23/07/1914: Áo-Hung ra tối hậu thư cho Serbia

Nguồn: Austria-Hungary issues ultimatum to Serbia, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1914, lúc sáu giờ tối, gần một tháng sau khi Thái tử Áo Franz Ferdinand và vợ bị ám sát bởi một người Serbia theo chủ nghĩa dân tộc ở Sarajevo, Bosnia, Nam tước Giesl von Gieslingen, Đại sứ của Đế chế Áo-Hung tại Serbia, đã gửi tối hậu thư cho Bộ Ngoại giao Serbia.

Sau vụ ám sát Franz Ferdinand, nhận được hỗ trợ từ các đồng minh ở Berlin, Áo-Hung đã quyết định theo đuổi một chính sách cứng rắn đối với Serbia. Kế hoạch của họ, được phát triển với sự phối hợp của Bộ ngoại giao Đức, là thúc đẩy một cuộc xung đột quân sự mà Vienna hy vọng sẽ kết thúc nhanh chóng và dứt khoát với một chiến thắng áp đảo cho Áo, trước khi phần còn lại của châu Âu – cụ thể là đồng minh hùng mạnh của Serbia, Nga – có thời gian để phản ứng.

Theo các điều khoản của tối hậu thư được đưa ra vào ngày 23/07, chính phủ Serbia sẽ phải chấp nhận cho Áo-Hung điều tra vụ ám sát, bất chấp tuyên bố của Serbia rằng họ đã tiến hành cuộc điều tra nội bộ của riêng mình. Serbia cũng phải trấn áp mọi hoạt động tuyên truyền chống Áo và thực hiện các bước cần thiết để tiêu diệt tận gốc các tổ chức khủng bố trong biên giới của mình—một tổ chức như vậy, Bàn tay Đen (Black Hand), được cho là đã tiếp tay cho kẻ ám sát Thái tử, Gavrilo Princip, và đồng bọn của hắn, bằng cách cung cấp vũ khí và phương tiện di chuyển an toàn từ Belgrade đến Sarajevo. Chế độ Quân chủ Áo-Hung yêu cầu bức thư phải được hồi đáp trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, vì biết rằng người Serbia sẽ chống đối, Gieslingen đã sớm thu dọn hành lý và chuẩn bị rời đại sứ quán.

Trong khi thế giới chờ đợi phản ứng của Serbia, Đức đã bắt đầu công việc ngoại giao nhằm kiềm chế tác động của tối hậu thư, nhưng không một cường quốc nào khác chịu tin rằng Áo-Hung, với quân đội tương đối yếu, lại có thể hành động một mình. Đến năm 1914, chiến tuyến đã được vạch ra ở châu Âu: nếu Đức đứng cùng Áo-Hung chống lại Serbia (và rộng hơn là Nga) thì các đồng minh của Nga, Pháp và Anh, cũng có thể sẽ tham gia vào cuộc chiến.

Nội các Anh, ngay sau khi nhận được tin về bức thư của Áo gửi cho Serbia, đã nhóm họp tại London – cuộc họp này vốn dĩ được dành để thảo luận về mong muốn độc lập của Ireland. Như nhận xét nổi tiếng của Winston Churchill, bức thư này rõ ràng là một tối hậu thư, nhưng nó là một tối hậu thư chưa từng được viết ra trong thời hiện đại. Nếu đọc nội dung bức thư, thì có lẽ chẳng có quốc gia nào trên thế giới có thể chấp nhận nó, và cũng chẳng có sự chấp nhận nào, dù tuyệt vọng đến đâu, có thể làm hài lòng kẻ xâm lược. Hai quận Fermanagh và Tyrone cứ thế mờ dần trong sương mù và những cơn gió mạnh của Ireland, trong khi một tia sáng kỳ lạ bắt đầu chiếu xuống bản đồ châu Âu.

Khi nhận được tối hậu thư, Serbia đã ngay lập tức tìm đến người Nga, và Hội đồng Bộ trưởng Nga đã họp vào ngày 24/07 để xác định phương hướng hành động. Ngoại trưởng Nga Sergey Sazonov bày tỏ niềm tin rằng Đức đang sử dụng cuộc khủng hoảng về cái chết của Thái tử Áo như cái cớ để bắt đầu một cuộc chiến phòng ngừa nhằm bảo vệ lợi ích của mình trong khu vực. Bất chấp những kỳ vọng của Áo-Đức rằng Nga sẽ lùi bước trong trường hợp xảy ra xung đột, Hội đồng Bộ trưởng Nga đã đồng ý ra lệnh cho bốn quân khu chuẩn bị huy động lực lượng.

Trong khi đó, tại Belgrade vào chiều ngày 25/07, tin rằng Áo-Hung đang chuẩn bị cho một cuộc chiến, Thủ tướng Serbia Nicola Pasic đã ra lệnh điều động quân đội Serbia. Chính Pasic đã đích thân đại diện Serbia hồi đáp tối hậu thư cho Gieslingen tại đại sứ quán Áo, ngay trước thời hạn 6 giờ chiều. Serbia về cơ bản đã chấp nhận tất cả các điều khoản của tối hậu thư, chỉ trừ một điều: họ sẽ không chấp nhận sự tham gia của Áo-Hung vào bất kỳ cuộc điều tra nội bộ nào, tuyên bố rằng điều này sẽ vi phạm Hiến pháp và luật tố tụng hình sự. Phản ứng này đã góp phần khiến Pasic và đất nước của ông nhận được sự chú ý của các nhà quan sát quốc tế. Tuy nhiên, đối với Vienna, phản ứng này không có nghĩa lý gì. Với hành lý đã xếp xong và xe hơi đang chờ để chở ông ra ga tàu lửa, Gieslingen đã cắt đứt quan hệ ngoại giao của Áo-Hung với Serbia, rồi rời đi để bắt chuyến tàu của mình. Ba ngày sau, tức ngày 28/07/1914, Áo-Hung tuyên chiến với Serbia, chính thức bắt đầu Thế chiến I.