13/02/1920: Hội Quốc Liên công nhận sự trung lập vĩnh viễn của Thụy Sĩ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: League of Nations recognizes perpetual Swiss neutrality, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1920, Hội Quốc Liên – tổ chức quốc tế được thành lập tại hội nghị hòa bình Versailles sau Thế chiến I – đã chính thức công nhận tình trạng trung lập vĩnh viễn của Thụy Sĩ.

Thụy Sĩ vẫn là một liên minh lỏng lẻo của các cộng đồng nói tiếng Đức, Pháp và Ý mãi cho đến năm 1798, khi người Pháp, dưới thời Napoléon Bonaparte, chinh phục và thống nhất đất nước với tên gọi Cộng hòa Helvetic, sau đó áp đặt một hiến pháp được thực thi bởi quân Pháp đang chiếm đóng. Luôn vấp phải sự căm phẫn của người dân Thụy Sĩ, sự chiếm đóng của Pháp đã kết thúc vào năm 1803, khi Napoléon đồng ý với một hiến pháp mới được Thụy Sĩ phê chuẩn và ra lệnh rút quân về nước. Hội nghị Vienna năm 1815 – sự kiện xác lập các đường biên giới của Châu Âu cho đến khi Thế chiến I bùng nổ gần một thế kỷ sau – đã công nhận sự trung lập vĩnh viễn của Thụy Sĩ.

Người Thụy Sĩ coi việc duy trì tính trung lập là điều cần thiết cho sự phát triển kinh tế và chính trị của đất nước họ. Một hiến pháp mới, được thông qua vào năm 1848, tiếp tục củng cố nguyên tắc trung lập, bằng cách cấm người Thụy Sĩ phục vụ trong quân đội nước ngoài hoặc chấp nhận lương hưu từ các chính phủ nước ngoài. Cả sự thống nhất nước Ý vào năm 1861 lẫn sự ra đời của Đế chế Đức vào năm 1871 đều không làm lung lay lòng trung thành của khối dân cư gốc Ý hoặc gốc Đức đối với Thụy Sĩ. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, chủ yếu được hỗ trợ bởi năng lượng thủy điện và việc xây dựng một mạng lưới đường sắt hiệu quả, nền kinh tế của Thụy Sĩ ngày càng lớn mạnh, tạo ra một ngành du lịch phát triển vào cuối thế kỷ 19.

Mặc dù Thụy Sĩ duy trì vị thế trung lập trong Thế chiến I – toàn bộ dân số gốc Đức, gốc Pháp và gốc Ý đều đồng lòng duy trì sự đoàn kết của đất nước – một cuộc huy động quân sự tốn kém để bảo vệ biên giới Thụy Sĩ đã buộc phần lớn dân số trong độ tuổi lao động phải chuyển sang các công việc liên quan đến chiến tranh, theo đó gây khó khăn cho nền kinh tế. Sau khi chiến tranh kết thúc, tư cách thành viên của Hội Quốc Liên – tổ chức quốc tế được thành lập tại hội nghị hòa bình Versailles – đã được các cử tri Thụy Sĩ chấp thuận với tỷ lệ phiếu sít sao, sau khi bị một hội đồng liên bang phản đối. Tháng 02/1920, Hội Quốc Liên đã bỏ phiếu công nhận nền trung lập vĩnh viễn của Thụy Sĩ, đồng thời cho thành lập trụ sở chính tại thành phố Geneva của Thụy Sĩ, để tôn vinh tính trung lập của đất nước cũng như sự ổn định kinh tế và chính trị tương đối của nó, vốn vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.