29/08/1970: Người Mỹ gốc Mexico tuần hành phản đối Chiến tranh Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Thousands of Mexican American antiwar activists march in Chicano Moratorium, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1970, hơn 20.000 người Mỹ gốc Mexico đã tuần hành qua Đông Los Angeles để phản đối Chiến tranh Việt Nam. Chicano Moratorium, tên gọi của cuộc biểu tình khổng lồ này, đã diễn ra trong hòa bình cho đến khi Sở Cảnh sát Los Angeles tiến vào Công viên Laguna, kích thích bạo lực khiến ba người thiệt mạng. Ngày nay, Chicano Moratorium được nhớ đến như kết thúc bi thảm của một giai đoạn hoạt động của người Mỹ gốc Mexico (Chicano), nhưng cũng là khoảnh khắc khơi dậy và truyền cảm hứng cho một thế hệ các nhà hoạt động mới.

Cuộc tuần hành được lên kế hoạch như một cuộc biểu tình hòa bình nhằm phản đối Chiến tranh Việt Nam, vốn đã cướp đi sinh mạng của các binh sĩ gốc Latinh với tỷ lệ cao một cách khác thường. Khi những người biểu tình tập trung tại công viên, chủ một cửa hàng rượu gần đó đã gọi cảnh sát tới vì lo sợ một số khách hàng có thể trộm đồ trong cửa hàng. Khi sở cảnh sát hay tin, họ cho rằng cuộc biểu tình đã dẫn đến cướp bóc. Chẳng bao lâu sau, cảnh sát xông vào công viên và tấn công bằng hơi cay. Ba người chết và hàng trăm người đã bị bắt khi bạo loạn lan rộng khắp Đông Los Angeles.

Trong số những người thiệt mạng có Ruben Salazar, một nhà báo của tờ Los Angeles Times, thường được coi là tiếng nói của cộng đồng người gốc Mexico ở địa phương. Ông đã bị đánh vào đầu bằng một bình hơi cay. Cái chết của Salazar đã gây phẫn nộ, và nhiều người tin rằng cảnh sát, hoặc những đặc vụ FBI có mặt trong cuộc tuần hành, đã lợi dụng sự hỗn loạn để che đậy vụ ám sát một nhân vật bất đồng quan điểm nổi bật.

Nhiều người coi vụ bạo loạn và cái chết của Salazar là mất mát lớn của phong trào Chicano. Tuy nhiên, đối với nhiều người khác, đó là bước khởi đầu cho một đời hoạt động tích cực và là khoảnh khắc sẽ mãi mãi là biểu tượng cho cuộc đấu tranh vì bình đẳng chủng tộc của cộng đồng này. Nhiều nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội và chính trị gia nổi tiếng người gốc Mexico đã có mặt tại cuộc biểu tình. Công viên Laguna ngày nay đã được gọi là Công viên Ruben F. Salazar.