15/04/1920: Vụ án Sacco-Vanzetti thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Sacco-Vanzetti case draws national attention, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1920, một nhân viên tiền lương và một nhân viên bảo vệ đã bị giết trong một vụ cướp có vũ trang xảy ra ngay giữa buổi chiều tại một công ty giày ở South Braintree, Massachusetts. Vụ án tưởng chừng bình thường này đã phát triển thành một trong những phiên tòa nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ, đồng thời là bước ngoặt đối với việc phát hiện tội phạm qua bằng chứng pháp y.

Fred Parmenter và Alessandro Berardelli đã bị bắn nhiều phát trong lúc họ di chuyển các hộp tiền lương của công ty giày New England. Hai tên cướp có vũ trang, được các nhân chứng xác định là “trông giống người Ý,” đã chạy trốn trên một chiếc Buick. Chiếc xe được tìm thấy bị bỏ rơi trong rừng vài ngày sau đó. Qua bằng chứng tìm thấy trong xe, cảnh sát nghi ngờ một người đàn ông tên Mike Boda có liên quan. Tuy nhiên, Boda đã đi trước nhà chức trách một bước, và đã trốn sang Ý.

Cảnh sát đã bắt được các đồng sự của Boda, Nicola Sacco và Bartolomeo Vanzetti, cả hai đều mang theo vũ khí đã nạp đạn vào thời điểm bị bắt giữ. Sacco có một khẩu súng lục cỡ nòng .32 – cùng loại với khẩu súng đã sát hại các nạn nhân – và có những viên đạn từ cùng một nhà sản xuất với những viên đạn thu được sau vụ xả súng. Vanzetti được xác định là người đã từng tham gia vào một vụ cướp tại một công ty giày khác.

Sacco và Vanzetti là những người theo chủ nghĩa vô chính phủ, họ tin rằng công bằng xã hội sẽ chỉ đến thông qua việc tiêu diệt các chính phủ. Đầu thập niên 1920, khắp nước Mỹ lan tràn nỗi sợ chủ nghĩa cộng sản và chính trị cấp tiến, dẫn đến tâm lý cuồng loạn chống cộng sản, chống người nhập cư. Nhận ra những khó khăn đang chờ mình phía trước, Sacco và Vanzetti đã cố gắng tận dụng nỗi sợ này: kêu gọi sự ủng hộ từ cánh tả với tuyên bố rằng việc truy tố họ là nhằm động cơ chính trị. Hàng triệu đô la đã được những người cấp tiến trên khắp thế giới quyên góp để bảo vệ hai người này. Đại sứ quán Mỹ ở Paris thậm chí còn bị đánh bom để đáp trả vụ Sacco-Vanzetti, quả bom thứ hai nhắm vào đại sứ quán ở Lisbon đã bị ngăn chặn.

Các luật sư bào chữa được tài trợ tốt đã làm việc hết mình, cho gọi gần 100 nhân chứng để làm chứng thay cho các bị cáo. Nhưng sau cùng, vấn đề quan trọng không phải là nhận dạng bằng nhân chứng, mà là kết quả thử nghiệm đạn đạo trên vũ khí giết người. Các công tố viên, với những công cụ khá thô sơ, đã làm chứng rằng khẩu súng của Sacco là vũ khí giết người, còn luật sư của bị cáo có tuyên bố ngược lại. Cuối cùng, vào ngày 14/07/1921, Sacco và Vanzetti bị kết tội với mức án tử hình.

Tuy nhiên, câu hỏi về kết quả đạn đạo vẫn chưa đi đến hồi kết trong lúc Sacco và Vanzetti chờ đợi án tử. Ngoài ra, lời thú tội trong tù của một tên tội phạm khác càng khiến tranh cãi bùng nổ. Năm 1927, Thống đốc Massachusetts A. T. Fuller đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra độc lập, để tư vấn cho ông về đơn xin khoan hồng của hai người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Trong khi đó, đã có nhiều tiến bộ khoa học trong lĩnh vực pháp y. Kính hiển vi so sánh đã có thể được dùng cho các thử nghiệm đạn đạo mới, và đi đến kết luận chắc chắn rằng khẩu súng của Sacco thực sự là vũ khí giết người.

Sacco và Vanzetti bị xử tử vào tháng 8/1927, nhưng ngay cả bằng chứng mới cũng không thể dập tắt hoàn toàn tranh cãi. Tháng 10/1961 và một lần nữa vào tháng 3/1983, các cuộc điều tra mới đã được tiến hành về vấn đề này, nhưng cả hai đều chứng minh rằng khẩu súng lục ổ quay của Sacco thực sự là thứ đã bắn ra viên đạn và giết chết hai nhân viên bảo vệ. Ngày 23/8/1977, Thống đốc Massachusetts Michael Dukakis đưa ra tuyên bố rằng Sacco và Vanzetti đã không được xét xử một cách công bằng.