Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho Mạc Đăng Doanh

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài “Lịch sử Việt Nam thời tự chủ”

Mạc Đăng Dung quê tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương [Hải Phòng]. Cụ tổ bảy đời là Mạc Đĩnh Chi, ở làng Đông Cao, huyện Bình Hà, tức làng Long Động, huyện Chí Linh, Hải Dương bây giờ; đậu Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304) thời Vua Trần Anh Tông, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển Thượng thư môn hạ Tả bộc xạ, kiêm Trung thư lệnh, tri quân dân trọng sự. Rất thanh liêm thận trọng, tiếng tăm lừng lẫy cả nước ta và Trung Quốc.

Mạc Đĩnh Chi sinh Ông Dao quan Ty hình viên đại phu. Ông Dao sinh 4 con trai là: Địch, Thuấn, Thúy và Viễn, người nào cũng có tài năng sức lực; cuối thời nhà Hồ, vì bất đắc chí, bọn này đều đem con em đón hàng nhà Minh. Lúc ấy quân họ Hồ đóng giữ phía Bắc sông Phú Lương [Hồng Hà], tướng nhà Minh là Trương Phụ không biết hư thực thế nào, nên không dám qua sông. Thúy bèn cùng với Tri Châu châu Tam Đới Đặng Nguyên vẽ bản địa hình, xin làm hướng đạo dẫn quân Trương Phụ qua sông đánh úp phá thành Đông Kinh; Thúy lại sai thủ hạ bọn đầu mục Nguyễn Như Khanh bắt Hán Thương ở núi Cao Vọng [Hà Tĩnh]. Người Minh thưởng công, phong cho Thúy chức Giao Chỉ bố chánh ty tham chánh, Địch chức Chỉ huy sứ, Viễn chức Diêm thiết sứ. Sau Thúy dẫn quân vào tỉnh Lạng Sơn đánh Nùng Phản Lịch, bị trúng tên độc chết. Thúy sinh ra Tung, di cư đến làng Lang Khê, huyện Thanh Hà [Hải Dương]. Khi ấy vua Lê Thái Tổ đã bình định thiên hạ, nghiêm trị bọn ngụy quan, cho nên Tung không dám ra làm quan, chỉ ẩn náu nơi thôn xóm. Tung sinh ra Bình, lại di cư đến làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương. Bình sinh ra Hịch, 3 đời này không hiển đạt. Hịch lấy con gái Đặng Xuân, người cùng làng, tên là Đặng Thị Hiếu, sinh 3 con trai; con trưởng là Đăng Dung, con thứ là Đốc và Quyết. Mạc Đặng Dung sinh giờ Ngọ, ngày 23 tháng 11, năm Qúy Mão Hồng Đức thứ 14 [22/12/1483].

Đăng Dung lúc nhỏ làm nghề đánh cá, lớn lên có sức khoẻ, thi đỗ Đô lực sĩ. Đời Hồng Thuận, được thăng làm Đô chỉ huy sứ Vũ Xuyên bá, làm quan trải hai triều. Đời Thống Nguyên, làm đến Thái sư Nhân quốc công, sau được phong làm An Hưng Vương. Ngầm kết bè đảng, trong ngoài hiệp mưu, chiêu tập lòng người quy phụ; rồi ép Vua Cung Hoàng nhường ngôi, sau đó giết Vua và Thái hậu. Mạc Đăng Dung lên ngôi 3 năm, sau nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh.

Tháng 6, Mạc Thái Tổ năm Minh Đức thứ nhất [28/6-27/7/1527], tức Minh Gia Tĩnh năm thứ 6, Đăng Dung vào đóng tại thành Thăng Long, đặt Hải Dương làm Dương Kinh, lập miếu và cung điện ở xã Cổ Trai. Từ tổ là Mạc Đĩnh Chi đến cha là Hịch gồm 7 đời đều truy tôn làm Đế và Hậu. Lập con là Đăng Doanh làm Thái tử, phong em trai là Quyết làm Tín vương, em trai là Đốc làm Từ vương, em gái là Ngọc Huệ làm công chúa. Lại phong em rể là Vũ Hộ làm Tĩnh quốc công, cho lấy theo họ Mạc; phong hoạn quan Nguyễn Thế Ân làm Lỵ quốc công.

Bấy giờ trong kinh đô và ngoài các lộ thảy đều hoang mang. Đăng Dung sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê cũ, sinh ra biến cố, nên phàm việc đều noi theo chế độ triều Lê, vỗ về một cách giả tạo để trấn áp lòng người; nào sửa chữa đền miếu nhà Lê cũ, cúng tế theo tuần tiết bốn mùa, nào truy phong thêm cho các bầy tôi tiết nghĩa nhà Lê như bọn Vũ Duệ và Đàm Thận Huy. Đăng Dung lại cầu tìm con cháu các công thần, bề ngoài tỏ ý lục dụng để vỗ về họ. Nhưng con cháu các nhà công thần phần lớn trốn tránh vào rừng núi, hoặc giấu tên ẩn họ, không ra làm quan, hoặc tụ họp làm giặc cướp, hoặc trốn đi ngoại quốc để lánh nạn.

Tháng Giêng năm Minh Đức thứ 2 [22/1-19/2/1528], tức Minh Gia Tĩnh năm thứ 7, MạcĐăng Dung sai đúc tiền Thông Bảo theo kiểu cách đồng tiền cũ, nhưng phần nhiều không thành. Sau lại đúc các loại tiền pha kẽm và sắt, ban hành cho các xứ trong nước.

Tháng 2 [20/2-19/3/1528], Đăng Dung lấy Nguyễn Quốc Hiến làm Phò mã đô uý thái bảo lâm quốc công, ban cho họ Mạc; Mạc Quốc Trinh làm Thái sư Lâm quốc công, Mạc Đình Khoa làm Tả đô đốc Khiêm quốc công. Bọn Thiếu bảo Thông quốc công Nguyễn Thì Ung, Lai quốc công Trần Phỉ, Thuần Khê hầu Khuất Quỳnh Cửu, Khánh Khê hầu Nguyễn Bỉnh Đức, Hoàng Lễ hầu Phạm Gia Mô, Lan Xuyên bá Phan Đình Tá, Đạo Xuyên hầu Nguyễn Văn Thái, Văn Đạt bá Nguyễn Mậu, Sùng Lễ bá Hà Cảnh Đạo, Nghi Xuyên bá Mạc Ích Trưng, Hưng Ân bá Nguyễn Tuệ, Lộc Hiến hầu Nguyễn Địch, Văn Trường bá Phạm Chính Nghị, Văn Đẩu hầu Nguyễn Chuyên Mỹ, Hà Phần bá Nguyễn Độ, Tô Xuyên hầu Lê Quang Bí, Văn Ninh hầu Nguyễn Điển Kính và Trung quan chưởng giám Nguyễn Hậu Liêm gồm 56 người đều được thăng trật, ban tước có thứ bậc khác nhau.

Tháng 10 [13/10-11/11/1528], Đăng Dung cho là sau khi bình yên, chế độ dần dần lỏng lẻo, ý muốn đổi thay chấn chỉnh lại, liền sai bề tôi là bọn Quốc Hiến bàn định binh chế, điền chế, lộc chế và đặt bốn vệ Hưng quốc, Chiêu vũ, Cẩm y, Kim ngô, năm phủ, các vệ sở trong ngoài. Các ty sở thuộc, hiệu ty, tên quan và số lại viên, số người, số lính của các nha môn, phỏng theo quan chế triều Hồng Đức, y lệ mà biên chế bổ sung. Lấy quân trấn giữ xứ Hải Dương cho lệ thuộc vào vệ Hưng quốc, quân trấn giữ Sơn Nam lệ thuộc vào vệ Chiêu vũ, quân trấn giữ xứ Sơn Tây lệ thuộc vào vệ Cẩm y, quân trấn giữ xứ Kinh Bắc lệ thuộc vào vệ Kim ngô.

Năm Minh Đức thứ 3[1529], tức Minh Gia Tĩnh năm thứ 8, bề tôi cũ của triều Lê là hai anh em Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chạy sang nhà Minh tố cáo Mạc Đăng Dung cướp ngôi. Họ Mạc đem nhiều lễ đút lót cho quan nhà Minh tại biên giới để ngăn cản, nên việc không thành, hai anh em đều chết ở Trung Quốc.

Bấy giờ, Thanh Hoa hữu vệ điện tiền tướng quân An Thanh hầu Nguyễn Kim người Bái Trang, huyện Tống Sơn [huyện Hà Trung, Thanh Hóa],[1] có thuyết nói là con của Nguyễn Hoằng Dụ, dẫn bộ thuộc chạy sang Ai Lao. Chúa nước ấy là Sạ Đẩu cho rằng nước ta có quan hệ môi răng với họ, mới đem dân và đất đai Sầm Châu[2] cấp cho Kim. Từ đó, Nguyễn Kim nuôi dưỡng sĩ tốt, chiêu nạp những kẻ chạy trốn, làm phản; ngầm tìm con cháu họ Lê lập nên để mưu khôi phục.

Cũng vào thời điểm này, Tuyên úy nước Lão Qua dùng văn thư báo cho quan nhà Minh tại Vân Nam biết rằng con trưởng của Quang Thiệu chạy sang nước này; Lão Qua muốn dùng voi ngựa đưa trở về nước. Lão Qua tức Ai Lao; Quang Thiệu là niên hiệu của Vua Lê Chiêu Tông.

Toàn Thư vào tháng 12 năm Đại Chính thứ 3 [26/12/1532-24/1/1533] cũng chép rằng “Cựu thần nhà Lê là An Thanh hầu Nguyễn Kim tôn lập con Chiêu Tông là Ninh ở Ai Lao.” Như vậy lúc bấy giờ Nguyễn Kim muốn dùng danh nghĩa con Vua Chiêu Tông, để nhờ Ai Lao giúp việc phục quốc. Minh Thực Lục chép sử liệu về việc Lão Qua gửi văn thư cho nhà Minh như sau:

Ngày 28 tháng 3 năm Gia Tĩnh thứ 9 [ 25/4/1530]

Quân dân phủ Nguyên Giang[3] nhận được thư bằng chữ Miến của Tuyên ủy sứ Lão Qua Chiêu Lãm Chương rằng:

Người con trưởng Quang Thiệu nước Giao Chỉ, đáng được thế tập chức, bị chú đuổi lưu vong. Lão Qua muốn dùng voi ngựa đưa trở về nước.”

Thủ thần tâu:

“Cứ theo lời của Chiêu Lãm Chương, chắc rằng y sợ bị tội dung nạp lưu vong, nên xin sự giúp đỡ của triều đình để bao che việc làm của mình. Nhưng nếu [con] Quang Thiệu lưu tại đó, thì bọn họ [Việt Nam] sẽ nghi ngờ, nếu đưa về lại có thể gây hấn, vậy cho [con] Quang Thiệu tự trở về là đắc sách.”

Bộ Binh tâu:

“Quan tại biên giới theo lệ không được giao thiệp riêng, nếu không ngăn cản sớm, giao lưu xẩy ra thì mối lo không lường được. Xin ban sắc cho Thủ thần trách vấn Chiêu Lãm Chương tại sao lại dung nạp [con] Quang Thiệu, đáng ra lệnh cho y trở về nước. Từ nay trở về sau lo giữ biên cương, bảo tồn sự nghiệp, phải cự tuyệt không được dung nạp bọn vong mệnh.”

Thiên tử ban chiếu chấp nhận lời bàn.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 178.

Nhà Mạc mở khoa thi Hội; từ phép thi đến cách thức đều nhất nhất noi theo điển lệ của triều Lê. Cho bọn Đỗ Tống, Nguyễn Hãng, Nguyễn Văn Huy 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ; bọn Nguyễn Văn Quang 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân; bọn Nguyễn Hữu Hoán 16 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.

Tháng 12 [31/12/1529-28/1/1530], Mạc Đăng Dung lên ngôi đã được 3 năm, thấy mình tuổi già, bèn truyền ngôi cho con trưởng là Đăng Doanh, tự xưng là Thái thượng hoàng, lui về ở tại Cổ Trai để trấn giữ củng cố chỗ căn bản, nhưng vẫn nắm giữ tất cả quyền bính và định đoạt mọi việc quốc gia; lúc mất truy xưng là Mạc Thái Tổ. Mạc Đăng Doanh, con trưởng Đăng Dung,  ở ngôi 11 năm, sau truy xưng tôn hiệu là  Mạc Thái Tông.

———————

[1] Tống Sơn: Huyện Hà Trung, Thanh Hóa ngày nay.

[2] Sầm Châu: Đời Minh Mệnh là huyện Sầm Nưa, nay thuộc Ai Lao.

[3] Nguyên Giang: Tên một châu thuộc tỉnh Vân Nam.