02/11/2000: Phi hành đoàn thường trú đầu tiên đến Trạm Vũ trụ Quốc tế

Nguồn: First residential crew arrives aboard the International Space Station, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2000, phi hành đoàn thường trú đầu tiên đã đến Trạm Vũ trụ Quốc tế. Sứ mệnh Expedition 1 đánh dấu sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về hợp tác quốc tế trong không gian, và về khoảng thời gian cư trú liên tục lâu nhất của con người trên quỹ đạo thấp của Trái Đất, điều vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Các cơ quan vũ trụ của Mỹ, Nga, Canada, Nhật Bản, và Châu Âu đã đồng ý hợp tác trên ISS vào năm 1998, và các bộ phận đầu tiên của trạm đã được phóng lên quỹ đạo vào cuối năm đó. Năm chuyến bay tàu con thoi và hai chuyến bay không người lái của Nga đã chuyển giao nhiều bộ phận cốt lõi và lắp ráp một phần trạm vũ trụ. Hai người Nga, Yuri Gidzenko và Sergei Krikalev, cùng với Bill Shepherd của NASA, đã được chọn làm thành viên phi hành đoàn Expedition 1.

Bộ ba đến ISS trên tên lửa Soyuz của Nga phóng từ Kazakhstan. Khác với các sứ mệnh sau đó, nhiệm vụ của Expedition 1 chủ yếu bao gồm việc xây dựng, cài đặt và kích hoạt nhiều thành phần của ISS. Nhiệm vụ này đôi khi nói dễ hơn làm: phi hành đoàn cho biết họ phải mất hơn một ngày chỉ để kích hoạt một trong những máy hâm thức ăn của trạm. Suốt thời gian ở trong không gian, họ đã được hai tên lửa không người lái của Nga, và ba sứ mệnh tàu con thoi đến thăm và tiếp tế, một trong số đó mang theo những tấm pin quang điện, hay pin mặt trời khổng lồ, cung cấp phần lớn năng lượng cho trạm. Shepherd, Gidzenko, và Krikalev trở thành những người đầu tiên thích nghi với cuộc sống lâu dài ở quỹ đạo thấp, bay vòng quanh Trái Đất khoảng 15,5 lần mỗi ngày và tập thể dục ít nhất hai giờ mỗi ngày để bù đắp tình trạng teo cơ xảy ra trong điều kiện trọng lực thấp.

Vào ngày 10/03, tàu con thoi Discovery đã đưa ba cư dân mới đến thay thế cho các thành viên Expedition 1, những người đã hạ cánh trở lại Trái Đất tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào ngày 21/03. Kể từ đó, con người đã liên tục cư trú trên ISS, với kế hoạch tiếp tục cho đến ít nhất là năm 2030. 236 người từ 18 quốc gia đã đến thăm trạm và một số mô-đun mới đã được bổ sung, nhiều mô-đun nhằm mục đích nghiên cứu sinh học, khoa học vật liệu, tính khả thi của việc con người du hành vũ trụ xa hơn, và nhiều lĩnh vực khác.