafale M được coi là một cột mốc quan trọng trong quan hệ giữa Ấn Độ và Pháp.

Xem thêm tại: First Post, After IAF, now Indian Navy to get Rafale fighter jets. Truy cập ngày 4/1/2023.

Úc mua hệ thống tên lửa tầm xa HIMARS của Mỹ sau khi Ukraine ca ngợi tính hiệu quả của vũ khí chống lại Nga

Quân đội Úc sẽ có khả năng tấn công tầm xa chưa từng có với việc mua hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất, mà Ukraine đã ca ngợi về hiệu quả tàn phá của nó đối với các lực lượng xâm lược của Nga. Chính phủ Úc đã hoàn tất thỏa thuận mua 20 bệ phóng tên lửa gắn trên xe tải vào năm 2026, đồng thời ký một thỏa thuận khác để mua Tên lửa tấn công hải quân (NSM). Chi phí chính xác của việc mua vũ khí đang được giữ bí mật vì lý do an ninh, nhưng phía Canberra đã xác nhận rằng con số tổng từ một đến hai tỷ USD. NSM do công ty Kongsberg của Na Uy sản xuất và sẽ thay thế các tên lửa chống hạm Harpoon đã cũ trên các tàu khu trục lớp Hobart và tàu khu trục lớp Anzac của Hải quân Hoàng gia Úc từ năm 2024.

Xem thêm tại: ABC, Australia to buy long-range HIMARS missile system from United States after Ukraine praises weapon’s effectiveness against Russia. Truy cập ngày 5/1/2023

 

 

Châu Âu – Trung Đông – Châu Phi – Mỹ Latinh:

Bộ trưởng Quốc phòng Anh tìm cách tăng tài trợ để đối phó với các mối đe dọa đang gia tăng

Vào đầu tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace và người đứng đầu lực lượng vũ trang Đô đốc Sir Tony Radakin đã đến gặp Thủ tướng Rishi Sunak tại số 10 phố Downing về nhu cầu chi tiêu của quân đội Anh. Tương lai của quân đội Anh và chi phí là vấn đề cấp bách hiện nay hơn bất cứ lúc nào kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Wallace và Radakin đã bảo đảm một khoản dự phòng tài chính để bổ sung kho dự trữ vũ khí, vốn đã cạn kiệt do viện trợ quân sự gửi đến Ukraine, và đảm bảo hỗ trợ thêm ít nhất 2,3 tỷ bảng Anh cho Kyiv vào năm 2023.

Xem thêm tại: FT, UK defence chiefs seek funding increase to confront rising threats. Truy cập ngày

Quân đội Mỹ ở châu Âu tiếp tục triển khai, huấn luyện

Khoảng 20.000 quân Mỹ được huy động ở châu Âu để hỗ trợ NATO kể từ khi Nga xâm lược Ukraine đang trên đà duy trì vị trí trong năm mới và được huấn luyện không chỉ với các đối tác địa phương mà còn với quân đội Ukraine. Lầu Năm Góc đã thông báo vào ngày 15 tháng 12 rằng các đợt luân chuyển hàng tháng gồm 500 binh sĩ Ukraine sẽ tới các khu tập trận của Quân đội Mỹ ở Đức để huấn luyện cơ động vũ khí kết hợp, một nỗ lực nhằm củng cố đội hình của Ukraine khi họ bước vào năm thứ hai chiến đấu chống lại người Nga. Tại Lithuania, Mỹ sẽ nâng cấp các đợt triển khai định kỳ của mình thành một lịch trình luân phiên nhất quán từ đầu đến cuối. Các đơn vị sẽ bao gồm một khẩu đội pháo dã chiến và một đơn vị thiết giáp với hàng trăm binh sĩ.

Xem thêm tại: Defense News, New in 2023: US troops in Europe to continue deployments, training. Truy cập ngày 1/1/2023

Đức dẫn đầu lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao của NATO

Vào ngày 1 tháng 1 năm 2023, Đức sẽ dẫn đầu lực lượng quân sự có tính sẵn sàng chiến đấu cao nhất của NATO, đặt hàng nghìn binh sĩ trong tư thế sẵn sàng triển khai trong vòng vài ngày. Lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp sẵn sàng cao của NATO (VJTF) được thành lập vào năm 2014 với nòng cốt là Lực lượng phản ứng nhanh của NATO, sau khi Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp và các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông. Để đối phó với cuộc xâm lược chính thức của Nga vào Ukraine, NATO đã triển khai các thành phần của VJTF tới Romania trong sứ mệnh phòng thủ tập thể đầu tiên của đơn vị. Vào năm 2023, lực lượng trên bộ của VJTF sẽ bao gồm khoảng 11.500 nghìn binh sĩ, với nòng cốt là Lữ đoàn Bộ binh Cơ giới hóa số 37.

Xem thêm tại: NATO, Germany takes the lead for NATO’s high readiness force. Truy cập ngày 30/12/2022

Xuất khẩu quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ vượt 4 tỷ USD vào năm 2022

Theo Ismail Demir, người đứng đầu cơ quan mua sắm quốc phòng của nước này, xuất khẩu hàng không vũ trụ và quốc phòng hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Hội đồng các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ ước tính xuất khẩu hàng không vũ trụ và quốc phòng của nước này trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11 là 3,77 tỷ USD, tăng 35,7% so với 2,778 tỷ USD trong cùng kỳ năm 2021. Đầu năm nay, Ozgur Eksi, một nhà phân tích quốc phòng ở Ankara, nói rằng xu hướng xuất khẩu ngày càng tăng chủ yếu đến từ nhóm hàng không vũ trụ và đặc biệt là máy bay không người lái tự chế.

Xem thêm tại: Defense News, Turkish defense exports pass $4 billion in 2022, says procurement boss. Truy cập ngày 31/12/2022

 

Phe đối lập Syria khó chịu sau khi bộ trưởng quốc phòng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ gặp nhau

Phe đối lập chính trị và vũ trang của Syria đang thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính nghĩa sau các cuộc đàm phán cấp cao nhất giữa Ankara và chính phủ Damascus kể từ khi cuộc chiến Syria bắt đầu vào năm 2011. Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp hỗ trợ và cơ sở cho các đối thủ chính trị của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad trong khi huấn luyện và chiến đấu bên cạnh lực lượng nổi dậy có vũ trang chống lại quân đội của ông. Nhưng các bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã gặp nhau tại Moscow vào ngày 28 tháng 12, với các chủ đề về di cư và tình hình các chiến binh người Kurd tại biên giới giữa Syria với Thổ Nhĩ Kỳ khiến cho phe đối lập Syria không hài lòng.

Xem thêm tại: Reuters, Syria opposition uneasy after Turkish, Syrian defence ministers meet. Truy cập ngày 5/1/2022

Lực lượng Israel giết hai người Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng

Quân đội Israel đã giết chết hai người đàn ông Palestine trong một cuộc đột kích vào một ngôi làng gần thành phố Jenin ở Bờ Tây bị chiếm đóng phía bắc. Bộ này cho biết thêm, ít nhất 3 người khác bị thương trong cuộc đột kích, trong đó có một người trong tình trạng nguy kịch. Các cuộc đối đầu và xung đột vũ trang đã nổ ra với các lực lượng Israel vào tối Chủ nhật sau khi họ đột kích vào Kufr Dan để phá hủy nhà của hai người Palestine thiệt mạng trong một vụ xả súng tại một trạm kiểm soát quân sự của Israel ở Jenin, dẫn đến việc một binh sĩ Israel, Bar Falah, bị giết. tháng trước.

Xem thêm tại: Al Jazeera, Israeli forces kill two Palestinian men in occupied West Bank. Truy cập ngày 3/1/2022

Tàu sân bay đầu tiên của Iran dự kiến ​​sẽ được hạ thủy vào năm 2023

Tàu sân bay đầu tiên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo đang được tiến hành đóng mới. Tàu sân bay chuyên dành cho các thiết bị không người lái dài 240 mét dựa trên thân một tàu buôn lớn. Iran dự kiến đóng mới hai tàu loại này với tên gọi mỗi chiếc là Shahid Mahdavi và Shahid Bagheri. Thông tin cho thấy con tàu ban đầu có tên gọi là Perarin, một tàu container lớn. Perarin được đóng vào năm 2000 và thuộc quyền sở hữu của Iran. Con tàu có chiều dài hơn 240m. Hình ảnh vệ tinh cho thấy con tàu được đưa lên ụ tàu khô vào cuối tháng 5/2022. Các công việc cải tạo bắt đầu vào tháng 11/2022.

Xem thêm tại: Hisutton, Iran’s First Carrier Expected To Be Launched In 2023. Truy cập ngày 31/12/2022

Nhóm phiến quân ELN phủ nhận ngừng bắn với chính phủ Colombia

Một nhóm nổi dậy cánh tả ở Colombia, Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN), nói rằng họ không nằm trong thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ đã được tổng thống công bố. Vào đêm giao thừa, Tổng thống Gustavo Petro đã đưa ra một tuyên bố táo bạo trên Twitter: Năm trong số các nhóm vũ trang bất hợp pháp của đất nước đã đồng ý ngừng bắn trong sáu tháng. ELN đưa ra thông báo sau khi nhóm phiến quân được công nhận cuối cùng của Colombia nối lại các cuộc đàm phán hòa bình vào tháng 11, lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Xem thêm tại: Al Jazeera, ELN rebel group denies ceasefire with Colombian government. Truy cập ngày 5/1/2023

 

Chuyên mục Phân tích:

Putin không hề có lằn ranh đỏ

Câu hỏi về lằn ranh đỏ của Putin được đặt ra nhằm cung cấp các phân tích rõ ràng và nhằm định hướng chính sách. Tuy nhiên, đây lại là một câu hỏi sai, vì “lằn ranh đỏ” là một ẩn dụ sai lầm. Có rất nhiều cách khác nhau để chúng ta nói về chiến lược. Trước nhất, “lằn ranh đỏ” ở đây được định nghĩa là những giới hạn về hành động mà một quốc gia, trong trường hợp này là Nga, chuẩn bị đón nhận từ các quốc gia khác. Nếu phương Tây vi phạm các ranh giới này thì Nga sẽ phản ứng bằng các hành động mới và nguy hiểm hơn.

Lằn ranh đỏ là ngòi nổ cho quá trình leo thang căng thẳng. Do đó, lằn ranh đỏ của Nga đặt ra các giới hạn về hành động của phương Tây. Có ba khiếm khuyết trong cách lập luận này. Đầu tiên, giả định rằng lằn ranh đỏ là một đặc tính cố định của chính sách đối ngoại. Điều này không đúng. Những gì các quốc gia nói, và thậm chí tin rằng họ không chấp nhận, có thể thay đổi một cách triệt để và nhanh chóng. Ví dụ như vào năm 2012 tổng thống Barrack Obama nói rằng việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là lằn ranh đỏ và nước này sẽ chuốc lấy những hậu quả không thể tưởng tượng nếu vượt qua. Nhưng khi Syria giết hàng trăm dân thường, Mỹ lại chẳng có phản ứng gì. Đây không phải là ngoại lệ. Trên thực tế, lằn ranh đỏ gần như luôn mềm dẻo, đa dạng và bất định chứ không gắn chặt vào địa chính trị. Do đó, ngoại giao nên được dùng để thay đổi lằn ranh đỏ của kẻ thù chứ không phải dùng để tránh né chúng. Khiếm khuyết thứ hai của lập luận lằn ranh đó là nó tập trung vào phản ứng leo thang của một quốc gia, và do đó chỉ xem xét những rủi ro và tình thế tiến thoái lưỡng nan mà phản ứng này sẽ gây ra cho kẻ thù chứ không phải những rủi ro mà chính quốc gia chọn leo thang căng thẳng phải đối mặt. Khiếm khuyết thứ ba thể hiện nếu quá bận tâm vào lằn ranh đỏ sẽ dễ dàng bị đánh lừa. Một quốc gia sẽ tìm cách thao túng những nhu cầu tự kiềm chế của đối thủ bằng cách mở rộng phạm vi lợi ích mà quốc gia đó tuyên bố là nền tảng và những hành động được coi là không thể chấp nhận được. Ba khiếm khuyết này gợi ý rằng phương Tây nên ngăn chặn Nga bằng răn đe thay vì kìm hãm, hoặc ép Ukraine phải làm điều đó, vì nỗi sợ khiêu khích Nga. Phương Tây có thể làm vậy bằng cách nói về những hậu quả nghiêm trọng chắc chắn xảy ra nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Mặt khác, Nga không hề có rằn lanh đỏ mà chỉ có một loạt các lựa chọn và nhận thức về rủi ro và lợi ích tương đối của mình ở từng giai đoạn. Vì vậy, phương Tây nên liên tục hướng tới mục tiêu của mình thông qua ngoại giao nhằm định hình những nhận thức này để Nga lựa chọn các phương án mà phương Tây mong muốn.

Mỹ từng làm điều này trước đây trong thời gian khủng hoảng tên lửa Cuba khi Liên Xô phải chấp nhận kết cục có lợi cho phương Tây. Trong khi Nga chú trọng nhiều hơn vào việc thuần phục Ukraine hơn là triển khai tên lửa đến Cuba, logic đằng sau đó vẫn tương tự. Năm 1962, Mỹ thuyết phục nhà lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev, rằng loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Cuba, dù khó chịu đến đâu, là một lựa chọn tốt hơn là triển khai chúng. Tương tự như vậy, phương Tây bây giờ nên nhằm mục đích thuyết phục ông Putin rằng việc rút quân khỏi Ukraine ít nguy hiểm hơn là tiếp tục chiến đấu. Theo đó, Mỹ nên tập trung vào ba điều sau. Thứ nhất, Washington không nên tiếp tục nêu lên những biện pháp mà mình sẽ không thực hiện và các hệ thống vũ khí mà mình sẽ không cung cấp cho Ukraine. Thứ hai, Mỹ cùng với các đồng minh của mình phải làm rõ rằng thời gian đang chống lại Nga và Nga đang ở thế bất lợi. Cuối cùng, phương Tây nên nói rõ với Nga rằng việc kết thúc chiến tranh bằng cách rời khỏi Ukraine là an toàn.

Xem thêm tại: NY Times, Putin Has No Red Lines. Truy cập ngày 2/1/2023

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã thay đổi thế giới như thế nào vào năm 2022

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Vladimir Putin không thể ngờ rằng quyết định nhanh chóng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan sẽ mở rộng biên giới của liên minh quân sự này với Nga thêm nhiều dặm khi quân đội của ông tiến vào Ukraine. Putin muốn chứng tỏ rằng Nga là một quốc gia đáng gờm — còn Ukraine không phải là một quốc gia có chủ quyền. Ông nhấn mạnh rằng “Ukraine” chỉ là một tên gọi về mặt địa lý, không phải về mặt chính trị. Cuộc chiến của Putin đã biến Ukraine lần đầu trở thành quốc gia chủ chốt tại Trung Âu trong lịch sử. Giờ đây, Ukraine đã sở hữu một trong những lực lượng trên bộ lớn và hiệu quả nhất tại châu Âu khi được vũ trang bởi Mỹ và đồng minh. Phương án trung lập không còn ý nghĩa, nhất là sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Hai quốc gia Scandinavi này nằm trong số ít các quốc gia châu Âu đã tăng cường quân đội để đáp trả việc Putin chiếm Crimea từ Ukraine năm 2014. Tiếp đó, chỉ vài ngày sau khi ông Putin phát động chiến tranh, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tăng chi tiêu quốc phòng mà không ai có thể nghĩ tới bốn ngày trước đó. Chưa hết, Nhật Bản đã thoát khỏi chủ nghĩa hòa bình và đang gia tăng chi tiêu quân sự ngoài các loại vũ khí được phân loại. Vũ khí “phản công” mới mà Nhật sẽ sở hữu bao gồm hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 1.000 dặm ở Trung Quốc. Nếu Nhật Bản đáp ứng (như hầu hết các quốc gia NATO thường không làm) tiêu chuẩn của NATO về chi tiêu 2% GDP cho quân đội, thì nước này sẽ có ngân sách quốc phòng lớn thứ ba thế giới. Vì vậy, Trung Quốc dễ bị tổn thương hơn – và có lẽ là có thể ngăn chặn được – bởi vì trật tự quốc tế đã bị lung lay bởi các sự kiện ở Trung Âu. Thế giới lúc này vẫn và sẽ là một nơi nguy hiểm.

Xem thêm tại: Washington Post, How Russia’s invasion of Ukraine altered the world in 2022. Truy cập ngày 5/1/2023

Các cuộc tấn công bằng drone tại Ukraine có thể mang đến bình minh của robot sát thủ

Những tiến bộ của máy bay không người lái (drone) ở Ukraine đã thúc đẩy một xu hướng công nghệ đã được dự đoán từ lâu, có thể sớm đưa các rô-bốt chiến đấu hoàn toàn tự động đầu tiên trên thế giới ra chiến trường, mở đầu cho một kỷ nguyên chiến tranh mới. Theo các nhà phân tích quân sự, các quân nhân và nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, chiến tranh càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng drone sẽ được sử dụng để xác định, lựa chọn và tấn công các mục tiêu mà không cần sự trợ giúp của con người. Ukraine đã có máy bay không người lái tấn công bán tự động và vũ khí chống máy bay không người lái được trang bị AI và Nga cũng đã tuyên bố sở hữu các vũ khí này dù chưa được xác nhận. Các chuyên gia cho rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Nga hoặc Ukraine hoặc cả hai triển khai chúng. Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của Ukraine, Mykhailo Fedorov, đồng ý rằng máy bay không người lái sát thủ hoàn toàn tự động là bước tiến hợp lý và không thể tránh khỏi trong quá trình phát triển vũ khí. Ông cho biết Ukraine đã và đang thực hiện rất nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển  theo hướng này. Trung tá Ukraine Yaroslav Honchar, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận đổi mới drone chiến đấu Aerorozvidka, cho biết rằng các chiến binh con người đơn giản là không thể xử lý thông tin và đưa ra quyết định nhanh như máy móc. Tiếp đó, nếu không gặp rắc rối lớn, Ukraine có thể chế tạo drone được trang bị vũ khí bán tự động hoàn toàn độc lập để sống sót tốt hơn khi bị gây nhiễu trên chiến trường. Những drone này bao gồm Switchblade 600 do Mỹ sản xuất và Warmate của Ba Lan, cả hai hiện đang yêu cầu sự tham gia của con người trong quá trình chọn mục tiêu qua nguồn dữ liệu video trực tiếp. Ngoài ra, drone đã có thể nhận ra các mục tiêu như xe bọc thép bằng cách sử dụng hình ảnh được phân loại.

Nhưng có sự bất đồng về việc liệu công nghệ này có đủ tin cậy để đảm bảo rằng máy móc không bị lỗi và cướp đi mạng sống của những người không phải là chiến binh hay không. AI hoàn toàn tự động đã giúp bảo vệ Ukraine. Fortem Technologies có trụ sở tại Utah đã cung cấp cho quân đội Ukraine các hệ thống săn lùng drone kết hợp giữa radar loại nhỏ và chính drone, cả hai đều được hỗ trợ bởi AI. Các radar được thiết kế để xác định drone của kẻ thù, sau đó các UAV sẽ vô hiệu hóa chúng bằng cách bắn lưới vào chúng – tất cả đều không cần sự trợ giúp của con người. Số lượng máy bay không người lái được trang bị AI không ngừng tăng lên. Israel đã xuất khẩu chúng trong nhiều thập kỷ. Hệ thống tiêu diệt radar Harpy của Israel có thể bay lơ lửng trên radar phòng không trong tối đa chín tiếng để chờ chúng hoạt động. Các ví dụ khác bao gồm máy bay trực thăng vũ trang không người lái Blowfish-3 của Bắc Kinh. Nga đang nghiên cứu một máy bay không người lái AI dưới nước mang đầu đạn hạt nhân có tên là Poseidon. Hà Lan hiện đang thử nghiệm một robot mặt đất với súng máy cỡ nòng 50 ly. Tính chết người của các loại vũ khí này vẫn còn được bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều. Nỗ lực đặt ra các quy tắc cơ bản quốc tế cho drone quân sự cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Các nhà hoạch định chính sách của Washington cho biết họ sẽ không đồng ý với lệnh cấm vì không thể tin tưởng các đối thủ đang phát triển máy bay không người lái sẽ sử dụng chúng một cách có đạo đức. Các nhà khoa học cũng lo lắng về việc vũ khí AI sẽ được tái sử dụng bởi những phần tử khủng bố. Trong một kịch bản đáng sợ, quân đội Mỹ chi hàng trăm triệu để viết mã cho máy bay không người lái sát thủ. Ngoài ra, con người đã bị đẩy ra ngoài trong một số hệ thống phòng thủ. Lá chắn tên lửa Vòm Sắt của Israel được phép khai hỏa tự động, mặc dù nó được cho là được giám sát bởi một cá nhân có thể can thiệp nếu hệ thống nhắm nhầm mục tiêu.

Xem thêm tại: SCMP, Drone advances in Ukraine could bring dawn of killer robots. Truy cập ngày 5/1/2023

Liệu Đài Loan có trở thành Ukraine phiên bản châu Á?

Các tướng lĩnh Mỹ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ xâm lược Đài Loan trong thập niên tới là điều dễ hiểu. Khả năng Bắc Kinh tấn công hòn đảo đã hiển hiện từ lâu. Nhưng các mối quan ngại mới lại xuất hiện vào năm 2022, sau khi Chủ tịch hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan. Trong mắt của Trung Quốc, chuyến thăm của bà Nancy Pelosi phá vỡ nguyên trạng. Sau khi bà Pelosi rời đi, Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ mạnh mẽ. Bắc Kinh đã bắn tên lửa đạn đạo qua hòn đảo, gửi hàng chục tàu quân sự và máy bay tới lãnh thổ của mình, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật xung quanh hòn đảo, như thể đang diễn tập cho một cuộc phong tỏa. Thái độ của Mỹ cũng đang thay đổi. Washington không có hiệp ước quốc phòng chính thức nào với Đài Bắc. Khác với thời Richarcd Nixon, các lãnh đạo Mỹ gần đây đã sử dụng chính sách “nhập nhằng chiến lược”, nghĩa là dừng mọi khiêu khích ở cả hai bên. Đối với một số nhà phân tích, câu hỏi về chiến tranh xoay quanh việc liệu Trung Quốc có nghĩ rằng mình sẽ chiến thắng hay không. Khi quân đội Trung Quốc phát triển mạnh hơn (hải quân Trung Quốc đã có nhiều tàu hơn Mỹ), rủi ro sẽ tăng lên. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine có thể ảnh hưởng đến tính toán của tất cả các bên. Mỹ hy vọng cuộc xung đột sẽ thuyết phục Đài Loan thể hiện thiện chí lớn hơn để tự bảo vệ mình và áp dụng một chiến lược tốt hơn. Đài Loan đã quyết định ít phụ thuộc vào lính nghĩa vụ hơn và xây dựng các lực lượng vũ trang chuyên nghiệp hơn. Nhưng Đài Bắc có thể tăng ngân sách quân sự, hiện ở mức 2% GDP và có thể áp dụng chiến lược “con nhím”, dựa trên vũ khí phòng thủ cơ động và có thể che giấu, đặc biệt là tên lửa để sử dụng chống lại tàu và máy bay, thay vì máy bay phản lực, tàu chiến và tàu ngầm đắt tiền mà các nhà hoạch định quân sự ưa chuộng. Về phía Trung Quốc, cuộc xâm lược của Nga là một thách thức hữu ích đối với phương Tây. Nhưng một số chuyên gia ở Bắc Kinh so sánh với Đài Loan và tự hỏi liệu nó, giống như Ukraine, có thể biến một cuộc xâm lược thành một vũng lầy, với những hậu quả tai hại cho Đảng Cộng sản hay không. Ngay từ đầu, việc duy trì một cuộc tấn công trên 160 km mặt nước sẽ khó hơn so với việc vượt qua biên giới trên đất liền. Tại Bắc Kinh, cuộc chiến với Đài Loan được xem là một kết cục tồi tệ miễn là các tùy chọn khác vẫn còn. Nhưng nhiều chuyên gia tin rằng các lựa chọn của đại lục đang bị thu hẹp lại. Một luật chống ly khai được thông qua năm 2005 buộc Trung Quốc phải hành động quân sự nếu họ tin rằng sự thống nhất hòa bình là không thể. Nhưng cuộc chiến của Nga ở Ukraine sẽ cầm chân họ..

Xem thêm tại: Economist, Will Taiwan be the Ukraine of Asia? Truy cập ngày 31/12/2022

Điều gì đang đón chờ tại eo biển Đài Loan năm 2023?

Năm 2022 là một năm sóng gió đối với eo biển Đài Loan khi Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự đối với Đài Bắc theo sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi hồi tháng Tám. Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tập trận kéo dài một tuần xung quan hòn đảo nhằm phô diễn khả năng áp đặt thế trận phong tỏa xung quanh Đài Loan. Cuộc tập trận là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo ra trạng thái bình thường mới tại eo biển Đài Loan. Để thực hiện điều này, PLA đã triển khai tàu hải quân và máy bay quân sự dọc theo đường trung tuyến của eo biển. Da-Jung Li, giáo sư nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế tại Đại học Tamkang, Đài Loan, cho rằng chuyến đi của bà Pelosi càng làm gia tăng áp lực an ninh đối với Đài Bắc. Theo đó, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng tại eo biển sẽ dẫn đến mức độ chạm trán giữa quân đội Đài và Trung ngày càng gia tăng. Bất chấp một loạt thách thức mà Trung Quốc hiện đang phải đối mặt, bao gồm cuộc khủng hoảng sức khỏe COVID đang diễn ra và suy thoái kinh tế, Đài Loan sẽ tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh. Tiếp đó, ngày 26/12/2022 Trung Quốc đã điều kỷ lục 71 máy bay quân sự vào vùng không phận của Đài Loan trong 24 tiếng. Phía Bắc Kinh nói rằng cuộc tập trận tấn công này là phản ứng đối với sự khiêu khích và thông đồng giữa Washington và Đài Bắc sau khi TT Joe Biden ký đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia, viện trợ 10 tỷ USD cho Đài Loan. Đáp lại động thái của Bắc Kinh, Washington cam kết tiếp tục hỗ trợ Đài Loan duy trì khả năng tự vệ đầy đủ phù hợp với các cam kết lâu dài và phù hợp với chính sách một Trung Quốc của mình. Về căng thẳng trong vấn đề cạnh tranh Mỹ-Trung, bà Lý Hiếu từ Đại học Tamkang cho biết cuộc cạnh tranh chiến lược này đang làm gia tăng căng thẳng ở eo biển Đài Loan. Thêm vào đó, bà nói rằng Đài Loan sẽ tiếp tục là một trong những vấn đề chủ chốt của cuộc cạnh tranh. Vậy sự kiện nào có khả năng có thể xảy ra tại eo biển Đài Loan năm 2023 này? Một sự kiện có thể khiến cho căng thẳng gia tăng thêm trong năm nay là một chuyến thăm tiềm năng của Hạ nghị sỹ Kevin McCarthy, người đã hứa sẽ thăm hòn đảo nếu ông ngồi vào ghế chủ tịch hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, mức độ phản ứng của Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào thời điểm của chuyến thăm. Nếu chuyển thăm diễn ra vào gần cuối năm 2023, bầu cử tổng thống Đài Loan 2024 sẽ diễn ra sớm và sẽ có khả năng đây là một nguồn hạn chế cách phản ứng của Trung Quốc. Trong trường hợp Bắc Kinh phản ứng thái quá, điều đó sẽ chỉ khiến câu chuyện trong nước ở Đài Loan đi theo hướng không có lợi cho Trung Quốc. Ngoài ra, vẫn còn một số cân nhắc và thời điểm có liên quan nhiều đến khả năng phản ứng của Trung Quốc. Cuối cùng, bà Lý chỉ ra rằng sẽ một số “biến số khó lường” tác động đến tình hình ở eo biển Đài Loan vào năm tới như hành vi của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, các vấn đề liên quan đến Đài Loan sẽ được định hình như thế nào trong chính trị nội bộ của Mỹ và cuộc bầu cử tổng thống của Đài Loan vào đầu năm 2024.

Xem thêm tại: DW, Taiwan Strait: What to expect in 2023. Truy cập ngày 30/12/2022

Kế hoạch thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 1 năm của Đài Loan bao gồm dạy lính nghĩa vụ cách bắn tên lửa

Lính nghĩa vụ Đài Loan sẽ được huấn luyện để sử dụng các vũ khí mạnh hơn, như tên lửa Stinger xách tay và tên lửa Javelin từ năm 2024 như một phần của việc tập huấn quân sự bắt buộc một năm nhằm gia tăng khả năng trực chiến trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột tại eo biển. Ngoài ra, thay vì huấn luyện sử dụng lưỡi lê truyền thống, các tân binh được yêu cầu phải học các kỹ năng chiến đấu cận chiến hiện đại nhằm xử lý kẻ thù tiềm tàng của Bắc Kinh. Đối mặt với mối đe dọa quân sự ngày càng tăng từ Bắc Kinh và sự “thuyết phục” lặp đi lặp lại từ Mỹ – một đồng minh không chính thức và nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan – kể từ năm 2020, chính quyền của hòn đảo này đã bị thúc giục thảo luận về việc cải tổ cơ cấu lực lượng của mình. Sau khi phải đối mặt với các chỉ trích trong nước rằng đảng Dân chủ Tiến bộ đã cố gắng ngó lơ vấn đề vì muốn xoa dịu những cử tri trẻ cho đợt bầu cử năm 2024, tổng thống Thái Anh Văn đã tuyên bố kéo dài thời gian nghĩa vụ quân sự từ 4 tháng lên một năm. Vậy có gì trong chương trình nghĩa vụ quân sự mới? Về tiền lương, lính nghĩa vụ mới sẽ được nhận 660 USD một tháng cộng thêm 5,987 Đài tệ phí nghỉ phép và bảo hiểm, đi kèm với mức lương hậu hĩnh là chương trình huấn luyện cao độ. Về vũ khí, Tên lửa Stinger và tên lửa chống tăng Javelin cũng như drone giám sát và tự sát đã chứng minh độ hiệu quả của mình tại Ukraine. Do đó, chúng được xem như một phần trong kho vũ khí mà Đài Loan sẽ sử dụng trong chiến tranh bất đối xứng nhằm phản công Bắc Kinh. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã liệt kê ngân sách 13,37 tỷ Đài tệ để mua 500 tên lửa phòng không tầm ngắn di động, dự kiến ​​giao hàng đầy đủ trước năm 2025. Quân đội Đài cũng sẽ đưa những mô hình huấn luyện mới nhất của Mỹ và các nước có kinh nghiệm chiến đấu để tăng cường huấn luyện cho lính nghĩa vụ với 52 tuần huấn luyện, bao gồm 18 tuần huấn luyện tại chỗ, bảy tuần huấn luyện chuyên ngành và 13 tuần huấn luyện thực địa. Su Tzu-yun, một chuyên viên phân tích cấp cao tại Viện nghiên cứu An ninh quốc gia tại Đài Bắc, nhận định rằng quá trình huấn luyện mà những người lính nghĩa vụ hiện tại nhận được còn lâu mới phù hợp để bảo vệ hòn đảo. Chieh Chung, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức Chính sách Quốc gia, một tổ chức tư vấn liên kết với Quốc dân Đảng đối lập chính ở Đài Bắc, cho biết việc gia hạn chắc chắn sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của lực lượng dự bị của hòn đảo. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ Đài Loan có đủ khả năng để huấn luyện, như có các sĩ quan huấn luyện đủ trình độ và bãi tập hay không. Ông Chieh cho biết thêm, quân đội Đài Loan cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu trường bắn, dẫn đến việc các tân binh có ít thời gian để thực hành kỹ năng bắn súng điêu luyện.

Xem thêm tại: SCMP, Taiwan’s plan for 1-year compulsory military service includes teaching young conscripts to fire missiles. Truy cập ngày 1/1/2023