25/01/1919: Thành lập Uỷ ban về Hội Quốc Liên

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Formal commission is established on the League of Nations, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, tại Paris, các đại biểu tham dự hội nghị hòa bình đã chính thức phê chuẩn việc thành lập Ủy ban về Hội Quốc Liên.

Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson nhất quyết đòi làm chủ tịch ủy ban này – đối với ông, việc thành lập Hội Quốc Liên rõ ràng là trung tâm của các cuộc đàm phán hòa bình. Ông được Thủ tướng Anh David Lloyd George ủng hộ. Dù Thủ tướng Pháp Georges Clemenceau tỏ ra hoài nghi hơn, tin rằng hòa bình với Đức mới là mục tiêu quan trọng, nhưng ông đã đồng ý với những người đồng cấp từ Mỹ và Anh, để Pháp không bị xem là trở ngại cho việc hình thành Hội Quốc Liên. Ban đầu, uỷ ban đầu bao gồm hai đại diện từ mỗi quốc gia trong nhóm Ngũ Cường – Pháp, Đế quốc Anh, Ý, Nhật Bản, và Mỹ. Sau đó, khi các quốc gia nhỏ hơn như Bỉ phản đối, nhóm này đã được quyền đề cử thêm đại diện, đầu tiên là 5 và cuối cùng là 9.

Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban về Hội Quốc Liên được tổ chức vào ngày 3/2. Căng thẳng nảy sinh gần như ngay lập tức đối với những nỗ lực của Pháp nhằm làm cho Hội Quốc Liên có khả năng thực thi mạnh mẽ các nguyên tắc của mình. Họ kêu gọi giải trừ quân bị nghiêm ngặt đối với tất cả các quốc gia, trao quyền giám sát sâu rộng cho Hội Quốc Liên, và thành lập một lực lượng quân sự quốc tế bao gồm các thành viên của Hội. Các phái đoàn Anh và Mỹ nghi ngờ đây chỉ là cách để người Pháp đạt được mục tiêu thành lập một liên minh vũ trang lâu dài chống lại kẻ thù đáng ghét nhất của họ là Đức. Về mặt chính trị, chương trình của Pháp cũng là một giải pháp không thể thực hiện được, vì cả Quốc hội Anh và Quốc hội Mỹ đều không sẵn sàng từ bỏ quyền quyết định thời gian và địa điểm lực lượng vũ trang của đất nước họ sẽ được triển khai. Tại một thời điểm, có tin đồn rằng Wilson thậm chí đã chuẩn bị từ bỏ hoàn toàn các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, ủy ban vẫn kiên trì thảo luận và một bản dự thảo toàn diện đã sẵn sàng trước ngày 14/02.

Dự thảo này phác thảo tất cả các khía cạnh của Hội Quốc Liên, bao gồm cả cơ cấu điều hành: đại hội đồng, ban thư ký, và hội đồng điều hành. Trái ngược với yêu cầu của Pháp, Hội Quốc Liên sẽ không có quân đội và không có nhiệm vụ giải trừ quân bị. Để ngăn chặn các quốc gia nhỏ hơn liên kết với nhau nhằm vượt qua số phiếu của các quốc gia lớn hơn, đã có một điều khoản rằng phần lớn các quyết định của Hội Quốc Liên phải được nhất trí, một yêu cầu mà sau này được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự kém hiệu quả của Hội.

Đức đã không được mời tham gia Hội Quốc Liên ngay lập tức. Pháp cực kỳ kiên quyết về điểm này và các đồng minh của họ đã nhượng bộ mà không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, quyết định này sẽ khiến Đức khó chịu khi phải đồng ý với Hiệp ước Versailles về việc thành lập một tổ chức mà nước này không thể tham gia.