Thế giới hôm nay: 27/09/2023

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ FTC và 17 tiểu bang đã đệ đơn kiện Amazon với cáo buộc độc quyền một cách bất hợp pháp và cố tình giữ giá cao, tính phí không công bằng cho người bán và cản trở cạnh tranh. Đại diện pháp lý của Amazon gọi vụ kiện là “sai cả về sự thật và luật pháp.” FTC được lãnh đạo bởi Lina Khan, người từ lâu đã chỉ trích các hoạt động của Amazon.

Tổng thống Joe Biden đến thăm các công nhân ô tô đang đình công ở Detroit, đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm tham gia biểu tình. Các thành viên của nghiệp đoàn United Auto Workers đang đình công chủ yếu vì vấn đề lương thưởng. Ông Biden tới thăm Michigan, một bang chiến trường trong cuộc bầu cử năm tới, trước chuyến đi vào thứ Tư của đối thủ tiềm năng của ông cho chức tổng thống, Donald Trump.

Số người chết vì vụ nổ tối thứ Hai ở Nagorno-Karabakh đã tăng lên ít nhất 125. Nguyên nhân vụ nổ tại cơ sở lưu trữ nhiên liệu vẫn chưa rõ ràng. Cho tới nay khoảng 28.000 người sắc tộc Armenia đã tháo chạy khỏi vùng đất này để đến Armenia kể từ khi Azerbaijan nắm quyền kiểm soát khu vực vào tuần trước. Một đặc phái viên từ Armenia sẽ gặp những người đồng cấp Azerbaijan tại Brussels vào thứ Ba.

Chủ tịch Hạ viện Canada, Anthony Rota, đã từ chức sau khi mời một người đàn ông Ukraine 98 tuổi từng phục vụ trong quân đội Đức Quốc xã tới Quốc hội. Yaroslav Hunka đã được hoan nghênh nhiệt liệt bởi các nhà lập pháp Canada và Volodymyr Zelensky trong chuyến thăm của tổng thống Ukraine vào tuần trước. Ông Rota cho biết ông không biết vị khách của mình có liên hệ với Đức Quốc xã, và bày tỏ “sự hối tiếc sâu sắc”.

Một đoạn phim về đô đốc Viktor Sokolov, chỉ huy hạm đội Biển Đen Nga, người mà Ukraine tuyên bố đã bị họ giết vào tuần trước, vừa xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga. Ukraine cho biết Đô đốc Viktor Sokolov nằm trong số 34 sĩ quan thiệt mạng trong vụ tấn công tên lửa ở Crimea hôm thứ Sáu. Đoạn phim cho thấy ông tham dự một cuộc họp video với các nhà lãnh đạo quân sự khác.

Các công tố viên Anh cho rằng Jan Marsalek, một kẻ trốn truy nã người Áo, đã xây dựng một mạng lưới gián điệp thân Nga. Ông Marsalek trốn khỏi Đức vào năm 2020 sau sự sụp đổ của Wirecard, một công ty fintech nơi ông từng giữ chức giám đốc điều hành. Hiện nằm trong danh sách truy nã gắt gao của Interpol, ông được cho là đang ở Nga. Năm người Bulgaria bị buộc tội trong vụ án ở Anh sẽ bị giam giữ cho đến phiên tòa vào tháng tới.

Bộ trưởng du lịch Israel Haim Katz đã đến Ả Rập Saudi để tham dự hội nghị của Liên Hợp Quốc về du lịch – đánh dấu chuyến thăm chính thức đầu tiên của một bộ trưởng Israel tới quốc gia Ả Rập này. Ả Rập Saudi từ lâu đã tẩy chay nhà nước Do Thái, nhưng với sự khuyến khích của Mỹ mối quan hệ đang được cải thiện. Hôm 22 tháng 9, thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu tuyên bố hai nước đang “ở đỉnh điểm” của tiến trình bình thường hóa quan hệ.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình phục hồi của kinh tế Nga

Năm ngoái kinh tế Nga đã bị đe dọa nghiêm trọng khi các chính phủ phương Tây áp trừng phạt chưa từng có để đáp trả việc nước này xâm lược Ukraine. Nhưng giá dầu khí cao và nỗ lực kiềm chế lạm phát của ngân hàng trung ương đã cứu nền kinh tế khỏi thảm họa. GDP, doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và các dữ liệu được công bố vào thứ Tư sẽ cho thấy tổng thống Vladimir Putin cũng có lý khi ông khoe vào tuần trước rằng “giai đoạn phục hồi của nền kinh tế Nga đã kết thúc.”

Tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, trong khi GDP thực có thể cao hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất công nghiệp đang tăng trưởng khá. Song thách thức lớn là lạm phát, hiện vẫn ở mức cao bất chấp những nỗ lực mạnh mẽ của ngân hàng trung ương. Giá dầu yếu trong những tháng gần đây đã làm mất giá đồng rúp và đẩy chi phí nhập khẩu lên cao. Nhưng so với cách đây 18 tháng, nền kinh tế Nga trông bền vững hơn hẳn.

Công ty chip Micron của Mỹ gặp khó khăn

Trong khi các nhà sản xuất chip như Nvidia thu lợi từ cơn sốt trí tuệ nhân tạo, những công ty bán dẫn kém hấp dẫn hơn lại gặp khó khăn. Micron, một công ty sản xuất chip nhớ của Mỹ, dự kiến sẽ công bố khoản lỗ hoạt động quý thứ tư liên tiếp vào thứ Tư.

Nhu cầu suy yếu khi người tiêu dùng cắt giảm mua điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Sự thiếu hụt thời đại dịch đã biến thành tình trạng dư cung; làm tăng hàng tồn của nhiều công ty có sản phẩm sử dụng chip. Kioxia và Western Digital, các nhà sản xuất chip đối thủ, thậm chí đang thảo luận về việc sáp nhập.

Hồi tháng 5, Trung Quốc đã gây thêm khó khăn cho Micron bằng cách cấm một số nhà khai thác cơ sở hạ tầng sử dụng chip của công ty. Micron kiếm được 11% doanh thu từ khách hàng Trung Quốc đại lục. Một nửa trong số đó hiện đang bị đe doạ, đại diện công ty cho biết. Doanh nghiệp này đang bắt đầu chuyển trọng tâm sang Ấn Độ, và vừa động thổ xây dựng một nhà máy trị giá 2,75 tỷ USD trong tuần qua.

Chính trường Tây Ban Nha nóng lên vì vấn đế ân xá những người ly khai Catalan

Vào thứ Tư, quốc hội Tây Ban Nha sẽ bỏ phiếu về việc bổ nhiệm Alberto Núñez Feijóo, lãnh đạo Đảng Nhân dân trung hữu, làm thủ tướng. Song khả năng cao là ông sẽ thất bại. Dù giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử tháng 7, Đảng Nhân dân lại thiếu đa số, ngay cả khi có sự ủng hộ của đảng cực hữu Vox.

Bài phát biểu của ông Feijóo hôm thứ Ba đã đi thẳng vào chủ đề hiện đang gây chấn động Tây Ban Nha. Ông bác bỏ ý kiến cho rằng Pedro Sánchez, thủ tướng đương nhiệm của Đảng Xã hội, đang cân nhắc lệnh ân xá cho những người theo chủ nghĩa ly khai ở Catalan, những người đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vi hiến hồi năm 2017. Sau đó, hai đảng ly khai có thể bỏ phiếu để ông trở lại làm thủ tướng.

Ông Feijóo nhắc nhở quốc hội rằng một loạt các cựu lãnh đạo Đảng Xã hội đã phản đối lệnh ân xá. Nhưng bấy nhiêu là không đủ để thuyết phục được bất kỳ đại biểu Đảng Xã hội nào giúp ông có thêm bốn phiếu bầu còn thiếu. Sau ông Feijóo sẽ đến lượt ông Sánchez đối mặt một cuộc bỏ phiếu, cũng như cuộc tranh luận về lệnh ân xá vốn sẽ chia rẽ Tây Ban Nha một cách sâu sắc.

Anh xem lại dự án đường sắt cao tốc xuyên quốc gia

HS2, mạng lưới đường sắt cao tốc đang được quy hoạch, là dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của Anh. Kế hoạch được phê duyệt năm 2009 sẽ nối London với miền bắc nước Anh bằng một tuyến xe lửa mới, giúp giảm bớt tắc nghẽn trên các tuyến đường khác. Nhưng dự án đã bị đội vốn. Công trình ban đầu dự kiến tiêu tốn 37,5 tỷ bảng Anh (khi đó trị giá 62 tỷ USD) nhưng ước tính chính thức mới nhất — từ năm 2019 — là hơn 70 tỷ bảng Anh. Lạm phát cao trong hai năm qua có lẽ đã nâng con số đó lên khoảng 100 tỷ bảng.

Thủ tướng Rishi Sunak đang xem xét hủy bỏ toàn bộ chặng từ Birmingham đến Manchester hoặc trì hoãn bảy năm. Quyết định sẽ được đưa ra sớm nhất vào thứ Tư. (Hoặc cũng có thể bị trì hoãn.) Câu chuyện HS2 đang tạo ra rạn nứt trong Đảng Bảo thủ của ông Sunak. George Osborne, cựu bộ trưởng tài chính quan tâm đến chính sách thắt lưng buộc bụng, cũng như Boris Johnson, cựu thủ tướng không ngại chi tiêu, đều kêu gọi tiến hành dự án. Điều trùng hợp là vào Chủ nhật ông Sunak sẽ khai mạc hội nghị thường niên của đảng mình ở Manchester.