23/03/1983: Bệnh nhân được cấy ghép tim nhân tạo đầu tiên qua đời

Nguồn: First artificial heart patient dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1983, Barney Clark, một nha sĩ 61 tuổi, đã qua đời sau 112 ngày trở thành người đầu tiên trên thế giới được cấy ghép tim nhân tạo vĩnh viễn. Ông đã dành bốn tháng cuối đời nằm trên giường bệnh tại Trung tâm Y tế Đại học Utah ở Salt Lake City, được gắn với một thiết bị nặng gần 160kg, giúp bơm không khí vào và ra khỏi “quả tim” thay thế làm từ nhôm và nhựa thông qua hệ thống ống dẫn.

Cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học đã bắt đầu phát triển một máy bơm để hỗ trợ tạm thời hoạt động của tim. Năm 1953, máy tim phổi nhân tạo được sử dụng thành công lần đầu tiên trong một ca phẫu thuật trên người. Thông qua thủ thuật này, mà cho đến nay vẫn được sử dụng, máy móc tạm thời đảm nhận chức năng của tim và phổi, cho phép các bác sĩ phẫu thuật trên các cơ quan này. Tuy nhiên, sau vài giờ, máu sẽ bị tổn thương do quá trình bơm và oxy hóa.

Đến cuối những năm 1960, các bệnh nhân có tim bị tổn thương không thể phục hồi đã bắt đầu nhen nhóm hy vọng khi các ca phẫu thuật ghép tim bắt đầu được thực hiện. Tuy nhiên, nhu cầu tim hiến tặng luôn vượt quá nguồn cung, và mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân đã qua đời trong khi chờ đợi tim hiến tặng.

Ngày 4/4/1969, bác sĩ phẫu thuật Denton Cooley thuộc Viện Tim Texas đã thực hiện một ca phẫu thuật lịch sử trên Haskell Karp, một bệnh nhân với quả tim gần như hỏng hoàn toàn, nhưng không có tim hiến tặng có sẵn. Karp là người đầu tiên trong lịch sử được cấy ghép tim nhân tạo. Trái tim tạm thời làm bằng nhựa và Dacron này đã kéo dài tuổi thọ của Karp thêm ba ngày, đủ thời gian để các bác sĩ tìm cho ông một trái tim hiến tặng. Tuy nhiên, ngay sau khi tim người được ghép cho Karp, ông đã qua đời vì nhiễm trùng. Bảy nỗ lực tiếp theo cũng gặp thất bại, và nhiều bác sĩ dần mất niềm tin vào khả năng thay thế tim người bằng vật thay thế nhân tạo.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 1980, một nhà khoa học tiên phong khác đã bắt đầu nỗ lực phát triển một trái tim nhân tạo khả thi hơn. Robert K. Jarvik đã quyết định theo học y khoa và kỹ thuật sau khi cha ông qua đời vì bệnh tim. Ở thời điểm năm 1982, ông đang tiến hành thử nghiệm trái tim nhân tạo Jarvik-7 trên động vật tại Đại học Utah.

Ngày 02/12/1982, một nhóm do Bác sĩ William C. DeVries đứng đầu đã cấy ghép Jarvik-7 cho Barney Clark. Vì tim nhân tạo của Jarvik được thiết kế để tồn tại vĩnh viễn, nên trường hợp của Clark đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Clark đã trải qua 112 ngày cuối đời trong bệnh viện và phải chịu nhiều đau đớn do các biến chứng và sự khó chịu do việc bơm khí nén vào và ra khỏi cơ thể. Ông qua đời vào ngày 23/03/1983, vì các biến chứng khác nhau. Trải nghiệm của Clark khiến nhiều người cảm thấy rằng thời đại của tim nhân tạo vĩnh viễn vẫn chưa đến.

Trong thập niên tiếp theo, Jarvik và những người khác tập trung nỗ lực vào việc phát triển các máy bơm cơ học để hỗ trợ tim bị bệnh thay vì thay thế nó. Những thiết bị này cho phép bệnh nhân sống thêm nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm để chờ đợi tim hiến tặng. Những thiết bị cấy ghép chạy bằng pin này mang lại khả năng vận động cho bệnh nhân mắc bệnh tim và cho phép họ sống một cuộc sống tương đối bình thường. Đến những năm 1990, Jarvik-7 đã được sử dụng trên hơn 150 bệnh nhân có tim bị tổn thương quá nặng không thể được hỗ trợ bởi máy bơm cơ học. Hơn một nửa số bệnh nhân này đã sống sót cho đến khi họ được ghép tim.

Năm 2001, một công ty có tên Abiomed đã giới thiệu AbioCor, quả tim thay thế hoàn toàn khép kín đầu tiên.