23/03/1775: Patrick Henry lên tiếng phản đối chính sách của Anh

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Patrick Henry voices American opposition to British policy, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1775, trong một bài phát biểu trước Hội nghị Virginia lần thứ hai, Patrick Henry đã phản ứng lại sự cai trị ngày càng áp bức của người Anh đối với các thuộc địa Mỹ bằng cách tuyên bố, “Tôi không biết những người khác sẽ chọn con đường nào, nhưng với tôi, hãy cho tôi tự do hoặc cho tôi cái chết!” Sau khi ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ ngày 4/7/1776, Patrick Henry được Quốc hội Lục địa bổ nhiệm làm thống đốc bang Virginia.

Người Mỹ lần đầu tiên công khai phản đối các chính sách của Anh vào năm 1765, sau khi Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Tem thuế (Stamp Act), một biện pháp đánh thuế nhằm tăng doanh thu cho quân đội Anh đóng thường trực ở Mỹ. Với lập luận “không đánh thuế mà không có đại diện”, chính quyền các bang thuộc địa đã triệu tập Đại hội Đạo luật Tem thuế vào tháng 10/1765 để lên tiếng phản đối. Khi đạo luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1/11/1765, phần lớn người dân thuộc địa đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Anh và một số thậm chí còn tấn công một cách có tổ chức vào các cơ quan hải quan và nhà của những người thu thuế. Sau nhiều tháng bị phản đối, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu bãi bỏ Đạo luật Tem thuế vào tháng 3/1766.

Hầu hết cư dân thuộc địa đã lặng lẽ chấp nhận sự cai trị của Anh cho đến khi Quốc hội nước này ban hành Đạo luật Trà (Tea Act) năm 1773, cho phép Công ty Đông Ấn độc quyền buôn bán trà của Mỹ. Xem đạo luật mới là một ví dụ khác về việc đánh thuế mà không có đại diện, những thành viên hiếu chiến của phe Ái Quốc ở Massachusetts đã tổ chức “Tiệc trà Boston,” đổ lượng trà Anh trị giá khoảng 10.000 bảng Anh xuống cảng Boston. Phẫn nộ trước Tiệc trà Boston và các hành vi phá hoại trắng trợn tài sản của chính quốc, Quốc hội Anh đã ban hành Đạo luật Cưỡng chế (Coercive Acts), còn được gọi là Đạo luật Không thể Chấp nhận (Intolerable Acts), một năm sau đó. Đạo luật Cưỡng chế đã đóng cửa Boston đối với các tàu buôn, thiết lập chế độ quân sự chính thức của Anh ở Massachusetts, cho các quan chức Anh quyền miễn truy tố hình sự ở Mỹ, và buộc người dân thuộc địa phải cung cấp chỗ ở và lương thực cho quân đội Anh. Dân chúng thuộc địa sau đó đã nhóm họp Quốc hội Lục địa đầu tiên để xem xét tiến hành một cuộc kháng chiến thống nhất của người Mỹ chống lại người Anh.

Với sự theo dõi chăm chú từ các thuộc địa khác, Massachusetts đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống lại người Anh, thành lập một chính phủ cách mạng ngầm và lực lượng dân quân để chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của quân đội Anh trên khắp thuộc địa. Sang tháng 4/1775, Thomas Gage, thống đốc người Anh của bang Massachusetts, đã ra lệnh cho quân đội dưới quyền mình hành quân đến Concord, Massachusetts, nơi được biết là có một kho vũ khí của phe Ái Quốc. Vào ngày 19/4/1775, quân chính quy Anh đã chạm trán với một nhóm dân quân Mỹ tại Lexington, và loạt đạn đầu tiên của Chiến tranh Cách mạng Mỹ đã được khai hỏa.