Năm kịch bản cho nước Nga tương lai (P3)

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Stephen Kotkin, “The Five Futures of Russia,” Foreign Affairs, 18/04/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1, Phần 2

NGÕ CỤT CỦA LỤC ĐỊA GIÀ

Tương lai còn thiếu vắng ở đây chính là kịch bản tương lai phổ biến trong số những người phát ngôn của chế độ Putin, cũng như những nhà phê bình cực hữu của chế độ này: Moscow trở thành một cực riêng trong phiên bản của nước này về một thế giới đa cực, thống trị khắp Á-Âu và hoạt động như một trọng tài chính trong các vấn đề thế giới. “Chúng ta cần tìm lại chính mình và hiểu được mình là ai,” một nhân vật trung thành với Điện Kremlin, Sergei Karaganov đã chia sẻ vào năm ngoái. “Chúng ta là một cường quốc Á-Âu, Bắc Á-Âu, người giải phóng các dân tộc, người bảo vệ hòa bình, và là hạt nhân chính trị-quân sự của Đa số Thế giới. Đây là định mệnh hiển nhiên của chúng ta.” Cái gọi là phương Nam toàn cầu – hay như lời Karaganov là “Đa số Thế giới” – còn không tồn tại như một thực thể thống nhất, chứ chưa nói đến một thực thể với Nga là hạt nhân. Dự án biến nước Nga trở thành một siêu lục địa tự lực, trải dài khắp châu Âu và châu Á, đã thất bại. Mọi nỗ lực của Liên Xô để xây dựng một đế chế bên trong ở Biển Baltic và Biển Đen cùng một đế chế các nước vệ tinh bên ngoài cuối cùng đều vô ích.

Thế giới của Nga đang bị thu hẹp dù nước này đã chiếm gần 20% diện tích Ukraine. Về mặt lãnh thổ, giờ đây, nước Nga (ngoại trừ Kaliningrad) nằm cách xa trung tâm châu Âu hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ cuộc chinh phục của Peter Đại đế và Catherine Đại đế. Hơn ba thế kỷ sau khi xuất hiện bên bờ Thái Bình Dương, Nga chưa từng thành công trong việc trở thành cường quốc châu Á. Điều đó vẫn đúng ngay cả khi Thế chiến II mang đến cho nước này cơ hội trả thù Nhật Bản vì thất bại mà Nga phải gánh chịu vào năm 1905, sau đó tái lập vị thế của Sa hoàng ở Mãn Châu Trung Quốc, và mở rộng quyền kiểm soát của Nga tới tận Bán đảo Triều Tiên. Về mặt văn hóa, Nga sẽ không bao giờ xem quê hương của mình là châu Á, và khối dân nhỏ bé sinh sống ở phía đông Hồ Baikal đã ngày càng giảm sút kể từ khi Liên Xô sụp đổ.

Ảnh hưởng của Nga ở khu vực lân cận cũng đang giảm dần. Phần lớn những người không phải là người Nga ở các vùng biên giới thuộc Liên Xô ngày càng không muốn dính dáng đến chính quốc cũ của họ và chắc chắn không muốn bị sáp nhập trở lại. Người Armenia cay đắng, người Kazakhstan cảnh giác, còn người Belarus bị mắc kẹt và không hài lòng về điều đó. Chủ nghĩa Á-Âu và chủ nghĩa thân Slavơ giờ đây chỉ là những dòng chữ đã chết: đại đa số người Slavơ không phải người Nga trên thế giới đã gia nhập hoặc đang kêu gọi gia nhập Liên minh Châu Âu và NATO. Nếu Nga không đe dọa các nước láng giềng châu Âu, thì lý do tồn tại của NATO sẽ trở nên mơ hồ. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể xảy ra khi Nga phá vỡ liên minh NATO bằng cách trở thành một quốc gia pháp quyền tồn tại dài lâu – nhưng đó chính xác là điều mà Putin hết lòng phản đối.

Hiện không có cơ sở nào để Nga có thể đóng vai trò là đầu mối toàn cầu, lôi kéo các nước khác đứng về phía họ. Mô hình kinh tế của Nga không thể truyền cảm hứng, cũng không đủ khả năng để đóng vai trò là nhà viện trợ chính. Khả năng Nga chịu bán vũ khí còn thấp hơn – họ cần vũ khí và thậm chí còn cố gắng mua lại các hệ thống mà họ đã bán – và trong một số trường hợp, đành chịu trao đổi vũ khí với các quốc gia bị bài xích khác. Nga đã mất đi vị thế của người bảo trợ cho các vệ tinh. Giờ đây, họ thuộc về câu lạc bộ bị bài xích, bên cạnh Iran và Triều Tiên – cả ba trao đổi vũ khí với nhau, xem thường luật pháp quốc tế, và hứa hẹn gây thêm nhiều rắc rối. Tuy nhiên, không khó để tưởng tượng các thành viên của câu lạc bộ này sẽ phản bội nhau nếu có cơ hội tốt hơn, miễn là họ không bị vạch trần trước. Trong khi đó, phương Tây bền bỉ hơn những “quan hệ đối tác” của những nước chống phương Tây. Ngay cả những đối tác cũ của Liên Xô từng từ chối lên án Nga về vấn đề Ukraine, trong đó có Ấn Độ và Nam Phi, cũng không xem Moscow là đối tác phát triển, mà chỉ là giàn giáo để thúc đẩy chủ quyền của chính họ. Chính sách đối ngoại của Nga chỉ mang lại lợi ích chiến thuật, chứ không phải lợi ích chiến lược: không tăng cường nguồn nhân lực, không đảm bảo tiếp cận công nghệ tiên tiến, không củng cố đầu tư vào trong nước và xây dựng cơ sở hạ tầng mới, không cải thiện quản trị, và không có đồng minh hiệp ước tự nguyện có nghĩa vụ chung – đây vốn là những chìa khóa để xây dựng và duy trì sức mạnh thời hiện đại. Ngoài nguyên liệu thô và chính trị côn đồ, thứ duy nhất Nga xuất khẩu là nhân tài.

Nga cũng chưa bao giờ duy trì được vị thế cường quốc nếu không có quan hệ chặt chẽ với châu Âu. Và đối với Putin hoặc người kế nhiệm ông, quay lại châu Âu là một chặng đường dài. Putin đã chấm dứt hơn hai thế kỷ trung lập ở Thụy Điển và ba phần tư thế kỷ “Phần Lan hóa” (trong đó Helsinki chấp nhận chiều theo Moscow trong những cân nhắc chính sách đối ngoại quan trọng), khiến cả hai nước này gia nhập NATO. Kết cục phần lớn phụ thuộc vào diễn biến ở nước Đức: thử tưởng tượng số phận của châu Âu, và rộng hơn là trật tự thế giới, sẽ ra sao nếu sau Thế chiến II, thay vì trải qua sự chuyển đổi đáng chú ý, nước Đức lại phát triển tương tự như nước Nga ngày nay. Đức đóng vai trò là cầu nối với Nga, giúp đảm bảo sự thống nhất trong hòa bình theo các điều khoản của Nga và các mối quan hệ đối tác kinh doanh sinh lợi. Nhưng với tình hình hiện tại, Moscow không còn có thể đạt được các thỏa thuận với Berlin nhằm khôi phục quan hệ với châu Âu mà không thay đổi căn bản hành vi chính trị của mình, và có thể là cả hệ thống chính trị của mình. Hơn nữa, ngay cả khi Nga thực sự thay đổi một cách có hệ thống, với tư cách là thành viên thường trực của liên minh phương Tây và EU, Ba Lan và các nước vùng Baltic vẫn đang kiên quyết cản trở sự hòa giải của Nga với châu Âu.

Tương lai của Nga hiện có hai ngã rẽ: ngã rẽ thứ nhất là liều lĩnh dấn thân vào vòng tay của Trung Quốc, ngã rẽ còn lại là quay trở lại con đường trắc trở để về với châu Âu. Việc hưởng lợi từ cả hai – tồn tại như một cường quốc với sự năng động kinh tế được phục hồi, tránh nhượng bộ sâu rộng đối với phương Tây hoặc phụ thuộc lâu dài vào Trung Quốc, thống trị Á-Âu và thiết lập một trật tự thế giới an toàn cho chủ nghĩa độc tài hung hăng – sẽ đòi hỏi những đảo ngược vượt quá khả năng của Nga.

LIỆU CÒN CON ĐƯỜNG NÀO TỐT HƠN?

Đại chiến lược cơ bản của Nga trông có vẻ đơn giản: ồ ạt đầu tư vào quân đội, khả năng đánh lừa, lực lượng cảnh sát mật, và các kế hoạch lật đổ phương Tây. Cho dù vị thế chiến lược của họ có tồi tệ đến đâu, và thường là rất tệ, thì Nga vẫn có thể vượt qua, miễn là phương Tây cũng suy yếu. Ngoài sự tan rã của phương Tây, một số người Nga còn âm thầm mơ về một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Tây và Đông sẽ tấn công lẫn nhau, và Nga sẽ cải thiện đáng kể vị thế tương đối của mình mà không phải đổ một giọt mồ hôi nào. Hàm ý quá rõ ràng: Washington và các đồng minh phải cùng nhau vững mạnh, còn Bắc Kinh phải bị răn đe mà không gây ra chiến tranh. Tuy nhiên, các lựa chọn thông thường chứa đựng những giới hạn nghiêm trọng. Lựa chọn đầu tiên là thỏa hiệp, điều mà các nhà cai trị Nga đôi khi cần, nhưng hiếm khi theo đuổi – và ngay cả khi làm vậy, họ sẽ gây khó khăn cho phương Tây. Lựa chọn thứ hai là đối đầu, điều mà các chế độ Nga mong muốn nhưng không đủ khả năng đáp ứng, và chi phí cơ hội của lựa chọn này quá cao đối với phương Tây. Con đường dẫn đến lựa chọn tốt hơn bắt đầu bằng việc thừa nhận thất bại một cách thẳng thắn, nhưng không phải là đi theo lối mòn cũ kỹ.

Những lời kêu gọi công nhận lợi ích “chính đáng” của Nga thường xuất hiện trong các bài phê bình chính sách của Mỹ, nhưng sự ổn định của một cường quốc đạt được bằng cách chấp nhận các khu vực ảnh hưởng cưỡng chế luôn chỉ là tạm thời, ngay cả khi chấp nhận trả giá bằng nỗi khổ của các quốc gia nhỏ hơn và nỗi nhục khi phải thoả hiệp các giá trị của Mỹ. Sau hành động của Tổng thống Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger, Trung Quốc và Nga giờ đây đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Kiểm soát vũ khí thực sự đã chết. Hoà hoãn (détente) cũng chết trước khi nhiều người kịp hiểu ý nghĩa của từ này, nhưng thiệt hại ở Đông Dương, Mỹ Latinh, Nam Á, và những nơi khác vẫn còn hiện rõ cho đến tận bây giờ. Kissinger có thể lập luận rằng những kết quả đáng thất vọng này là lỗi của kẻ khác, vì họ đã không tuân thủ nguyên tắc cân bằng trong các vấn đề quốc tế của ông. Nhưng trạng thái cân bằng chỉ phụ thuộc vào sự khéo léo của một bên thì không phải là trạng thái cân bằng.

Nhiều người ủng hộ và thực hiện chính sách can dự với Trung Quốc khẳng định rằng chính sách của Mỹ – vốn kéo dài hàng thập niên – khôn ngoan hơn vẻ ngoài của nó, và rằng các nhà hoạch định chính sách của Mỹ luôn nghi ngờ về việc tăng trưởng kinh tế sẽ đưa Trung Quốc tới một hệ thống chính trị cởi mở, nhưng dù sao đây cũng là việc đáng để thử. Một số người cũng cho rằng Mỹ đã phòng bị trước thất bại. Tuy nhiên, công cuộc đánh bóng hình ảnh này của Mỹ đã thất bại bởi sự bất an rõ ràng trong chuỗi cung ứng toàn cầu (được bộc lộ bởi đại dịch COVID-19) và tình trạng tồi tệ của cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ (được bộc lộ bởi cuộc chiến ở Ukraine). Trong trường hợp của Nga, Washington đúng là có phòng bị, bằng cách mở rộng NATO để bao gồm hầu hết các nước Đông Âu và các nước vùng Baltic. Nhưng điều đó không liên quan nhiều đến một đánh giá tỉnh táo về quỹ đạo khả thi của Nga, mà liên quan đến nỗi nhục Yalta, khi Washington bất lực trong việc thực hiện lời hứa về các cuộc bầu cử tự do và công bằng sau Thế chiến II, cũng như bất lực trước những lời kêu gọi gia nhập NATO sau năm 1989 của các ứng viên tiềm năng. Về phần mình, những người chỉ trích việc mở rộng NATO đổ lỗi cho chủ nghĩa phục thù lãnh thổ của Nga, như thể việc một chế độ độc tài xâm lược các nước láng giềng dưới danh nghĩa an ninh là điều gì đó rất bất thường trong lịch sử Nga và nó sẽ không xảy ra nếu liên minh không mở rộng – theo đó khiến nhiều quốc gia dễ bị tổn thương hơn.

Hòa bình đạt được là nhờ sức mạnh, kết hợp với tài ngoại giao khéo léo. Mỹ phải duy trì áp lực phối hợp lên Nga, đồng thời đưa ra các khuyến khích để Moscow chịu khuất phục. Điều đó có nghĩa là phải tạo ra đòn bẩy thông qua các công cụ quân sự thế hệ tiếp theo, nhưng đồng thời phải theo đuổi các cuộc đàm phán trong sự hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của Mỹ và được hỗ trợ bởi cái gọi là ngoại giao Kênh II giữa các nhân vật có ảnh hưởng nhưng phi chính phủ. Cùng lúc đó, Washington nên chuẩn bị và liên tục thúc đẩy khả năng tái điều chỉnh chủ nghĩa dân tộc ở Nga. Trong trường hợp Nga không sớm trở thành Pháp, thì con đường khả thi nhất để nước này tìm được vị trí ổn định trong trật tự quốc tế là sự trỗi dậy của một nhà dân tộc chủ nghĩa, người thừa nhận cái giá lâu dài của chủ nghĩa chống phương Tây cực đoan. Trong ngắn hạn, một bước đi theo hướng đó cũng có thể giúp chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine theo những điều kiện có lợi cho Kyiv: cụ thể là một hiệp định đình chiến không công nhận tính hợp pháp của các đợt sáp nhập lãnh thổ, và cũng không ngăn cản Ukraine gia nhập NATO, EU, hoặc bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác. Putin có thể đạt được mục tiêu chiến tranh của mình trước khi một sĩ quan quân đội hoặc viên chức chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Nga có cơ hội chấp nhận những điều khoản kể trên, nhưng người Nga vẫn sẽ phải trả giá đắt, vì xung đột có thể chuyển từ chiến tranh tiêu hao sang một cuộc nổi dậy của người Ukraine.

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng để tạo ra những động cơ phù hợp để buộc nước Nga khuất phục, Washington và các đối tác của mình cần có một chính sách thân Nga: nghĩa là, thay vì đẩy người Nga sâu hơn vào vòng tay của Putin, xác nhận những khẳng định của ông ta về một phương Tây tập thể chống Nga, các nhà hoạch định chính sách phương Tây và các tổ chức xã hội dân sự nên chào đón và tưởng thưởng – bằng thị thực, cơ hội việc làm, cơ hội đầu tư, trao đổi văn hóa – những người Nga muốn cắt đứt quan hệ giữa Putin và Nga, nhưng không nhất thiết buộc nhóm này theo đuổi các lý tưởng tự do của Jefferson. Sẽ là sai lầm nếu chỉ chờ đợi và thưởng cho một chính phủ Nga thân phương Tây.

Phương Tây cũng nên chuẩn bị cho một nước Nga có thể phá hoại nhiều hơn trên quy mô toàn cầu – nhưng đừng ép nước này làm như vậy. Một số nhà phân tích đã thúc giục Tổng thống Mỹ Joe Biden (hoặc một tổng thống tương lai) thực hiện một thoả thuận Nixon-Kissinger đảo ngược, nghĩa là tiến hành một nỗ lực ngoại giao tiếp cận Moscow để chống lại Bắc Kinh. Trong quá khứ, Trung Quốc và Liên Xô đã chia rẽ sâu sắc từ trước khi người Mỹ đi nước cờ của mình. Nhưng việc tách Nga khỏi Trung Quốc ngày nay sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Ngay cả khi nhiệm vụ đó thành công, Mỹ vẫn sẽ phải làm ngơ khi Moscow tái áp đặt phạm vi ảnh hưởng đối với các vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, bao gồm cả Ukraine. Trong khi đó, quan hệ chặt chẽ giữa Trung Quốc và Nga đã làm mất uy tín của cả hai bên và đã ràng buộc các đồng minh của Washington ở châu Á và châu Âu chặt chẽ hơn với Mỹ. Thay vì đảo ngược, Washington có thể nhận thấy mình đang ở thời điểm cần một cập nhật của thoả thuận Nixon-Kissinger: hãy yêu cầu Trung Quốc giúp kiềm chế Nga.

CƠ HỘI TRONG NƯỚC VÀ Ở NƯỚC NGOÀI

Điều trớ trêu nhất trong đại chiến lược của Mỹ suốt 70 năm qua là nó đã phát huy tác dụng, thúc đẩy một thế giới hội nhập với sự thịnh vượng chung đầy ấn tượng, nhưng giờ đây nó lại bị bỏ rơi. Mỹ từng mở cửa thị trường kinh doanh cho các đối thủ của mình mà không cần họ đáp lại. Nhưng ngày nay, cái gọi là chính sách công nghiệp và chủ nghĩa bảo hộ đang phần nào đóng cửa nước Mỹ không chỉ với các đối thủ, mà còn với các đồng minh, đối tác, bạn bè, và những người bạn tiềm năng của Mỹ. Chính sách của Mỹ đã trở nên giống với chính sách của Trung Quốc – dù chính sách đó đã khiến Trung Quốc gặp bế tắc.

Chắc chắn, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cần giữ một vị trí trong bộ công cụ chính sách, dù là với Trung Quốc hay với Nga. Nhưng người ta vẫn chưa thấy Mỹ đưa ra phần thưởng nào theo nghĩa tích cực. Một chính sách thương mại chiến lược – được phản ánh qua các sáng kiến như Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà Washington đã xây dựng, nhưng sau đó lại từ bỏ – có lẽ sẽ không được ủng hộ trong bối cảnh chính trị nội bộ nước Mỹ hiện nay. Tuy nhiên, một chính quyền linh hoạt có thể dán nhãn mới cho cách tiếp cận này, biến nó thành một nhiệm vụ đầy tham vọng nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trật tự thế giới đòi hỏi tính chính danh, một tấm gương đáng noi theo, một hệ thống mở cho những người nỗ lực phấn đấu. Nước Mỹ đã từng đồng nghĩa với cơ hội kinh tế cho các đồng minh và đối tác của họ, cũng như cho những quốc gia khác mong muốn đạt được sự thịnh vượng và hòa bình mà trật tự kinh tế mở do Mỹ lãnh đạo đã hứa hẹn – và phần lớn đã thực hiện được bằng cách giảm bất bình đẳng trên quy mô lịch sử toàn cầu, đưa hàng tỷ người thoát khỏi cảnh nghèo đói, và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Nhưng theo thời gian, Mỹ đã nhường lại vai trò đó, cho phép Trung Quốc trở thành đồng nghĩa với cơ hội kinh tế (với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia) và năng lực chế tạo (với tư cách là một trung tâm kỹ thuật, năng lực hậu cần, và công nhân trình độ cao). Để lấy lại vị thế đã mất và khởi động lại động lực di chuyển xã hội trong nước, Mỹ, nơi chỉ có 1,5 triệu giáo viên toán và đã phải “nhập khẩu” kiến thức về môn học này từ Đông Á và Nam Á, cần khởi động một chương trình để tạo ra thêm một triệu giáo viên toán mới trong vòng 10 năm nữa. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi chấp nhận cho sinh viên vào đại học dù thiếu hụt nền tảng toán học, vốn là ngôn ngữ phổ thông của khoa học, kỹ thuật, máy tính, và kinh tế, dẫn đến việc họ chỉ bị giới hạn trong các chuyên ngành về bản thân và những bức xúc của họ.

Chính phủ và các nhà từ thiện nên chuyển hướng nguồn tài trợ giáo dục đại học sang các trường cao đẳng cộng đồng đáp ứng hoặc vượt quá các tiêu chí đánh giá hiệu suất. Các tiểu bang nên khởi động một chương trình đầy tham vọng nhằm triển khai các trường dạy nghề và đào tạo, cho dù là tái khởi động chúng trong các trường trung học hiện có, hay mở các trường độc lập mới thông qua hợp tác với các nhà tuyển dụng ở cấp cơ sở. Ngoài nguồn nhân lực, Mỹ cần kích thích sự bùng nổ trong thị trường nhà ở bằng cách cắt giảm các quy định về môi trường và loại bỏ trợ cấp cho các nhà xây dựng, để cho thị trường tự vận hành. Nước này cũng cần tổ chức dịch vụ quốc gia cho thanh niên, có thể với sự tham gia của nhiều thế hệ, nhằm khơi dậy ý thức công dân và cảm giác mọi người cùng chung tay hành động.

Đầu tư vào con người, nhà ở, và tái khám phá tinh thần công dân ở quy mô tương đương với những lệnh động viên thời Chiến tranh Lạnh xoay quanh các dự án khoa học và quốc gia là không đủ để đảm bảo cơ hội bình đẳng ở nước Mỹ. Nhưng những chính sách như vậy vẫn là một khởi đầu quan trọng, một sự quay trở lại với công thức đã được kiểm chứng từng giúp xây dựng sức mạnh quốc gia của Mỹ kết hợp với vai trò lãnh đạo quốc tế của Mỹ. Một lần nữa, Mỹ sẽ có thể đồng nghĩa với cơ hội ở nước ngoài và ở trong nước, có thêm bạn bè, và ngày càng có khả năng ứng phó với bất kỳ tương lai nào của Nga. Tấm gương và thực tiễn kinh tế của Mỹ đã từng bẻ cong quỹ đạo của Nga trước đây và vẫn có thể làm như vậy một lần nữa, nhưng là với ít sự ảo tưởng hơn.

Stephen Kotkin là nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford. Ông là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Stalin: Totalitarian Superpower, 1941–1990s,” tập cuối cùng trong ba tập tiểu sử của ông.