11/05/1919: Đức chuẩn bị phản đối các điều khoản Hiệp ước Versailles

Nguồn: Germans prepare to protest Versailles Treaty terms, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, trong tuần lễ thứ hai của tháng 5, phái đoàn Đức đến tham dự Hội nghị Hòa bình Versailles, được triệu tập tại Paris sau khi Thế chiến I kết thúc, đã bắt đầu xem xét nội dung của Hiệp ước Versailles, được đại diện của các nước chiến thắng soạn thảo từ nhiều tháng trước đó, và chuẩn bị để phản đối những gì họ coi là sự đối xử bất công, khắc nghiệt.

Phái đoàn Đức đã nhận được nội dung hiệp ước vào ngày 07/05/1919 và có hai tuần để kiểm tra các điều khoản và gửi lại phản hồi chính thức của họ bằng văn bản. Sau khi đã đặt niềm tin rất lớn vào khái niệm do Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đặt ra, về cái gọi là “hòa bình không có chiến thắng,” và đã sử dụng “Chương trình 14 điểm” nổi tiếng của ông làm cơ sở để tìm kiếm hòa bình vào tháng 11/1918, người Đức vô cùng tức giận và vỡ mộng khi cầm trên tay Hiệp ước Versailles. Như lời Ulrich von Brockdorff-Rantzau, Ngoại trưởng Đức: “Chẳng cần đến những thứ rườm rà này đâu. Cứ viết đơn giản, bằng một điều khoản thôi – rằng nước Đức hãy từ bỏ sự tồn tại của nó.”

Bị thúc đẩy bởi mong muốn của Pháp và Anh, buộc Đức phải trả giá cho vai trò của nước này trong cuộc xung đột tàn khốc nhất mà thế giới từng chứng kiến, Wilson và các đại diện khác của phe Đồng minh Hiệp ước tại Hội nghị Versailles đã thực sự rời xa một nền “hòa bình không có chiến thắng” thuần túy. Theo các điều khoản, Đức sẽ mất 13% lãnh thổ và 10% dân số, cũng như bị từ chối tư cách thành viên Hội Quốc Liên, tổ chức gìn giữ hòa bình quốc tế được thành lập theo khuôn khổ Versailles. Hiệp ước cũng yêu cầu Đức phải trả tiền bồi thường chiến phí, mặc dù số tiền thực tế cuối cùng ít hơn số tiền mà Pháp đã trả sau Chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871).

Tuy nhiên, sự phản đối thực sự của người Đức đối với Hiệp ước Versailles nằm ở Điều 231 khét tiếng, trong đó buộc Đức phải nhận trách nhiệm là nước duy nhất gây ra cuộc chiến, để biện minh cho việc bồi thường chiến phí. Bất chấp nhiều cuộc tranh luận giữa chính các nước Đồng minh Hiệp ước, và sự phản đối kịch liệt của người Đức—kể cả của Brockdorff-Rantzau, người đã viết thư cho phe Hiệp ước vào ngày 13/05 rằng người dân Đức không muốn tham chiến và sẽ không bao giờ tiến hành chiến tranh xâm lược—Điều 231 vẫn được giữ nguyên. Người Đức có thời hạn đến ngày 16/06 để chấp nhận các điều khoản hiệp ước, sau đó được gia hạn đến ngày 23/06. Tuy nhiên, do bị áp lực bởi phe Hiệp ước, đồng thời bị bối rối bởi cuộc khủng hoảng trong chính phủ Weimar ở trong nước, phái đoàn Đức đã nhượng bộ và chấp nhận các điều khoản lúc 5:40 chiều ngày 23/05.

Hiệp ước Versailles được ký vào ngày 28/06/1919. Trong khi đó, sự phản đối hiệp ước và Điều 231 của nó, được coi là biểu tượng của sự bất công và khắc nghiệt, đã bùng phát ở Đức. Qua nhiều năm, lòng căm thù tột độ dần biến thành sự oán giận âm ỉ đối với hiệp ước và các tác giả của nó, một sự oán giận mà hai thập niên sau đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến Thế chiến II.