Israel phải lựa chọn: Tấn công Rafah hay quan hệ với Ả-rập Saudi?

Nguồn: Thomas L. Friedman, “Israel Has a Choice to Make: Rafah or Riyadh,” New York Times, 26/04/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Hoạt động ngoại giao của Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh ở Gaza và xây dựng quan hệ mới với Ả Rập Saudi trong những tuần gần đây đã hội tụ thành một sự lựa chọn khổng lồ duy nhất đối với Israel và Thủ tướng Benjamin Netanyahu: Các vị muốn gì hơn – Rafah hay Riyadh?

Các vị muốn tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Rafah để tiêu diệt Hamas – nếu điều đó là khả thi – mà không đưa ra bất kỳ chiến lược nào để Israel rút khỏi Gaza, hoặc bất kỳ chân trời chính trị nào cho giải pháp hai nhà nước với những người Palestine không do Hamas lãnh đạo? Nếu các vị đi theo con đường này, nó sẽ chỉ làm tăng thêm sự cô lập toàn cầu của Israel và cắt đứt quan hệ với chính quyền Biden.

Hay các vị muốn bình thường hóa quan hệ với Ả Rập Saudi, lực lượng gìn giữ hòa bình cho Gaza, và với liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu chống lại Iran? Lựa chọn này đi kèm một cái giá khác: cam kết từ chính phủ Israel hướng tới một nhà nước Palestine với Chính quyền Palestine được cải cách – nhưng cũng có lợi ích là đưa Israel vào một liên minh phòng thủ Mỹ-Ả Rập-Israel lớn nhất mà nhà nước Do Thái từng được hưởng, và dựng lên cây cầu lớn nhất nối Israel với phần còn lại của thế giới Hồi giáo, đồng thời nhem nhóm hy vọng rằng cuộc xung đột với người Palestine sẽ không phải là một “cuộc chiến mãi mãi.”

Đây là một trong những lựa chọn mang tính định mệnh nhất mà Israel từng phải thực hiện. Và điều làm tôi vừa lo lắng vừa chán nản là hiện tại không có nhà lãnh đạo hàng đầu nào của Israel trong liên minh cầm quyền, phe đối lập, hay quân đội cố gắng thuyết phục người Israel hiểu được hai lựa chọn đó – trở thành một kẻ bị bài xích toàn cầu, hay một đối tác ở Trung Đông – hoặc giải thích lý do tại sao nên lựa chọn phương án thứ hai.

Tôi hiểu rằng người Israel cảm thấy bị tổn thương trước các vụ giết người, hãm hiếp, và bắt cóc tàn ác của Hamas vào ngày 7/10. Tôi không ngạc nhiên khi nhiều người Israel chỉ muốn trả thù và đã quyết tâm đến mức họ không còn có thể nhìn thấy hoặc quan tâm đến những người dân thường, bao gồm hàng nghìn trẻ em, đã thiệt mạng ở Gaza khi Israel cố gắng loại bỏ Hamas. Tình hình lại càng trở nên căng thẳng hơn khi Hamas từ chối thả những con tin còn lại.

Nhưng trả thù không phải là một chiến lược tốt. Thật điên rồ khi nghĩ rằng Israel hiện đã tham gia cuộc chiến này được hơn sáu tháng và giới lãnh đạo quân sự Israel – cùng gần như toàn bộ tầng lớp chính trị – đã cho phép Netanyahu tiếp tục theo đuổi một “chiến thắng toàn diện” ở Gaza, bao gồm cả việc tiến sâu vào Rafah mà không có bất kỳ kế hoạch rút lui nào, cũng không có đối tác Ả Rập nào sẵn sàng tiếp quản khi chiến tranh kết thúc. Nếu Israel kết thúc bằng việc chiếm đóng vô thời hạn cả Gaza và Bờ Tây, thì họ sẽ kiệt sức về mặt quân sự, kinh tế, và đạo đức, theo đó làm hài lòng kẻ thù nguy hiểm nhất của Israel là Iran, và khiến họ xa cách với tất cả các đồng minh ở phương Tây và thế giới Ả Rập.

Trong giai đoạn đầu cuộc chiến, các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của Israel nói rằng các nhà lãnh đạo Ả Rập ôn hòa cũng muốn Israel tiêu diệt Hamas, một nhánh của Tổ chức Anh em Hồi giáo vốn bị mọi quốc vương Ả Rập ghét bỏ. Đúng, người Ả Rập muốn Hamas biến mất – nếu điều đó có thể được thực hiện chỉ trong vài tuần, với ít thương vong cho dân thường.

Giờ đây, mục tiêu đó rõ ràng là không thể, và việc kéo dài chiến tranh không mang lại lợi ích gì cho các quốc gia Ả Rập ôn hòa, đặc biệt là Ả Rập Saudi.

Từ những cuộc trò chuyện của tôi ở Riyadh và Washington, tôi sẽ mô tả quan điểm của Thái tử Mohammed bin Salman về cuộc xâm lược Gaza của Israel như thế này: Hãy rút lui càng sớm càng tốt. Tất cả những gì Israel đang làm vào thời điểm này là giết hại ngày càng nhiều thường dân, khiến những người Ả Rập Saudi từng ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Israel nay quay sang chống lại Israel, tạo thêm tân binh cho Al Qaeda và ISIS, kích động Iran và các đồng minh của họ, gây bất ổn và cắt nguồn đầu tư nước ngoài vốn rất cần thiết đối với khu vực này. Từ góc nhìn của Ả Rập Saudi, ý tưởng xóa sổ Hamas “một lần và mãi mãi” là một giấc mơ viển vông. Nếu Israel muốn tiếp tục thực hiện các chiến dịch đặc biệt ở Gaza để giành quyền lãnh đạo thì không vấn đề gì. Nhưng đừng biến chúng thành chiến tranh vĩnh viễn. Hãy cố gắng đạt được lệnh ngừng bắn hoàn toàn và thả con tin càng sớm càng tốt, rồi sau đó tập trung vào thỏa thuận bình thường hóa an ninh Mỹ-Ả Rập Saudi-Israel-Palestine.

Đó là con đường thứ hai mà Israel có thể lựa chọn – một con đường mà không có nhà lãnh đạo phe đối lập lớn nào của Israel xem là ưu tiên hàng đầu, nhưng là con đường mà chính quyền Biden, cùng Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordan, Bahrain, Maroc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang ủng hộ. Con đường này không chắc sẽ thành công, nhưng “chiến thắng toàn diện” mà Netanyahu hứa hẹn cũng chẳng phải là điều chắc chắn.

Con đường thứ hai này sẽ bắt đầu bằng việc Israel từ bỏ bất kỳ cuộc xâm lược quân sự tổng thể nào vào Rafah, nằm sát biên giới với Ai Cập và là tuyến đường chính để xe tải chở hàng cứu trợ nhân đạo đi vào Gaza. Khu vực này là nơi sinh sống của hơn 200.000 cư dân, và hiện có thêm hơn một triệu người tị nạn từ phía bắc Gaza. Đây cũng được cho là căn cứ của bốn tiểu đoàn còn nguyên vẹn nhất của Hamas, và có lẽ là nơi trú ẩn thủ lĩnh của tổ chức này, Yahya Sinwar.

Chính quyền Biden đã công khai nói với Netanyahu rằng ông ta không được phát động một cuộc xâm lược toàn diện vào Rafah nếu không có một kế hoạch đáng tin cậy để đưa hơn một triệu dân thường ra khỏi vùng chiến sự – và hiện Israel vẫn chưa đưa ra kế hoạch nào như vậy. Tuy nhiên, một cách riêng tư, người Mỹ đang thẳng thừng nói với Israel: Đừng xâm lược Rafah trên quy mô lớn. Chấm hết.

Một quan chức cấp cao của Mỹ đã nói với tôi thế này: “Chúng tôi không nói với Israel rằng hãy để Hamas yên. Chúng tôi đang nói rằng chúng tôi tin có một cách nhắm mục tiêu tốt hơn để truy lùng các lãnh đạo Hamas mà không cần san bằng từng căn nhà ở Rafah.” Ông nhấn mạnh, chính quyền Biden không tìm cách tha cho các ông chủ của Hamas – nhưng chỉ đang tìm cách tránh cho Gaza một đợt tổn thất dân sự hàng loạt khác.

Quan chức này nói thêm, cần nhớ Israel từng cho rằng các thủ lĩnh của Hamas đang ở Khan Yunis và đã cho phá hủy phần lớn thị trấn để tìm kiếm họ nhưng vẫn chẳng thấy gì. Israel cũng làm như vậy với Thành phố Gaza ở phía bắc. Và chuyện gì đã xảy ra? Đúng là rất nhiều chiến binh Hamas ở thành phố này đã bị giết, nhưng những người khác đã biến mất sau đống đổ nát, rồi sau đó xuất hiện trở lại – chẳng hạn, vào ngày 18/04, một đơn vị Hamas đã bắn một quả tên lửa từ Beit Lahia ở phía bắc Gaza về phía Thành phố Ashkelon của Israel.

Các quan chức Mỹ tin rằng nếu Israel phá hủy toàn bộ Rafah ngay bây giờ, sau khi đã làm điều tương tự với phần lớn Khan Yunis và Thành phố Gaza, nhưng không có đối tác Palestine đáng tin cậy nào để giảm bớt gánh nặng an ninh cho việc quản lý một Gaza đổ vỡ, thì họ sẽ phạm phải sai lầm giống như Mỹ đã mắc phải ở Iraq, và cuối cùng phải đối mặt với một cuộc nổi dậy thường trực, bên cạnh một cuộc khủng hoảng nhân đạo thường trực. Nhưng có một điểm khác biệt quan trọng: Mỹ là một siêu cường có thể thất bại ở Iraq và đứng dậy trở lại. Còn đối với Israel, một cuộc nổi dậy thường trực ở Gaza sẽ khiến họ sụp đổ, đặc biệt là khi không còn bạn bè.

Đó là lý do tại sao các quan chức Mỹ nói với tôi rằng nếu Israel tiến hành một chiến dịch quân sự lớn ở Rafah, bất chấp sự phản đối của chính quyền Mỹ, Tổng thống Biden sẽ xem xét hạn chế bán một số vũ khí nhất định cho Israel.

Lý do không chỉ vì chính quyền Biden muốn tránh thêm thương vong cho dân thường ở Gaza vì lo ngại nhân đạo hay vì họ sẽ làm dấy lên dư luận toàn cầu chống lại Israel và khiến đội ngũ của Biden gặp nhiều khó khăn hơn khi bảo vệ Israel. Mà còn bởi vì chính quyền Mỹ tin rằng một cuộc xâm lược toàn diện của Israel vào Rafah sẽ làm suy yếu triển vọng trao đổi con tin, mà các quan chức cho rằng đang có một số tia hy vọng mới, đồng thời phá hủy ba dự án quan trọng mà họ đang thực hiện nhằm nâng cao an ninh dài hạn cho Israel.

Dự án đầu tiên là một lực lượng gìn giữ hòa bình Ả Rập sẽ thay thế quân đội Israel ở Gaza, để Israel có thể rút lui và không bị mắc kẹt với việc chiếm đóng cả Gaza lẫn Bờ Tây mãi mãi. Một số quốc gia Ả Rập đã thảo luận về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Gaza để thay thế quân đội Israel, những người sẽ phải rời đi – với điều kiện có lệnh ngừng bắn vĩnh viễn – và sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hoàn bình sẽ được chính thức hoá trong một tuyên bố chung của Tổ chức Giải phóng Palestine, cơ quan bảo trợ tập hợp hầu hết các phe phái ở Palestine, và Chính quyền Palestine. Các quốc gia Ả Rập nhiều khả năng sẽ yêu cầu một số hỗ trợ hậu cần quân sự từ Mỹ. Chưa có gì được quyết định, nhưng ý tưởng này đang được xem xét tích cực.

Thứ hai là thỏa thuận ngoại giao-an ninh Mỹ-Ả Rập Saudi-Israel-Palestine mà chính quyền Mỹ sắp hoàn tất đàm phán các điều khoản với Thái tử Saudi. Thoả thuận này gồm nhiều thành phần, nhưng ba thành phần quan trọng giữa Mỹ với Ả Rập Saudi là: 1) Một hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Ả Rập Saudi, trong đó loại bỏ mọi sự mơ hồ về những gì Mỹ sẽ làm nếu Iran tấn công Ả Rập Saudi. Mỹ sẽ đến bảo vệ Riyadh và ngược lại. 2) Hợp lý hóa khả năng tiếp cận của Ả Rập Saudi đối với các loại vũ khí tiên tiến nhất của Mỹ. 3) Một thỏa thuận hạt nhân dân sự được kiểm soát chặt chẽ cho phép Ả Rập Saudi tận dụng trữ lượng uranium của chính mình để sử dụng trong lò phản ứng hạt nhân dân sự của chính mình.

Đổi lại, Saudi sẽ hạn chế đầu tư cũng như mọi quan hệ quân sự với Trung Quốc, và xây dựng các hệ thống phòng thủ thế hệ tiếp theo hoàn toàn bằng vũ khí của Mỹ, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ và khiến quân đội hai nước hoàn toàn có thể tương tác với nhau. Ả Rập Saudi, với năng lượng rẻ và không gian rộng, cũng muốn xây dựng một số trung tâm xử lý dữ liệu khổng lồ mà các công ty công nghệ Mỹ cần để khai thác trí tuệ nhân tạo, vào thời điểm chi phí năng lượng và không gian trong nước của Mỹ đang trở nên khan hiếm đến mức ngày càng khó xây dựng các trung tâm dữ liệu mới. Ả Rập Saudi cũng sẽ bình thường hóa quan hệ với Israel với điều kiện Netanyahu cam kết nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước với Chính quyền Palestine được cải tổ.

Cuối cùng, Mỹ sẽ tập hợp Israel, Ả Rập Saudi, các quốc gia Ả Rập ôn hòa khác, và các đồng minh chủ chốt ở châu Âu vào một cấu trúc an ninh thống nhất, duy nhất để chống lại các mối đe dọa tên lửa của Iran giống như cách họ đã làm khi Iran tấn công Israel vào ngày 13/04, để trả đũa cuộc tấn công của Israel nhắm vào một số lãnh đạo quân sự cấp cao của Iran bị nghi ngờ tiến hành các hoạt động chống lại Israel, khi nhóm người này đang gặp nhau tại khu phức hợp ngoại giao của Iran ở Syria. Liên minh của Mỹ sẽ không được duy trì nếu Israel không chịu rời khỏi Gaza và cam kết nỗ lực hướng tới thành lập một nhà nước Palestine. Không có cách nào khác để các quốc gia Ả Rập có thể bảo vệ Israel vĩnh viễn khỏi Iran nếu Israel kiên quyết chiếm đóng vĩnh viễn Gaza và Bờ Tây. Các quan chức Mỹ và Ả Rập Saudi cũng biết rằng nếu không có Israel trong thỏa thuận, các thành phần an ninh Mỹ-Ả Rập Saudi khó có thể được Quốc hội Mỹ thông qua.

Đội ngũ của Biden muốn hoàn thành phần thỏa thuận Mỹ-Ả Rập Saudi để có thể hành động như một lực lượng đối lập mà Israel hiện không có, và nói với Netanyahu rằng: Ông có thể được nhớ đến như nhà lãnh đạo đã chứng kiến thảm họa quân sự tồi tệ nhất của Israel vào ngày 7/10, hay nhà lãnh đạo đã dẫn dắt Israel thoát khỏi Gaza và mở ra con đường bình thường hóa quan hệ giữa Israel và quốc gia Hồi giáo quan trọng nhất. Lựa chọn là ở ông. Và người Mỹ muốn đưa ra lựa chọn này một cách công khai, để mọi người dân Israel đều có thể nhìn thấy nó.

Xin kết thúc ở nơi tôi đã bắt đầu: lợi ích lâu dài của Israel là ở Riyadh, không phải Rafah. Tất nhiên, không có gì là chắc chắn, và cả hai con đường đều đi kèm với rủi ro. Và tôi biết rằng không dễ để người Israel cân nhắc các lựa chọn, khi có rất nhiều người biểu tình trên toàn cầu đang chỉ trích Israel vì cách hành xử của họ ở Gaza, mà lại chẳng đả động gì đến Hamas. Nhưng đó chính là vai trò của các nhà lãnh đạo: cần phải chứng minh rằng con đường tới Riyadh cuối cùng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với con đường đến Rafah, vốn sẽ là ngõ cụt theo mọi nghĩa của thuật ngữ này.

Tôi hoàn toàn hiểu rằng người Israel là những người sẽ phải sống với sự lựa chọn của mình. Tôi chỉ muốn chắc chắn rằng họ biết họ được quyền lựa chọn.

Thomas L. Friedman là chuyên gia bình luận về lĩnh vực đối ngoại của New York Times. Ông làm việc tại tòa soạn kể từ năm 1981 và đã giành được ba Giải Pulitzer. Ông còn là tác giả của bảy cuốn sách, trong đó có cuốn “Từ Beirut đến Jerusalem” đã giành được Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ.