12/01/1919: Lãnh đạo Tứ Cường gặp nhau lần đầu tại Paris

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Leaders of the Big Four nations meet for the first time in Paris, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, một ngày sau khi Thủ tướng Anh David Lloyd George đến Paris, ông đã gặp đại diện của các quốc gia Tứ Cường còn lại – Thủ tướng Georges Clemenceau của Pháp, Thủ tướng Vittorio Orlando của Ý, và Tổng thống Woodrow Wilson của Mỹ – tại tòa nhà Bộ Ngoại giao Pháp ở Quai d’Orsay. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong số hơn 100 cuộc họp của bốn người đàn ông.

Là người chiến thắng sau Thế chiến I, các nhà lãnh đạo Tứ Cường đã quyết tâm kiểm soát chương trình nghị sự của hội nghị đàm phán các điều khoản hòa bình hậu chiến. Chưa từng có tiền lệ nào về một hội nghị hòa bình quan trọng như vậy; ngay cả Hội nghị Vienna năm 1815, đã giúp duy trì trật tự ở châu Âu trong gần một thế kỷ trước khi sụp đổ vào năm 1914, cũng nhỏ hơn và ít phức tạp hơn nhiều so với hội nghị ở Versailles.

Ngay khi Wilson đến châu Âu vào giữa tháng 12 (trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới lục địa này của một Tổng thống Mỹ), Clemenceau và Lloyd George đã thuyết phục ông rằng quân Hiệp ước cần có lập trường của riêng họ về các điều khoản hòa bình trước khi bắt đầu hội nghị chung và ngồi xuống đàm phán với kẻ thù. Phá vỡ thông lệ ngoại giao truyền thống, Đức đã không được mời tham gia vòng đàm phán sơ bộ này. Điều này khiến Wilson lo lắng, vì ông sợ – điều có thể hiểu được – rằng phe Hiệp ước sẽ tự xác lập phần lớn các điều khoản của hòa bình trước khi hội nghị bắt đầu, một tình huống chắc chắn sẽ khiến người Đức thất vọng và tức giận, và sẽ làm hỏng lý tưởng về một “nền hòa bình không có chiến thắng” mà Wilson coi là thiết yếu để giữ an toàn cho tương lai.

Chuỗi cuộc họp bắt đầu vào ngày 12/1 không có sự tham gia của đại diện từ các đồng minh nhỏ hơn hoặc bất kỳ quốc gia trung lập nào, dù theo mong muốn của Anh, Nhật Bản sau đó đã tham gia vào nhóm, mà sau này được gọi là Hội đồng Tối cao. Hội đồng nhóm họp hàng ngày, đôi khi là hai hoặc ba lần một ngày, biết rõ rằng con mắt của thế giới đang đổ dồn vào họ. Ngay cả sau khi Hội nghị Versailles bắt đầu vào ngày 18/1 – một ngày được cố tình chọn để gây khó chịu cho người Đức, vì đó là ngày kỷ niệm lễ đăng quang của Kaiser Wilhelm I với tư cách là người cai trị nước Đức mới, thống nhất vào năm 1871 – Hội đồng Tối cao vẫn tiếp tục họp riêng để thảo luận các câu hỏi quan trọng của thỏa thuận hòa bình.