Nguồn: The New Orleans Massacre, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1866, trong thời kỳ Tái thiết đầy hỗn loạn sau Nội chiến Mỹ, sự phản kháng của người da trắng đối với quyền công dân của người Mỹ gốc Phi đã chuyển thành bạo lực ở New Orleans, khi một đám đông da trắng giết chết hàng chục người Mỹ gốc Phi đang tụ tập để ủng hộ một cuộc họp chính trị.
Thảm sát New Orleans, còn được gọi là Bạo loạn New Orleans, xảy ra tại Viện Cơ khí New Orleans, nơi 25 đại biểu của bang đang nhóm họp về Hội nghị Lập hiến Louisiana năm 1864. Hiến pháp mới của bang đã bãi bỏ chế độ nô lệ, nhưng cơ quan lập pháp bang lại thông qua luật hạn chế quyền của những người được giải phóng khỏi chế độ nô lệ. Vì vậy, Đảng Cộng hòa cấp tiến muốn điều chỉnh lại hiến pháp để những người tự do có quyền bầu cử. Một mục đích khác là loại bỏ các đạo luật hạn chế quyền của người Mỹ gốc Phi (Black Codes) và tước quyền của các thành viên từng ủng hộ Hợp bang miền Nam.
Hai trong số các nhà lãnh đạo chính của New Orleans—Thị trưởng John T. Monroe, một người đồng tình với phe Hợp bang, và Cảnh sát trưởng Harry T. Hays, một cựu tướng của Hợp bang—đã phản đối mạnh mẽ cuộc họp về hiến pháp mới. Sau một cuộc biểu tình chính trị vào ngày 27/07, Hays đã tập hợp một nhóm sĩ quan da trắng, hầu hết là cựu quân nhân của phe miền Nam, để cản trở cuộc họp, bắt đầu vào trưa ngày 30/07.
Khi các đại biểu tiến vào tòa nhà, một đám đông người biểu tình đã tụ tập bên ngoài Viện Cơ khí. Trong khi đó, khoảng 200 người Mỹ gốc Phi không vũ trang, chủ yếu là các cựu binh của Liên minh miền Bắc, đã tuần hành tiến về tòa nhà để bày tỏ sự ủng hộ. Khi họ đến gần tòa nhà, những người đứng xem đã quấy rối những người tuần hành và những vụ xô xát nhỏ lẻ đã xảy ra.
Khi Hays và người của ông đến hiện trường, tình hình dần nghiêm trọng hơn. Các sĩ quan đã nổ súng vào đám đông. Một số người tuần hành chạy vào Viện Cơ khí, trong khi số khác bị thảm sát ngay trên đường phố. Thông tin về con số thương vong là không thống nhất, nhưng một bài viết của Cục Công viên Quốc gia Hoa Kỳ báo cáo rằng 34 người Mỹ gốc Phi đã thiệt mạng và 119 người khác bị thương; ba trong số các đại biểu da trắng thiệt mạng và 17 người khác bị thương.
Tướng Absalom Baird, người có vai trò duy trì trật tự và trấn áp bạo lực trong khu vực trong thời kỳ Tái thiết, đã đánh điện cho Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton vào chiều hôm đó, báo cáo rằng, “Ngay sau khi cuộc bạo động này trở nên nghiêm trọng, cảnh sát, được sự hỗ trợ của người dân, đã trở thành những kẻ tấn công, và từ những bằng chứng mà tôi buộc phải tin, họ đã hành động rất tàn bạo. Cuối cùng, họ tấn công Hội trường Hội nghị và một cuộc đối đầu kéo dài đã xảy ra sau đó. Những người bên trong hội trường đành bỏ cuộc, một số người đã đầu hàng, sau đó bị tấn công và đối xử tàn bạo.”
Tướng Philip Sheridan, báo cáo với Bộ Chiến tranh, nói rằng các đại biểu và những người ủng hộ ôn hòa đã bị tấn công “bằng hoả lực, súng và dao, theo những cách không cần thiết và tàn bạo đến mức tôi buộc phải nói rằng đó là một vụ giết người.”
“Đó không phải là bạo loạn,” Sheridan nói. “Đó thực sự là một vụ thảm sát do cảnh sát thực hiện… không có chút gì là cần thiết.”
Thảm kịch ở New Orleans và trước đó là ở Memphis—nơi xảy ra một cuộc bạo loạn chết người tương tự vào đầu tháng 5/1866—đã dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách Tái thiết của nước Mỹ. Đảng Cộng hòa cấp tiến đã giành được đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1866. Điều này đã giúp thông qua Tu chính án thứ 14 và 15, đảm bảo quyền công dân cho tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch ở Mỹ—kể cả những người được trả tự do khỏi chế độ nô lệ—và trao quyền bầu cử cho những người đàn ông Mỹ gốc Phi.