11/03/2011: Thảm họa hạt nhân Fukushima

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Fukushima nuclear disaster, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2011, trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản đã gây ra tổn thất nghiêm trọng, và trận sóng thần tiếp theo sau đó đã hủy diệt vùng Tōhoku ở đông bắc Honshu. Bên cạnh sự tàn phá khủng khiếp về tài sản và nhân mạng, thảm họa thiên nhiên này còn dẫn đến thảm họa hạt nhân tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi. Thảm họa Fukushima được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ thứ hai trong lịch sử, buộc hơn 100.000 người phải di dời.

Trong sự cố, ba lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại nhà máy Fukushima đã dừng hoạt động thành công, nhưng nguồn điện dự phòng và hệ thống làm mát lại không hoạt động. Kết quả là lượng nhiệt dư khiến các thanh nhiên liệu trong cả ba lò phản ứng bị nóng chảy một phần. Khi các đội cứu hộ tìm kiếm những người sống sót trong đống đổ nát, còn đất nước quay cuồng với trận động đất và sóng thần sau đó, thảm họa hạt nhân đã diễn ra âm thầm trong vài ngày. Các cơ sở nơi đặt Lò phản ứng số 1 và số 3 lần lượt phát nổ vào ngày 12/3 và 14/3, khiến chính phủ phải sơ tán mọi cư dân trong bán kính 20 km. Một vụ nổ khác trong tòa nhà chứa Lò phản ứng số 2 xảy ra vào ngày 15/3 thậm chí còn giải phóng nhiều bức xạ hơn, và hàng nghìn người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa khi các công nhân sử dụng máy bay trực thăng, vòi rồng, và máy bơm nước biển để cố gắng làm mát những lò phản ứng quá nóng.

Mức độ nghiêm trọng của sự cố đã trở nên rõ ràng trong những tháng tiếp theo, và chính phủ Nhật cuối cùng đã sơ tán tất cả cư dân trong bán kính 30 km xung quanh nhà máy. Ban đầu, không có trường hợp tử vong nào được cho là do sự cố hạt nhân, dù điều này không mang lại nhiều an ủi cho 154.000 người đã được sơ tán, hoặc cho gia đình của hơn 18.000 người đã thiệt mạng do động đất và sóng thần. Một số người cho rằng một cuộc di tản lớn như vậy là không cần thiết, vì mức độ phóng xạ đã giảm xuống dưới mức dự kiến ngay sau vụ tai nạn.

Dù nhiều người đã có thể trở về nhà của họ, nhưng “khu vực khó quay trở lại” rộng 371 km2 vẫn bị bỏ hoang tính đến thời điểm năm 2021 và sẽ không thể biết được con số thiệt hại thực sự trong nhiều thập niên nữa. Năm 2018, chính phủ Nhật thông báo rằng một cựu công nhân nhà máy từng làm việc trong giai đoạn khủng hoảng là nạn nhân đầu tiên chính thức thiệt mạng vì bức xạ từ thảm họa Fukushima. Ngày nay, thảm họa tại Nhật chỉ xếp sau thảm họa Chernobyl trong bảng xếp hạng các sự cố hạt nhân kinh hoàng nhất.