28/05/1830: Andrew Jackson ký ban hành Đạo luật Di dời Người Mỹ Bản địa

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Andrew Jackson signs the Indian Removal Act into law, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1830, Tổng thống Andrew Jackson đã ký phê chuẩn Đạo luật Di dời Người Mỹ Bản địa (Indian Removal Act) thành luật. Đạo luật này cho phép chính phủ liên bang đàm phán với các bộ lạc người Mỹ bản địa sống ở phía đông nam đất nước để lấy vùng đất tổ tiên của họ ở các bang như Florida, Georgia, North Carolina, và Tennessee. Kết quả là khoảng 60.000 người Mỹ bản địa đã bị buộc phải di cư về phía tây, đến sống ở “Lãnh thổ của người bản địa” (Oklahoma ngày nay). Cuộc di cư hàng loạt này khiến hơn 4.000 người thiệt mạng và được nhớ đến với tên gọi “Hành trình Nước mắt” (Trail of Tears).

Vào thời điểm đó, Jackson cho biết việc di dời người bản địa sẽ “củng cố đáng kể biên giới phía tây nam” và sẽ cho phép các bang mới như Alabama và Mississippi “tiến bộ nhanh chóng về dân số, của cải, và quyền lực.” Tính đến cuối nhiệm kỳ tổng thống của ông vào năm 1837, chính quyền của Jackson đã đàm phán gần 70 hiệp ước di dời, dẫn đến việc đưa 50.000 người bản địa miền đông đến tái định cư ở Lãnh thổ của người bản địa. Hai mươi lăm triệu mẫu đất đã được trao lại cho người da trắng và kết quả là chúng đã được sử dụng để mở rộng chế độ nô lệ.

Một số bộ lạc, trong đó có người Cherokee, đã không chịu rời bỏ nhà cửa của họ và cuối cùng đã bị quân đội Mỹ trục xuất trong khoảng thời gian từ năm 1838 đến năm 1839. Hàng ngàn người Mỹ bản địa đã chết khi vượt quãng đường hàng ngàn dặm, trong thời tiết khắc nghiệt để đến được vùng lãnh thổ xa lạ mà họ bị buộc phải gọi là quê hương.

Đến năm 1840, gần như tất cả các bộ lạc người Mỹ bản địa đều đã bị ép đến sống ở phía tây và Đạo luật Di dời Người Mỹ Bản địa đã đạt được mục đích của nó.