Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê, tự xưng hoàng đế

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”

Cung Hoàng đế tên huý là Xuân, cháu bốn đời của Vua Thánh Tông, cháu nội Kiến Vương Tân, con thứ Cẩm Giang Vương Sùng, là em cùng mẹ với Vua Chiêu Tông. Vua sinh ngày 26 tháng 7 năm Đoan Khánh thứ 3 [2/9/1507]; ở ngôi 5 năm. Vào ngày 15 tháng 6 năm Thống Nguyên thứ 6 [12/7/1527], Mạc Đăng Dung bắt phải nhường ngôi, sau đó mấy tháng bị Đăng Dung giết, chôn ở lăng Hoa Dương.

Khởi đầu sự nghiệp, trong chiếu lên ngôi lấy cớ anh ruột là Vua Chiêu Tông bị kẻ gian bắt hiếp đưa ra ngoài, bèn lên ngôi vua, niên hiệu Thống Nguyên.

Ngày mồng 10 tháng 8 năm Thống Nguyên thứ nhất [30/8/1522], tức Minh Thế Tông, Gia Tĩnh năm thứ nhất, Mạc Đăng Dung thấy tình hình tại kinh thành không an toàn, bèn đem vua đến Hồng Thị rồi làm hành điện ở Cẩm Giàng, Hải Dương; chuyển vận vàng bạc, tiền của ở các kho tàng trong thành đem cả về đấy.

Ngày 16 [5/9/1522], vua cũ Chiêu Tông trở về kinh thành, ngự tại hành điện Thuỵ Quang, coi chầu các quan, các nơi đều hưởng ứng. Bọn Lâm Xuyên bá Đàm Thận Huy, Phó đô tướng Phúc Sơn hầu Hà Phi Chuẩn nhận mật chiếu trở về Bắc Giang để dấy binh. Lại có bọn Vương Đàm hầu Nguyễn Vĩnh, Hà Lý hầu Lê Quảng đến yết kiến. Ninh Xuyên hầu Lê Đình Tú ở miền dưới trấn Sơn Nam cũng hưởng ứng. Vua lại sai Đình Tú tập hợp người bản huyện và các dinh sở thuộc, chia quân trấn giữ những nơi trọng yếu ở các xã Bộc Độ, Ninh Giang, Nghĩa Lễ. Sau bị Đăng Dung đánh bại, Đình Tú bị bắt đưa đến dinh của Đăng Dung, rồi bị giải về hành điện ở Cẩm Giàng. Vua Cung Hoàng cho là Đình Tú có công lao cũ, chỉ sai thắt cổ cho chết thôi.

Vua cũ Chiêu Tông sai bọn Nguyễn Kính, Lê Vĩnh, Nghiêm Bá Ký, Kiều Bá Khiêm, Nguyễn Xí chia đường tiến đánh các huyện Gia Lâm, Văn Giang, Đường Hào, Cẩm Giàng, Lương Tài, Gia Định, cầm cự nhau đến một tháng chưa phân được, thua.

Bấy giờ Vua Chiêu Tông ở hành điện Thuỵ Quang, sai Trung sứ đi gọi Trịnh Tuy ở Thanh Hoa; đi về đến ba, bốn lần. Trịnh Tuy thấy vua ở Thuỵ Quang, không nghe lời các tướng, tin dùng bọn tiểu nhân, dùng dằng mãi không đến. Mạc Đăng Dung chia các dinh thuỷ, bộ đánh vào các xứ ở bến Đông Hà [ô Quan Chưởng, Hà Nội], Vua Chiêu Tông sai bọn Lại Thúc Mậu, Nguyễn Dư Hoan, Nguyễn Định, Đàm Khắc Nhượng dàn trận chống giữ và cầm cự, bị Đăng Dung đánh bại, bọn Thúc Mậu, Dư Hoan phải lùi dần.

Khi ấy, bọn Hưng Hiền bốn người mang mộc, cầm giáo từ phường Phục Cổ đánh thẳng vào Điện Thuỵ Quang. Vua phải tránh ra, đóng ở đình cũ xã Nhân Mục [huyện Từ Liêm, Hà Nội], dân chúng đua nhau dâng cháo gạo, các quan trong lúc vội vàng tan vỡ, bắt đầu tập hợp lại.

Ngày 20 tháng 9 [9/10/1522] Vua Chiêu Tông lại đem quân trở về kinh sư, đóng ở phía tây kinh thành thuộc xã Yên Quyết Thượng,[1] huyện Từ Liêm; làm hành điện để coi chầu, dựng nhà Thái Miếu ở phía đông thành.

Tháng 10 [19/10-17/11/1522], Trịnh Tuy đem quân ba phủ của Thanh Hóa và tướng sĩ các xứ gồm hơn 1 vạn người đến hộ giá rồi lại trở về dinh của mình; sai thuộc tướng là Nguyễn Bá Kỷ vào hầu. Phạm Điền sợ Kỷ tranh quyền, tâu vua chém Kỷ rồi đem đầu đưa đến cửa đình của Tuy; do vậy Tuy nổi giận, bắt đầu có chí khác.

Ngày 18 tháng 10 [5/11/1522], bọn Trịnh Tuy và Trịnh Duy Thuân nói phao là đi xem mặt bằng để dựng doanh trại trấn thủ ở xã Dịch Vọng [phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội]. Đến tối, đóng dinh ở đó, tảng sáng hôm sau, Tuy cùng với bọn Duy Thuân phục quân ở Dịch Vọng, bắn ba tiếng súng, đem quân reo hò ầm ĩ. Trịnh Tuy uy hiếp, bắt vua về Thanh Hóa. Quốc tử giám tư nghiệp Lê Hữu Trung chết trong trận đó.

Ngày 12 tháng 11 [29/11/1522], Định Sơn hầu Giang Văn Dụ khởi binh chống Mạc Đăng Dung ở các huyện Thanh Oai, Sơn Minh,[2] Hoài An [huyện Hoài Đức, Hà Tây],[3] Chương Đức. Nhân dân các huyện Thanh Đàm,[4] Thượng Phúc, Phú Nguyên[5] đều hưởng ứng. Liên Hồ bá Lê Văn Phúc cáo cấp; Mạc Đăng Dung còn đang đánh dẹp vùng Kinh Bắc, nên sai các tướng đi đánh: Kiều Văn Côn từ Phú Nguyên tiến vào Thanh Oai, Mai Xuyên hầu Lê Bá Ký từ Thành Đàm tiến vào Chương Đức, Đông Sơn hầu Mạc Quyết từ Thanh Oai tiến vào Chương Mỹ, bốn mặt đánh kẹp vào, đánh phá tan quân Dụ, đuổi dài suốt đêm đến tận chân núi mới về.

Ngày 18 tháng 12 [4/1/1523], Vua Cung Hoàng từ hành điện tại Cẩm Giàng, Hải Dương, trên đường trở về kinh sư.

Ngày 29 tháng 2 năm Thống Nguyên thứ 2 [15/3/1523], tức Minh Gia Tĩnh năm thứ 2, vua ở hành dinh Bồ Đề, Bắc Ninh; cho các quan vào chầu. Vì năm trước là năm Nhâm Ngọ, theo lệ có khoa thi Hương, nhưng trong nước loạn lạc chưa mở khoa thi, nay xuống chiếu cho học trò bốn xứ Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Bắc cùng tới bãi Xuân Đỗ, huyện Gia Lâm để thi. Thi Hội các cử nhân, lấy đỗ bọn Đào Nghiễm 36 người. Khi thi Đình, vua thân hành ra đầu đề, hỏi về đạo làm vua, làm thầy. Cho Hoàng Văn Tán, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Đạo Quán 3 người đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Đoàn Đình Chương 8 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Súc 23 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.

Mạc Đăng Dung sai bè đảng là bọn Sơn Đông hầu Mạc Quyết, Quỳnh Khê hầu Vũ Hộ, Dương Xuyên hầu Vũ Như Quế đi đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hóa, phá tan quân Tuy. Trịnh Tuy liền dời Vua Chiêu Tông lên đầu nguồn tại châu Lang Chánh.

Phong Nguyễn Thì Ung người xã Đa Ngưu, huyện Văn Giang làm Lương Văn hầu. Thì Ung có hai con gái, một người gả cho Vua Cung Hoàng, một người gả cho Mạc Đăng Dung; sau được phong làm Thống quận công.

Tháng 8 [9/9-8/10/1523], Mạc Đăng Dung dùng danh nghĩa Vua Cung Hoàng phế vua cũ Chiêu Tông là Đà Dương Vương. Lấy Đông các đại học sĩ Nguyễn Quý Nhã làm Lại bộ tả thị lang.

Mùa xuân năm Thống Nguyên thứ 3 [1524], tức Minh Gia Tĩnh năm thứ 3, vua ở hành dinh Bồ Đề, tiến phong Mạc Đăng Dung làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công. Mạc Đăng Dung sai bè đảng là Mạc Quyết đem quân đi đánh Trịnh Tuy ở đầu nguồn Thanh Hoa. Lấy Nguyễn Quý Nhã làm Ngự sử đài phó đô ngự sử.

Ngày 24 tháng 11 [18/12/1524], truy tặng cố Thiết Sơn bá Trần Chân làm quận công, phong cho con là Trần Thực làm Hoằng Hưu bá. Trước kia, Chân bị bọn gian thần gièm pha, cùng với thuộc hạ 6 người đều bị hại; đến đây Vua biết ông là người trung, nên truy tặng.

Về phía nhà Minh đã sai người theo dõi kỹ tình hình nước Đại Việt, biết rõ việc Vua Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa, Vua Cung Hoàng do Mạc Đăng Dung đưa lên thay. Tuy nhiên nhà Minh đã thu thập một số tin sai như Vua Lê Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết, chứ không phải do Trần Cảo giết; và sự kiện Mạc Đăng Dung lấy mẹ Vua Chiêu Tông làm vợ, không đúng:

Ngày 28 tháng 12 năm Gia Tĩnh thứ 3 [ 21/1/1525].

Trước đây cho rằng sự tình tại An Nam tấu báo không rõ ràng, mệnh quan Trấn, Tuần tra khám. Nay Tuần Án Quảng Tây Ngự sử Uông Uyên tâu đầy đủ rằng:

 “Quốc vương An Nam Lê Trừu không có con, lập Huệ, con người anh tên Hiển, làm Thế tử. Vào năm Chính Đức thứ 11 [ 1516-1517] viên quan là Trần Cảo [đúng ra là Trịnh Duy Sản] giết Trừu; người trong nước là bọn Lê Hồi lập Huệ làm Vương [Vua Chiêu Tông]. Viên quan Mạc Đăng Dung đánh được bọn Cảo chạy, rồi Cảo bị chết. Con y là Thăng còn đóng tại Lạng Sơn, như cái gai. Đăng Dung đánh giặc cậy công, bèn lấy vợ góa của Hiển, tức mẹ của Huệ; rồi mưu đoạt lấy nước; nên Đỗ Ôn Nhuận, Trịnh Tuy đưa Huệ vào phủ Thanh Đô [Thanh Hóa]. Đăng Dung bèn cưỡng bách em Huệ là Quảng [Xuân, tức Vua Cung Hoàng] lập căn cứ tại các phủ Hải Đông, Trường Khánh. Lúc này các phe thù nghịch lẫn nhau, không có chủ soái nhất định. Tương đối lớn trong bọn, phủ Trường Khánh ra điệp văn xưng là “Mạc Đăng Dung đánh giặc ở ngoài; gian thần gồm Đỗ Ôn Nhuận, Trịnh Tuy hiếp đưa Huệ vào Thanh Đô, vì vậy Đăng Dung tạm lập Quảng coi sóc việc nước. Nay đã giết được Ôn Nhuận, đuổi được Trần Thăng, trong nước thái bình (ý chỉ chỗ Mạc Đăng Dung chiếm đóng.)”

Thần ước tính sự tình việc lập Lê Huệ danh vị rất chính đáng, đã nắm việc nước 7 năm, rồi đột ngột bỏ trốn đi. Đăng Dung nếu trung nghĩa, sao không lo đánh giặc, lại tính lập người khác, khó tránh được tội soán hiếp. Vả lại Lê Hiển chết sớm, làm sao lại có được con nhỏ; hoặc giả Đăng Dung lấy người vợ đẻ con, rồi mạo xưng là Lê Quảng, cũng chưa biết chừng! Huống Thanh Đô tại bờ cõi phía nam, tin tức cách tuyệt, cái gọi là giết Đỗ Ôn Nhuận cũng không biết là đúng hay sai; việc Lê Huệ chết hay sống cũng chưa biết và người này cũng chưa được sắc phong, nên không dám bàn một cách thiếu thận trọng.”

Bản sớ đưa xuống hai bộ Lễ và Binh bàn thêm:

 “Mối loạn tại An Nam bắt đầu từ Trần Cảo phản nghịch, rồi Lê Trừu bị hại, kế đến Đăng Dung gian hùng nên Lê Huệ phải lưu vong. Mà Đăng Dung phản bội chủ cũ, lập Lê Quảng. Huệ là anh, Quảng là em; em không thể đoạt ngôi của anh, Đăng Dung là bầy tôi không thể phế bỏ chủ. Nay nước này không có chủ, thế không qui về một mối. Nếu tương lai Huệ có thể quang phục được, phong cho y là phải. Nếu Huệ không trở về, phong cho Quảng là hùa theo mưu gian, không phong thì không có người thuộc phái đích, không có cách nào vẹn toàn. Vậy phải đợi nước này ổn định, khám báo không có điều gì khác, xem lời xin của chúng, rồi có quyết định thích hợp.”

Thiên tử phán:

Các quan Trấn, Tuần khám thực, tâu lên để định đọat.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 175.

Ngày mồng 9 tháng 10 năm Thống Nguyên thứ 4 [24/10/1525], tức Minh Gia Tĩnh năm thứ 4, Mạc Đăng Dung đi kinh lý các xứ, tự làm Đô tướng, thống lĩnh các doanh quân thủy bộ cả nước đi đánh Trịnh Tuy ở đầu nguồn Thanh Hóa. Giờ Mùi [13:00-15:00] ngày 28 [12/11/1525], đón bắt được vua cũ Chiêu Tông ở động An Nhân, xã Cao Sơn, sách Thuý Cử, châu Lang Chánh, Thanh Hóa.

Ngày 19 tháng 11 [3/12/1525], Vua Cung Hoàng ban tờ chiếu đề cao Mạc Đăng Dung đánh tan bọn Trịnh Tuy và đón bắt Đà Dương Vương tức Vua Chiêu Tông trở về:

Đế vương trừ bạo yên dân, đại nghĩa Xuân Thu sáng tỏ, vua chúa ban ơn phát lộc, lòng nhân mưa móc rộng ban, đạo trị đăng bày, đức hoá thấm khắp. Nước nhà ta, nhân thời mở vận, ứng mệnh trời, thuận lòng người. Thái Tổ Cao Hoàng Đế sáng nghiệp mở nền, cứu sinh linh ra khỏi nước sôi lửa bỏng; Thái Tông Văn Hoàng Đế, dựng cương bày kỷ, đặt thế nước vững như hào nóng thành đồng, gốc thẳng, nguồn xa, nhân sâu, ân hậu; Thánh Tông Thuần Hoàng Đế, trong yên ngoài ấm, chinh phạt bằng vũ lực, giữ nước bằng văn chương; Hiến Tông Duệ Hoàng Đế lên ngôi giữ lễ, mưu hay rõ rệt, công lớn kế thừa. Thánh thần truyền nối, khuôn mẫu theo nhau. Phúc chung tưởng sánh mãi với nhà Chu, vận bĩ bỗng gặp ngay như đời Hán. Khoảng năm Hồng Thuận, Quang Thiệu, vận nước gian truân. Bọn Trần Cảo, Trịnh Tuy, đã gây mầm hoạ lớn. Chúng như lang sói nhâu nhâu quấy hại, dân tựa bầy nhạn ríu rít kêu thương. Ta là cháu của Đức Tông [Kiến Vương Lê Tân], là con của Minh Tông [Cẩm Giang Vương Lê Sùng], chỉ vì nghĩa lớn, gượng theo lòng vui dựng của trăm quan, thương dân như con, rất xót nỗi khổ đau của muôn họ. Muốn nên công xếp giáo mác, phải xét câu giúp đẩy bánh xe.[6] Đặc sai Đô tướng thái phó Nhân quốc công Mạc Đăng Dung thống lĩnh các dinh quân thuỷ bộ cả nước kể tội chúng mà đi trừng phạt. Quân tiết chế của ta, như chim ưng lượn, như hổ vồ mồi; quân trốn chạy chúng nó, tựa hoẵng tan bầy, tựa kiến vỡ tổ. Cảo, Tuy cụp mỏ mà hứng bại vong; Kính, Áng ôm đầu mà bị chém giết. Bọn Khắc Thân, Dư Hoan, phút chốc bị băm vằm ở Thiên Quan; lũ Công Khản, Đình Tán, giây lát phải cùng đường ở Lang Chánh. Vào cuối tháng thuần âm [tháng 10] này, lại đón được Đà Dương Vương trở về. Đông tây nam bắc đại đồng, nơi nào cũng phục; biển rộng suối sâu nhuần thấm, trị nước phải khoan. Các việc nên làm, liệt kê ở dưới. Ôi! Vua thể theo nguyên khí mà nuôi dưỡng dân, giống như trời đất sinh thành; dân mẫn cảm nhân đức cho hợp đạo trung, trở lại Đường Ngu trịnh trị. Bá cáo khắp nước, cho mọi người hay.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 15, trang 63a

Tháng 12 [14/12/1525-12/1/1526], sau khi bắt được Vua Chiêu Tông, Mạc Đăng Dung ra tay khủng bố các quan trung thành với vua cũ, khiến hàng chục người tử tiết. Trong đó có Phúc Lương hầu Hà Phi Chuẩn đóng quân tại Bắc Giang. Bấy giờ Phi Chuẩn nghe tin Mạc Đăng Dung đã bắt Vua Chiêu Tông, bèn giải tán quân trốn về Bắc; bị đồng bọn là Tử Nhạc bá bắt giải về Kinh sư và bị thắt cổ chết. Lại bộ thượng thư Đàm Thận Huy, Tham chính sứ Kinh Bắc Nguyễn Duy Tường, Hiến sát sứ Nguyễn Tự Cường và Bình hồ bá Nghiêm Bá Ký đều thống suất dân quân chống đánh với Đăng Dung; không thắng được, đều tự tử chết. Nguyễn Mậu từng theo Vua Chiêu Tông về Thanh Hóa, đến khi Chiêu Tông bị Đăng Dung bức hiếp đưa về, Mậu tự mình về Kinh sư chịu tội. Lúc đầu định giết; Phạm Gia Mô vì tiếc tài của Mậu có thể dùng được, cố can nên được tha, rồi biếm làm Thừa chính sứ Tuyên Quang, ít lâu sau lại được cử làm Ngự sử đài đô ngự sử.

Ngày 12 tháng 2 năm Thống Nguyên thứ 5 [24/3/1526], tức Minh Gia Tĩnh năm thứ 5, vua về Tây Kinh, Thanh Hóa; Vua cũ Chiêu Tông cùng đi.

Tháng 4 [11/5-9/6/1526], thi Hội các sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Phạm Đình Quang 20 người. Thi Đình, bài văn sách hỏi về các bậc thánh triết trị thiên hạ. Cho bọn Trần Tất Văn, Nguyễn Văn Du, Lưu Trung Doãn 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ; bọn Lê Quang Bí 4 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân; bọn Phạm Đình Quang 13 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Tháng 8 [7/9-5/10/1526], ra lệnh cho các phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng, Kinh Môn, Nam Sách, Thái Bình đắp đê Chân Kim ở Hải Dương. Mạc Đăng Dung giết Tiến quận công Nguyễn Lĩnh. Nguyễn Lĩnh lấy em gái Mạc Đăng Dung tên là Huệ; Huệ sau đó được Đăng Dung phong là Khánh Diễm công chúa. Lĩnh lại lấy mười người vợ lẽ nữa. Huệ bèn tố cáo Lĩnh viết thư lập đảng, nên bị giết. Rồi Đăng Dung gả Huệ cho Lương Khê hầu Bùi Đỗ, sau Đỗ được phong làm Lâm quốc công

Ngày mồng 6 [12/9/1526], lấy Ngự sử đài phó đô ngự sử Nguyễn Quý Nhã làm Lại bộ thượng thư bồi thị kinh diên.

Ngày 18 tháng 12 [19/1/1527], Thái phó Nhân quốc công Mạc Đăng Dung sai Bái Khê bá Phạm Kim Bảng bí mật giết Vua Lê Chiêu Tông ở phường Đông Hà [ô Quan Chưởng, Hà Nội], rồi đem quan tài về chôn ở lăng Vĩnh Hưng ở Thanh Đàm [huyện Thanh Trì, Hà Nội].

Tháng 4 năm Thống Nguyên thứ 6 [30/4-29/5/1527] (từ tháng 6 trở về sau, nhà Mạc niên hiệu là Minh Đức năm thứ 1; Minh Gia Tĩnh năm thứ 6), vua sai bọn Tùng Dương hầu Vũ Hữu, Lan Xuyên bá Phan Đình Tá, Trung sứ Đỗ Hiếu Đễ cầm cờ tiết, mang kim sách, mũ áo, ô lọng, đai ngọc, kiệu tía, quạt hoa, tán tía đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương [huyện Kiến Thụy, Hải Phòng], tiến phong Mạc Đăng Dung làm An Hưng Vương, gia thêm Cửu Tích,[7] Đăng Dung đón tiếp ở bến đò An Tháp, huyện Tân Minh [huyện Tiên Lãng, Hải Phòng] .

Ngày mồng 5 tháng 5 [3/6/1527], ban quạt, vua làm bài thơ Chu Công giúp Thành Vương, để ca tụng Mạc Đăng Dung như sau:

Hựu mệnh Chu gia thực tự thiên,

 Cần lao tá trị nhiệm nhân hiền.

 Trấm tà khẳng vị sàm nhân thiết,

Trung hiếu chung tồn thực đức kiên.

Lễ bị nhạc hoà bình định nhật,

 Chính thanh hình thố hạo hy niên.

 Hưu phong lệnh vận quang thiên cổ,

Cảnh hạnh cao sơn thượng miễn chiên.

Dịch thơ:

 Giúp vận nhà Chu thực tự trời,

 Chăm lo công việc dụng hiền tài.

 Gièm pha mặc kẻ bày nhiều cách,

Trung hiếu bền lòng chẳng chút sai.

 Lễ đủ, nhạc hoà, đời thịnh trị,

 Chính hay, hình ít, buổi vui tươi.

Tiếng hay đức tốt nghìn thu rạng,

Núi cao, đường rộng[8] hãy noi người.” Toàn Thư, quyển 15, trang 67a.

Tháng 6 [28/6-27/7/1527], Mạc Đăng Dung từ Cổ Trai vào Kinh, bắt vua nhường ngôi. Bấy giờ, thần dân trong Kinh đều theo Mạc Đăng Dung, đón Đăng Dung vào Kinh. Ngày 15 [12/7/1527], các quan đã đứng vào vị trí chầu vẫn chưa có chiếu nhường ngôi. Các quan bảo Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt khởi thảo. Phu Duyệt trừng mắt mắng rằng: “Thế là nghĩa gì?“. Lại bảo Đông các đại học sĩ Đạo Nguyện bá Nguyễn Văn Thái. Thái cầm bút thảo tờ chiếu như sau:

Nghĩ Thái Tổ ta, thừa thời cách mệnh, có được thiên hạ, các vua truyền nhau, nối giữ cơ đồ, là do mệnh trời lòng người cùng hợp, cùng ứng nên mới được thế. Cuối đời Hồng Thuận, gặp nhiều tai hoạ, Trần Cảo đầu têu gây mầm loạn ly, Trịnh Tuy giả trá lập kế phản nghịch. Lòng người đã lìa, mệnh trời không giúp. Khi ấy thiên hạ đã không phải là của nhà ta. Ta không có đức, lạm giữ ngôi trời, việc gánh vác không kham nổi. Mệnh trời lòng người đều theo về người có đức. Xét Thái sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung nhà ngươi, bẩm tính thông minh, sáng suốt, có tài lược văn võ. Bên ngoài đánh dẹp bốn phương, các nơi đều phục tùng; bên trong coi sóc trăm quan, mọi việc đều tốt đẹp. Công to đức lớn, trời cho người theo. Nay ta cân nhắc lẽ phải, nên nhường ngôi cho. Hãy gắng sửa đức lớn, giữ mãi mệnh trời để ức triệu dân lành được yên vui. Mong kính theo đó“. Toàn Thư, quyển 15, trang 67b.

Hôm ấy, Đăng Dung xưng Hoàng đế; đại xá, đổi niên hiệu là Minh Đức. Rồi giáng phong vua làm Cung Vương, giam cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội. Vài tháng sau, bắt phải tự tử. Thái hậu khấn trời rằng: “Đăng Dung là kẻ bề tôi, manh tâm cướp ngôi, lại giết mẹ con ta, ngày sau con cháu nó cũng lại bị như thế“. Rồi cùng với Vua Cung Hoàng đều bị chết. Đăng Dung sai đem xác hai người để ngoài quán Bắc Sứ, rồi đưa về chôn ở lăng Hoa Dương, huyện Ngự Thiên [huyện Hưng Hà, Thái Bình] theo nghi lễ của Thiên tử và Hoàng hậu; nay ở xã Mỹ Xá, huyện Ngự Thiên có điện Thừa Hưu tức là chỗ đó.

————————-

[1] Xã Yên Quyết Thượng: Tức làng Cót, gần Cầu Giấy, Hà Nội.

[2] Sơn Minh: tên huyện, gồm huyện Ứng Hoà và một phần huyện Mỹ Đức thuộc tỉnh Hưng Yên cũ, nay thuộc tỉnh Hải Hưng.

[3] Hoài An: nay là huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

[4] Thanh Đàm: nay là huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Thượng Phúc: nay là huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

[5] Phú Nguyên: nay là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.

[6] Giúp đẩy bánh xe: Điển từ Sử Ký “Thôi cốc Cao Đế tựu thiên hạ”, nghĩa là đẩy bánh xe cho Cao Đế được thiên hạ, ý nói là giúp sức cho Cao Đế được ngôi vua.

[7] Cửu tích: chỉ chín thứ vua ban: 1- Xe ngựa, 2- Y phục, 3- Đồ nhạc, 4- Cửa sơn son, 5- Nạp bệ, 6- Hổ bôn, 7- Cung tên, 8- Phủ việt, 9- Rượu cự xưởng (loại rượu quý).

[8] Núi cao đường rộng: Nguyên văn là “cảnh hạnh cao sơn”, điển lấy từ Kinh ThiCao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hạnh hành chỉ”; nghĩa là đức người hiền như đường rộng phải theo, như núi cao phải noi.