Nguồn: United States recognizes new Cuban government, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1959, chỉ sáu ngày sau khi chế độ độc tài Fulgencio Batista sụp đổ ở Cuba, chính quyền Mỹ đã công nhận chính phủ lâm thời mới của đảo quốc này. Dù lo ngại rằng Fidel Castro, người đã lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ Batista, có thiên hướng cộng sản, chính phủ Mỹ tin rằng họ có thể hợp tác với chế độ mới và bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Cuba.
Sự sụp đổ của chính phủ thân Mỹ của Batista là nguyên nhân gây lo ngại nghiêm trọng cho các quan chức Mỹ. Ban đầu, chính phủ mới, do Manuel Urrutia làm tổng thống lâm thời, tỏ ra thờ ơ với các nhà ngoại giao Mỹ, bao gồm Đại sứ Mỹ Earl E. T. Smith. Cá nhân Smith cũng nghi ngờ về chính trị của chế độ mới. Ông và những người Mỹ khác ở Cuba nghi ngờ động cơ và mục tiêu của nhà lãnh đạo nổi dậy đầy lôi cuốn Fidel Castro.
Ngoại trưởng John Foster Dulles đã bác bỏ những lo ngại của Smith. Dulles khuyên Tổng thống Dwight D. Eisenhower công nhận chính phủ Urrutia, vì họ dường như “không có vết nhơ của Cộng sản” và quan tâm đến “quan hệ thân thiện với Mỹ.” Dulles và các quan chức Mỹ khác có lẽ đã xem việc công nhận chính phủ mới của Cuba là một cách để ngăn chặn các phần tử cấp tiến hơn trong Cách mạng Cuba lên nắm quyền. Ngoài ra, một số quốc gia khác, bao gồm một số nước Mỹ Latinh, đã công nhận chính phủ Cuba.
Bất chấp khởi đầu đầy hứa hẹn này, quan hệ giữa Cuba và Mỹ đã xấu đi gần như ngay lập tức. Các quan chức Mỹ nhận ra rằng Castro, người tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cuba vào tháng 2/1959, mới nắm giữ quyền lực thực sự ở Cuba. Các chính sách của ông – liên quan đến việc quốc hữu hóa tài sản của Mỹ và quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ hơn với các nước cộng sản – đã thuyết phục các quan chức Mỹ rằng chế độ của Castro cần phải bị loại bỏ. Chưa đầy hai năm sau đó, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba, và vào tháng 4/1961, tung ra một cuộc tấn công thảm hoạ, sử dụng các lực lượng lưu vong Cuba chống lại chính phủ Castro (Cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn).