24/09/1948: Mildred Gillars không nhận tội phản quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Mildred Gillars—aka “Axis Sally”—pleads not guilty to treason, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1948, Mildred Gillars – nữ công dân Mỹ thường được biết đến với cái tên Sally Phe Trục (Axis Sally), người từng sinh sống ở Đức và tham gia phát sóng chương trình tuyên truyền trên đài phát thanh của Đức Quốc Xã trong Thế chiến II – đã kháng cáo về tám tội danh phản quốc. Luật sư của bà, James J. Laughlin, nói với thẩm phán rằng ông muốn mời Tổng thống Harry S. Truman làm nhân chứng, nhưng không nói rõ lý do.

Khi Adolf Hitler xâm chiếm Ba Lan vào ngày 01/09/1939 và phát động thế chiến, Gillars, một người gốc Ohio, đã sống ở Đức được 5 năm. Bà đã chọn ở lại Đức trong khi các đồng hương của bà cuối cùng đã rời khỏi đất nước do Đức Quốc Xã chiếm đóng. Năm 1940, mạng phát thanh nhà nước Đức đã thuê Gillars, người từng làm phát thanh viên về âm nhạc, và bà trở thành nhà tuyên truyền hàng đầu cho Đức Quốc Xã trong khi được bảo vệ bởi người tình, Max Otto Koischwitz. Gillars trở thành hiện thân của tuyên truyền của Đức Quốc Xã trong mắt lính Mỹ, những người gọi bà là Sally Phe Trục.

Trong các chương trình phát sóng, Gillars được biết đến là có chất giọng nhẹ nhàng nhưng lại truyền tải những nội dung độc địa, chẳng hạn như chế nhạo lính Mỹ rằng liệu vợ và bạn gái của họ có lừa dối họ ở quê nhà hay không, cũng như nói về những cái chết khủng khiếp mà họ có thể gặp trên chiến trường. Bà còn đưa ra những bình luận ác ý về Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người Do Thái, và Thủ tướng Anh Winston Churchill.

“Một thất bại đối với Đức có nghĩa là một thất bại đối với Mỹ,” Gillars nói trong một buổi phát thanh của mình. “Tôi nói Roosevelt và Churchill là bọn chết tiệt, cũng như tất cả những tay Do Thái đã biến cuộc chiến này thành hiện thực. Tôi, với tư cách là một cô gái Mỹ, sẽ ở lại phía bên này chiến tuyến bởi đây mới là chính nghĩa. Các cô gái, hãy cẩn thận! Đừng quên những điều đẹp đẽ chúng ta có ở quê nhà hiện đang gặp nguy hiểm.”

Danh tính của Gillars ban đầu được giữ kín nên rất nhiều biệt danh đã xuất hiện, bao gồm Em gái Berlin (Berlin Babe), Cô ả Berlin (Berlin Bitch) và Sally, dựa trên cái tên bà tự gọi mình. Biệt danh Sally nhanh chóng biến thành Sally Phe Trục, vì nước Đức của Hitler, cùng với Ý và Nhật được gọi là các cường quốc Phe Trục.

Sau khi Berlin sụp đổ và chiến tranh kết thúc, Gillars giả làm người tị nạn nhưng bị chính quyền Mỹ bắt giữ. Tại phiên tòa, bà thừa nhận mọi việc mình làm. Bà khẳng định mình là một nghệ sĩ được trả tiền chứ không phải kẻ phản bội, và rằng bà vẫn là một người Mỹ yêu nước. Tuy nhiên, vào ngày 10/03/1949, bồi thẩm đoàn chỉ kết án Gillars về một trong tám tội danh phản quốc và bản án là từ 10 đến 30 năm tù. Tháng 01/1961, Gillars, người đã cải sang đạo Công giáo khi ở trong tù, được ân xá. Bà đến sống tại một tu viện ở Columbus, Ohio, và dạy nhạc cho các nữ tu tập sinh ở đó.

Trong những năm cuối đời, Gillars – qua đời vào ngày 25/06/1988 ở tuổi 87 – đã cố gắng lấy lại danh tiếng với sự giúp đỡ của luật sư. Một bộ phim năm 2021 có tên American Traitor: The Trial of Axis Sally, với sự tham gia của Meadow Williams trong vai Gillars, đã kể lại câu chuyện của bà.